www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
18:13 CDT Thứ năm, 28/03/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 73

Máy chủ tìm kiếm : 10

Khách viếng thăm : 63


Hôm nayHôm nay : 16118

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 843812

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 19065007

Trang nhất » Tin Tức » Tin Tức » Tôn Giáo

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 12/03 – 18/03/2015: Đức Thánh Cha công bố Năm Thánh Từ Bi

Thứ năm - 19/03/2015 12:40
Xưng thú tội lỗi

Xưng thú tội lỗi

Sau bài giảng của Đức Thánh Cha, mọi người đã xét mình trong thinh lặng, rồi xưng tội riêng và lãnh nhận bí tích xá giải do 48 linh mục và một số Giám Mục ban. Cả Đức Thánh Cha cũng xưng tội trước khi giải tội cho một số hối nhân. Các vị giải tội hầu hết là các cha dòng thuộc đoàn giải tội ở 4 đại vương cung thánh đường Roma, và tòa Ân giải tối cao.

1. Đức Thánh Cha chủ sự nghi thức thống hối tại Đền thờ Thánh Phêrô

Lúc 5 giờ chiều thứ Sáu 13 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã chủ sự nghi thức thống hối tại Đền thờ Thánh Phêrô, với phần xưng thú và giải tội cá nhân sau đó. Hiện diện tại Đền thờ có một số Hồng Y và Giám Mục, linh mục và tu sĩ cùng với ngàn ngàn tín hữu.

Sau lời chào phụng vụ của Đức Thánh Cha, mọi người đã nghe đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu thành Ephêsô (2,4-10) trong đó thánh nhân nói về Thiên Chúa giàu lòng từ bi đã làm cho chúng ta từ trong tội lỗi được sống lại với Chúa Kitô: nhờ ơn thánh của Chúa, chúng ta được cứu thoát. Chúng ta là công trình của Thiên Chúa, chúng ta được tạo dựng trong Đức Giêsu Kitô, để làm việc thiện. Tiếp đến là bài Tin Mừng theo thánh Luca (7,36-50) kể lại sự tích Chúa Giêsu dùng bữa tại nhà người biệt phái Simon. Một người đàn bà tội lỗi mang dầu thơm đến xức chân Chúa và lấy tóc mà lau. Trước phản ứng của người biệt phái, Chúa cho biết tội lỗi của bà ta tuy nhiều, nhưng đã được tha thứ vì bà đã yêu mến nhiều.



Trong bài giảng của Đức Thánh Cha đã phân tích thái độ của người đàn bà tội lỗi và của ông Simon người Biệt Phái.

Đức Thánh Cha nói:

Trước hết, chúng ta ghi nhận có tình yêu của người đàn bà tội lỗi hạ mình trước mặt Chúa, nhưng trước đó đã có tình yêu thương xót của Chúa Giêsu đối với bà, thúc đẩy bà đến gần. Giọt lệ thống hối và niềm vui rửa chân cho Thầy, tóc của bà lau khô chân Chúa với lòng biết ơn, những nụ hôn bà biểu lộ lòng quí mến thanh khiết của bà... Mỗi cử chỉ của bà nói lên tình yêu và biểu lộ ước muốn của bà mong được một sự chắc chắn vững vàng trong cuộc sống: chắc chắn mình được tha thứ. Và Chúa Giêsu ban cho bà sự chắc chắn ấy bằng cách đón nhận và tỏ cho bà tình thương của Thiên Chúa đối với bà: Thiên Chúa tha thứ cho bà rất nhiều vì bà đã yêu mến nhiều (Lc 7,47).

Trái lại, người biệt phải không tìm được con đường tình yêu. Ông ta dừng lại trong hình thức bề ngoài, không có khả năng thực hiện một bước tiến để đến gặp Chúa Giêsu Đấng ban ơn cứu độ cho ông. Simon đã mời Chúa dùng bữa, nhưng không thực sự đón tiếp Ngài.. Phán đoán của ông về người phụ nữ làm cho ông xa lìa sự thật và không để cho ông hiểu ai là người khách của ông. Ông dừng lại ở bề mặt bên ngoài và không có khả năng nhìn con tim.

Từ đó, Đức Thánh Cha nói: “Lời nhắc nhở của Chúa Giêsu thúc đẩy mỗi ngừơi chúng ta đừng bao giờ dừng lại ở bề ngoài của sự việc, nhất là khi chúng ta đứng trước một con người. Chúng ta được kêu gọi nhìn xa hơn, nhắm đến con tim để thấy mỗi người có khả năng quảng đại dường nào. Không ai có thể bị loại khỏi lòng từ bi của Thiên Chúa; tất cả biết con đường để đến với lòng từ bi ấy và Giáo Hội là nhà đón tiếp mọi người và không từ khước một ai.

Sau bài giảng của Đức Thánh Cha, mọi người đã xét mình trong thinh lặng, rồi xưng tội riêng và lãnh nhận bí tích xá giải do 48 linh mục và một số Giám Mục ban. Cả Đức Thánh Cha cũng xưng tội trước khi giải tội cho một số hối nhân. Các vị giải tội hầu hết là các cha dòng thuộc đoàn giải tội ở 4 đại vương cung thánh đường Roma, và tòa Ân giải tối cao.

Buổi cử hành nghi thức thống hối kết thúc với phần tạ ơn và phép lành của Đức Thánh Cha. Đây là lần thứ 2 ngài chủ sự nghi thức thống hối mùa chay với phép xá giải cá nhân tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Và giống như năm ngoái, buổi lễ thống hối được nối tiếp với chương trình gọi là “24 giờ cho Chúa” do Hội đồng Tòa Thánh tái Truyền Giảng Tin Mừng, đề xướng và được cử hành tại 3 thánh đường ở trung tâm Roma, trong đó các tín hữu cầu nguyện và lãnh nhận bí tích hòa giải. Có 60 linh mục tình nguyện giải tội cho các tín hữu, kể cả Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Chánh tòa Ân giải tối cao, và tất cả các linh mục nhân viên của Tòa này.

Nhiều giáo phận trên thế giới cũng cử hành các buổi lễ tương tự trong mùa chay.

2. Đức Thánh Cha kêu gọi thần học qui trọng tâm vào lòng từ bi

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các học giả thuộc mọi ngành thần học làm sao để những lãnh vực nghiên cứu của họ phản ánh tầm quan trọng trung tâm của lòng từ bi trong Tin Mừng.

Trong thư gửi đến Đức Hồng Y Mario Poli, Tổng Giám Mục giáo phận Buenos Aires, cũng là Đại chưởng ấn Đại học Công Giáo Á Căn Đình, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập phân khoa thần học tại đây, Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Nếu không có lòng từ bi, thì nền thần học, giáo luật, và công việc mục vụ của chúng ta có nguy cơ sa lầy trong những điều nhỏ nhặt có tính chất bàn giấy, hoặc sa vào một ý thức hệ, tự bản chất, nó muốn thuần hóa mầu nhiệm. Hiểu thần học là hiểu Thiên Chúa là Tình Thương”.

Lá thư mang chữ ký của Đức Thánh Cha ngày 3 tháng Ba và được công bố tại Vatican ngày 9 tháng Ba. Trong thư Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng “Sinh viên thần học tại Đại học Công Giáo Á Căn Đình phải được huấn luyện để không trở thành những thần học gia “viện bảo tàng” tích trữ các dữ kiện và thông tin về Mạc Khải mà không biết thực sự phải làm gì với những kiến thức đó; họ càng không được trở thành những người bàng quan nhìn lịch sử. Nhà thần học được đào tạo tại Đại học Công Giáo Á Căn Đình phải là một người có khả năng xây dựng quanh mình tình người, thông truyền chân lý Kitô thần linh với chiều khích thực sự là nhân bản, chứ không phải là một nhà trí thức không có tài năng, một nhà đạo đức không có lòng nhân hoặc chỉ một chuyên gia về điều thánh thiêng”.

Đức Thánh Cha cũng xác quyết rằng “Nhà thần học tốt, cũng như vị mục tử tốt, phải ‘có mùi’ của dân chúng và đường phố, và với suy tư của họ, họ đổ dầu và rượu chữa lành những vết thương của con người. Thần học phải biểu lộ Giáo Hội vốn là một ‘bệnh viện dã chiến’, sống sứ mạng cứu độ và chữa lành của mình trong thế giới.”

3. Đức Hồng Y Nhiếp Chính, Jean Louis Tauran, tuyên thệ nhậm chức

Sáng ngày 9 tháng Ba, trước mặt Đức Thánh Cha tại nhà nguyện Urbano Đệ Bát, Đức Hồng Y Jean Louis Tauran đã tuyên thệ nhậm chức Hồng Y Nhiếp chính trong trường hợp trống ngôi Giáo Hoàng.

Đức Thánh Cha đã chủ sự nghi thức, đọc các đoạn sách phụng vụ, nhưng không có diễn văn nào. Còn Đức Hồng Y Tauran sau đó đã nói ít lời cám ơn Đức Thánh Cha.

Đức Hồng Y Tauran người Pháp, 72 tuổi (1943) hiện nay cũng là Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn và ngày 20 tháng 12 năm ngoái, ngài được Đức Thánh Cha bổ nhiệm thay thế Đức Hồng Y Tarcisio Bertone trong nhiệm vụ nhiếp chính. Vị phó nhiếp chính là Đức Tổng Giám Mục Giampiero Gloder, Giám đốc trường ngoại giao Tòa Thánh.

Hồng Y nhiếp chính là vị chủ tịch của Tông Phòng (Camera Apostolica) và chăm sóc, quản lý tài sản cũng như các quyền lợi vật chất, tài sản của Tòa Thánh trong khi Tòa Thánh trống vị. Trong thời kỳ trống tòa như vậy, ngài không bị ngưng chức như các vị thủ lãnh các cơ quan trung ương khác của Tòa Thánh. Ngài thi hành các công việc bình thường và đệ trình lên Hồng Y đoàn những gì quan trọng cần được phê chuẩn.

Đức Hồng Y nhiếp chính có nhiệm vụ niêm phong phòng làm việc và phòng của Đức Giáo Hoàng quá cố, cho phép những người thường ở trong căn hộ của Đức Giáo Hoàng được tiếp tục ở đó cho đến khi an táng Đức Giáo Hoàng, sau đó toàn thể căn hộ sẽ bị niêm phong.

Ngài cũng là người thông báo chính thức tin Đức Giáo Hoàng qua đời cho Đức Hồng Y giám quản Roma và toàn thể dân thành này, cũng như cho Đức Hồng Y Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô.

Đức Hồng Y nhiếp chính, sau khi nghe ý kiến của 3 Hồng Y trưởng của 3 đẳng Giám Mục, linh mục và Phó tế, sẽ ấn định tất cả những gì liên hệ tới việc an táng Đức Giáo Hoàng quá cố. Ngài ấn định ngày bắt đầu các phiên họp của Hồng Y đoàn để chuẩn bị bầu giáo hoàng mới. Đức Hồng Y cũng lo liệu những gì cần thiết để chuẩn bị việc bầu Giáo Hoàng. Ngài cho phép chụp hình vị Giáo Hoàng quá cố để làm tài liệu..

Đức Hồng Y nhiếp chính nhận lời tuyên thệ của các Hồng Y về việc giữ bí mật liên quan tới cuộc bỏ phiếu..

Những qui định trên đây được trình bày trong Tông hiến “Universi Dominici Gregis” (Mục tử toàn thể đoàn chiên Chúa” do Đức Gioan Phaolô 2 ban hành năm 1992 về những gì phải tuân giữ trong thời kỳ Tòa Thánh trống ngôi Giáo Hoàng.

4. Đức Thánh Cha tiếp kiến 400 linh mục trẻ và các chủng sinh

Sáng ngày 12 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến 400 linh mục trẻ và các chủng sinh năm cuối vừa kết thúc khóa học thứ 26 về giải tội và những vấn đề lương tâm, do Tòa Ân giải tối cao tổ chức.

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các vị ban bí tích hòa giải hãy liên tục cụ thể hóa và biểu lộ tôn nhan từ bi của Thiên Chúa. “Sống bí tích này có nghĩa là giúp anh chị em chúng ta cảm nghiệm an bình và cảm thông, về mặt nhân bản và Kitô. Không được biến Bí tích giải tội thành một thứ “tra tấn”, cần làm sao để tất cả các hối nhân, khi ra khỏi tòa giải tội cảm thấy niềm hạnh phúc trong tâm hồn, với khuôn mặt rạng ngời hy vọng, và đôi khi đẫm lệ hoán cải, và niềm hy vọng từ đó mà ra.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

“Bí tích giải tội, với tất cả những hành vi của hối nhân, không có nghĩa là một cuộc khảo cung nặng nề, gây khó chịu và xen vào cuộc sống. Trái lại bí tích này phải là một cuộc gặp gỡ giải thoát và đầy tình người, qua đó có thể giáo dục hối nhân về lòng từ bi, lòng từ bi này không loại trừ, nhưng bao gồm đúng đắn sự quyết tâm đền bù, sửa chữa sự ác đã phạm.”

Đức Thánh Cha không quên nhắn nhủ các cha giải tội hãy để cho mình được bí tích hòa giải giáo dục. Ngài viết: “Bao nhiêu lần chúng ta được khích lệ khi nghe những lời xưng tội. Những anh chị em đang sống tình hiệp thông đích thực với Chúa về mặt bản thân và Giáo Hội, một tình yêu chân thành đối với tha nhân. Những tâm hồn đơn sơ, có tinh thần thanh bần, hoàn toàn phó thác cho Chúa, tín thác nơi Giáo Hội, và nơi vị giải tội. .. Chúng ta học hỏi được bao nhiêu điều nơi sự hoán cải và thống hối của các anh chị em chúng ta! Họ cũng thúc đẩy chúng ta hãy xét mình: Tôi là linh mục, tôi có yêu mến Chúa, Đấng đã cho tôi trở thành thừa tác viên lòng từ bi của Chúa hay không? Là linh mục, tôi có sẵn sàng thay đổi, hoán cải như hối nhân này hay không, là người mà tôi đang phục vụ?”

5. Tòa Thánh kêu gọi lạc quyên Thứ Sáu Tuần Thánh giúp Thánh Địa

Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, đã gửi thư đến các Giám mục giáo phận trên toàn thế giới, kêu gọi tổ chức lạc quyên vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tới đây là ngày 3 tháng Tư, để giúp đỡ các tín hữu Kitô tại Thánh Địa.

Đức Hồng Y Sandri nhắc lại truyền thống lạc quyên này, theo lời mời gọi của các vị Giáo Hoàng, để hỗ trợ cộng đồng các tín hữu và các nơi của Thánh Địa. Sự hỗ trợ này càng cần thiết trong thời điểm bi thảm hiện nay của toàn vùng Trung Đông.

Sau khi nhắc đến lời nhắn nhủ nồng nhiệt của Thánh Phaolô Tông Đồ về việc lạc quyên nơi các cộng đồng Kitô tiên khởi để giúp đỡ người nghèo ở Thánh Địa (Xc Rm 15,25-26; Gl 2,10, 1 Cr 16, 2 Cr 8-9), Đức Hồng Y Sandri viết:

“Như thánh Tông Đồ, cả Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đặc biệt quan tâm đến những đau khổ của bao nhiêu anh chị em ở phần đất ấy của thế giới, đã trở nên thánh thiêng nhờ Máu của Con Chiên, và tình hình trong những tháng gần đây trở nên trầm trọng vì các cuộc xung đột xâu xé vùng này. Nỗi đau khổ ấy kêu thấu tới Thiên Chúa và kêu gọi sự dấn thân của tất cả chúng ta, trong kinh nguyện và mọi loại sáng kiến” (Đức Thánh Cha Phanxicô, thư gửi các tín hữu Kitô Trung Đông, 21-12-2014).

Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương nhắc đến thảm trạng hiện nay hàng triệu người phải trốn chạy từ Syria và Iraq, nơi tiếng súng vẫn chưa yên và con đường đối thoại và hòa hợp dường như hoàn toàn bị sa lầy, trong khi đó có sự trổi vượt oán thù điên rồ của những kẻ giết người và sự tuyệt vọng vô phương tự vệ của những bị mất tất cả sản nghiệp và bị bứng khỏi phần đất của cha ông họ. Ngài nhận xét rằng “nếu các tín hữu Kitô ở Thánh Địa được khuyên nhủ hãy hết sức chống lại mọi cám dỗ bỏ chạy, thì các tín hữu trên thế giới cũng được yêu cầu quan tâm đến số phận của các tín hữu tại Thánh Địa..”

Và Đức Hồng Y Sandri kết luận rằng “Tôi cầu mong cuộc lạc quyên này được sự đón nhận của tất cả các Giáo phận, để gia tăng sự tham gia trong tình liên đới. Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương phối hợp sự tham gia này để bảo đảm cho Thánh Địa sự nâng đỡ cần thiết đố với những nhu cầu của đời sống bình thường của Giáo Hội và mọi nhu cầu cần thiết khác”

6. Người Công Giáo Ấn phong toả xa lộ, chặn các đoàn tầu để phản đối vụ hãm hiếp một nữ tu

Làn sóng bất mãn của người Công Giáo tại Ấn đã dâng lên tới cao độ sau khi một tu viện và cũng là một trường học bị tấn công và một nữ tu 72 tuổi bị 8 tên côn đồ hãm hiếp và đánh đập tàn bạo vào đêm thứ Sáu rạng ngày thứ Bẩy 14 tháng Ba.

Trong thông cáo đưa ra hôm thứ Bẩy, cha Dominic Gomes, Tổng đại diện của Tổng Giáo Phận Kolkata, cũng gọi là Calcultta, cho biết tu viện Chúa Giêsu và Mẹ Maria, tại Ranagath, đã bị tấn công và cướp phá trong nhiều giờ từ lúc 1 giờ sáng ngày thứ Bẩy mà không nhận được sự trợ giúp của cảnh sát.

Sau khi khống chế các nhân viên bảo vệ, bọn cướp đã trói 3 nữ tu và bắt đầu cướp phá. Nữ tu hiệu trưởng cũng là bề trên tu viện đã gọi điện thoại báo cảnh sát nhưng bọn cướp xông vào phòng của sơ lục soát, phá hoại tài sản và lấy tiền, một máy tính xách tay và điện thoại di động sau đó đã hãm hiếp sơ.

"Chúng tôi sẽ tìm ra thủ phạm là những kẻ phải bị trừng phạt. Những điều như thế này chưa bao giờ xảy ra tại bang này", Đức Cha Thomas D'Souza, Tổng Giám Mục của Kolkata nói. Kolkata là nơi Mẹ Teresa đã hoạt động trong hầu hết cuộc đời của mình. Các nữ tu tại đây rất được tôn kính.

Bạo lực chống lại các nữ tu tại Ấn đã gia tăng trong các năm gần đây. Một nữ tu 28 tuổi thuộc dòng Thừa Sai Phanxicô của Thánh Giuse đang theo học tại Chennai thuộc bang Orissa đã bị bắt cóc tại Kandhamal (một quận trong tỉnh Orissa) và bị hãm hiếp trong vòng một tuần lễ từ ngày 5 đến ngày 11 tháng 7 năm 2013. Tháng 8 năm 2008, nữ tu Meena Barwa, 30 tuổi đã bị 22 người Ấn Giáo cực đoan hãm hiếp. Cảnh sát bắt được cả 22 tên nhưng 17 tên được tại ngoại hầu tra ngay tức khắc và đến nay, sau gần 5 năm, theo Đức Hồng Y Oswald Gracias, phiên tòa xử 22 tên này vẫn chưa xảy ra.

Sáng thứ Bẩy, học sinh và cha mẹ đã xuống đường để phản đối. Họ chặn đoàn tàu trên tuyến Sealdah-Ranaghat và phong tỏa Quốc lộ 34 trong nhiều giờ nhằm phản đối vụ việc. Cư dân khác tham gia với họ.

7. Những kỳ vọng của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tại Belarus

Sau khi đến Minsk tối thứ Năm 12 tháng Ba, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã nói chuyện với Đài phát thanh Vatican về kỳ vọng của ngài trong cuộc hành trình.

Đức Hồng Y cho biết mục đích chính của ngài là tăng cường quan hệ giữa Tòa Thánh và Giáo Hội địa phương, và để trao những lời khích lệ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến cộng đồng Công Giáo thiểu số tại Belarus là những người đã bảo tồn và tuyên xưng đức tin của mình, ngay cả trong thời khủng bố.

Ngài cho biết thêm là chuyến thăm của ngài là một dấu hiệu của mối quan hệ tốt đẹp giữa Tòa Thánh và Belarus.

"Tôi nghĩ rằng mối quan hệ này là tuyệt vời," Đức Hồng Y nói. "Thực sự, đó là ý chí của cả hai bên để tiến về phía trước trong mối quan hệ này, và để xây dựng mạnh mẽ hơn một mối quan hệ mang tính xây dựng giữa hai bên."

Khi được hỏi về cuộc xung đột ở nước láng giềng Ukraine, Đức Hồng Y Parolin đã ca tụng vai trò của Belarus trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt bạo lực.

"Đối với các nhà ngoại giao Vatican, Belarus là một nước quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh của các sự kiện đang diễn ra tại Ukraine. Tôi muốn nhấn mạnh điều này là các cuộc đàm phán đã được tổ chức và dẫn đến việc ký kết ‘Thỏa thuận Minsk’, là một bước ngoặt có thể dẫn đến một giải pháp hòa bình trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine. "

Hôm thứ Sáu 13 tháng Ba, Đức Hồng Y Parolin đã gặp Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và Ngoại trưởng Vladimir Makei.

Trong các cuộc họp, Tổng thống Lukashenko nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do tôn giáo.

Tổng thống Lukashenko cho biết: "Chính sách của tôi về vấn đề này và các chính sách của toàn bộ nhà nước Belarus đều dựa trên một luận đề, đó là, mỗi người đều có quyền lựa chọn con đường của mình để đến với Thiên Chúa, qua các Giáo Hội. Đó là quyền của mỗi cá nhân và không ai có thể xâm phạm. Chúng tôi ngăn chặn những nỗ lực nhằm thiên vị một Giáo Hội và làm mất ổn định tình hình tôn giáo tại Belarus. "

Tổng thống nói thêm là Giáo Hội Chính Thống Giáo và Giáo Hội Công Giáo tại quốc gia này có vai trò "rất lớn" và "vô giá" trong việc giữ gìn hòa bình và hợp tác liên tôn tại Belarus.

Đức Hồng Y Parolin cũng đã gặp gỡ Thượng Phụ Zaslavl Pavel là Thượng Phụ Chính Thống Giáo Minsk và Toàn Belarus. Đức Thượng Phụ đã mô tả cuộc họp giữa hai vị là "thân ái và cởi mở".

8. Đức Hồng Y Trần Nhật Quân cảnh cáo về những nhượng bộ của Tòa Thánh trong việc tấn phong Giám Mục tại Trung quốc

Chính phủ Trung Quốc đã tỏ ra ít quan tâm đến những nhượng bộ do Tòa Thánh đề xuất liên quan đến việc phong chức giám mục Công Giáo.

Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng tại Hương Cảng vào ngày 12 tháng 3, Cha Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Vatican, cho biết Tòa Thánh có thể chấp nhận một thỏa thuận với Bắc Kinh cho phép chính phủ nước này sàng lọc các ứng viên chức Giám Mục.

Dự thảo của chính sách mới là Tòa Thánh đề ra ba ứng viên Giám Mục, Trung quốc chọn một trong ba người ấy và sau cùng Đức Giáo Hoàng chuẩn y.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhanh chóng trả lời rằng Vatican phải tôn trọng "truyền thống lịch sử và thực tế của người Công Giáo ở Trung Quốc." Phát ngôn viên Trung quốc nói: "Chúng tôi sẵn sàng đối thoại mang tính xây dựng với Vatican". Tuy nhiên, ông ta thẳng thừng bác bỏ các đề nghị của Cha Lombardi và khẳng định rằng các giám mục phải được lựa chọn bởi Hội Công Giáo Yêu nước do chính phủ hậu thuẫn.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Corriere Della Sera, nghiã là Tin Chiều, Đức Hồng Y Trần Nhật Quân, Giám mục hiệu toà của Hương Cảng, cảnh báo rằng "Trung Quốc chỉ muốn một sự khuất phục vô điều kiện" trong việc bổ nhiệm các giám mục.

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân, người từng chỉ trích rất mạnh mẽ Đức Hồng Y Ivan Dias, người Ấn Độ, là cựu tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, đã quay sang chỉ trích các viên chức người Ý. Ngài nói:

"Các quan chức Ý trong Giáo triều Rôma không biết rõ chế độ độc tài Trung Quốc vì họ chưa từng bao giờ phải sống qua một chế độ Cộng sản".

"Tôi luôn luôn tin tưởng Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Parolin, cho đến khi tôi phát hiện ra rằng ngài đã ủng hộ quá đáng một thỏa thuận mà trong giai đoạn hiện nay sẽ chỉ là một sự khuất phục vô điều kiện. Các nhà đàm phán Trung Quốc đặt một tài liệu trên bàn yêu cầu ký vào và người của chúng ta không có khả năng hoặc sức mạnh để đưa ra các đề xuất khác. Liệu chúng ta có muốn hy sinh sự đề cử và thánh hiến các giám mục cho một cuộc đối thoại không chân thành hay không? "

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân cũng nói rằng ngài đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô trong vòng 45 phút. Đức Giáo Hoàng đã so sánh Đức Hồng Y với cậu bé David người đã chống lại tên khổng lồ Goliath. Đức Hồng Y nói thêm: "Đức Giáo Hoàng cho thấy hoàn toàn tin tưởng tôi. Ngài không ngây thơ đâu, và sẽ không nhượng bộ những điều kiện này."

Thông tấn xã ANSA cho biết là đáp lại những nhận xét của Đức Hồng Y Trần Nhật Quân, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói rằng "có một sự sẵn sàng để nói chuyện, một cuộc đối thoại có những nhịp điệu và thời gian của nó, và chúng tôi hy vọng sẽ dẫn đến một số kết quả".

9. Đức Thánh Cha công bố Năm Thánh Từ Bi

Trong bài giảng tại buổi cử hành Phụng Vụ thống hối chiều thứ Sáu 13 tháng Ba, Đức Thánh Cha cũng đã công bố Năm Thánh Từ Bi.

Ngài nói: “Anh chị em thân mến, tôi thường suy nghĩ xem làm thế nào để Giáo Hội có thể làm nổi bật hơn sứ mạng của mình là làm chứng nhân về lòng từ bi. Đó là một con đường bắt đầu bằng sự hoán cải tinh thần. Vì thế, tôi quyết định ấn định Năm Thánh đặc biệt, có trọng tâm là lòng từ bi của Chúa. Đây sẽ là một Năm Thánh Từ Bi. Chúng ta muốn sống năm này dưới ánh sáng lời Chúa nói: ‘Các con hãy có lòng từ bi thương xót như Chúa Cha” (Xc Lc 6,36).

Năm Thánh này sẽ bắt đầu từ lễ Đức Mẹ Vô nhiễm tới đây (8-12-2015) và sẽ kết thúc ngày 20-11-2016, Chúa Nhật lễ Chúa Kitô là Vua Vũ Trụ và là tôn nhan sinh động của lòng từ bi Chúa Cha. Tôi ủy thác việc tổ chức Năm Thánh này cho Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, để có thể linh hoạt năm này như một giai đoạn mới trên hành trình của Giáo Hội trong sứ mạng mang Tin Mừng từ bi cho mỗi người”.

“Tôi xác tín rằng toàn thể Giáo Hội có thể tìm được trong Năm Thánh này niềm vui để tái khám phá và làm cho lòng từ bi Chúa phong phú, qua đó tất cả chúng ta được kêu gọi mang lại an ủi cho mỗi người nam nữ trong thời đại chúng ta. Ngay từ bây giờ tôi phó thác cho Mẹ Từ Bi, xin Mẹ ghé mắt nhìn chúng ta và canh giữ hành trình của chúng ta”.

10. Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Hàn Quốc và Mông Cổ

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi các Giám Mục Hàn Quốc giúp các tín hữu gặp gỡ và làm chứng cho Chúa Kitô, đồng thời tăng cường việc mục vụ giới trẻ.

Trên đây là nội dung bài huấn dụ ngài trao cho 27 Giám Mục Hàn quốc và Đức Giám Mục Wenceslao Padilla của Mông Cổ, trong cuộc gặp gỡ sáng thứ Sáu 12 tháng 3, nhân dịp các vị về Roma hành hương, viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Sau khi nhắc lại tấm gương của các Chân phước tử đạo Hàn quốc mà ngài tôn phong trong cuộc viếng thăm hồi tháng 8 năm ngoái, Đức Thánh Cha mời gọi các Giám Mục cùng với các linh mục, tu sĩ nam nữ và thủ lãnh giáo dân trong các giáo phận thuộc quyền, hãy “làm sao để các giáo xứ, trường học và trung tâm tông đồ là những nơi gặp gỡ đích thực: gặp gỡ với Chúa, Đấng dạy chúng ta cách yêu thương và mở mắt để chúng ta nhìn nhận phẩm giá của mỗi người, và gặp gỡ nhau, nhất là những người nghèo, người già, người bị bỏ quên giữa chúng ta. Khi chúng ta gặp Chúa Giêsu và cảm nghiệm lòng từ bi của Chúa đối với chúng ta, thì chúng ta càng trở nên những chứng nhân có sức thuyết phục về quyền năng cứu độ của Chúa; chúng ta càng sẵn sàng chia sẻ tình yêu của chúng ta đối với Chúa và những hồng ân Chúa ban cho chúng ta..”

Cũng trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nhìn nhận những cố gắng của các Giám Mục Hàn Quốc nhắm giúp người trẻ tham gia nhiều hơn vào cuộc sống và sinh hoạt của các giáo xứ, giáo phận. Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc làm gương cho người trẻ và khẳng định rằng “Mặc dù chúng ta rao giảng chính Chúa Kitô chứ không phải chúng ta, chúng ta vẫn được kêu gọi trở nên mẫu gương cho Dân Chúa (Xc 1 Pr 5,3), để lôi kéo dân đến cùng Chúa. Người trẻ sẽ rất mau lẹ nhắc nhở chúng ta và Giáo Hội nếu cuộc sống của chúng ta không phản ánh niềm tin của chúng ta. Sự thẳng thắn của họ về vấn đề này có thể trợ giúp chúng ta, cũng như khi chúng ta tìm cách giúp các tín hữu biểu lộ niềm tin trong cuộc sống hằng ngày của họ”.

Trong ý hướng trên đây, Đức Thánh Cha kêu gọi các Giám Mục luôn nghĩ đến người trẻ khi suy tư về đời sống giáo phận và khi đề ra hoặc duyệt lại các chương trình mục vụ. Ngài viết: “Anh em hãy coi giới trẻ như những người đối tác trong việc xây dựng một Giáo Hội thánh thiện, có tinh thần thừa sai và khiêm tốn hơn, một Giáo Hội yêu mến và phụng sự Chúa bằng cách phục vụ người nghèo, người cô đơn, người yếu đau và bị ở ngoài lề”

11. Phúc trình chi thu lạc quyên giúp Thánh Địa

Trong năm 2014, hơn 7 triệu rưỡi Mỹ kim đã được dùng để trợ giúp các hoạt động của Giáo Hội Công Giáo tại Thánh Địa và giúp người tị nạn Syria và Iraq.

Theo thông cáo do Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương, công bố hôm 10 tháng 3, trong số ngân khoản do các giáo phận trên thế giới lạc quyên trong Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2014, có 2,5 triệu mỹ kim được dùng để cứu trợ cấp thời cho dân chúng tại Iraq và Syria, hơn 2 triệu 600 ngàn mỹ kim được dành để hỗ trợ nền giáo dục Công Giáo các cấp và 2 triệu 400 ngàn mỹ kim khác được dùng để tài trợ các dự án nhỏ, kể cả việc hỗ trợ Hội đồng các vị Bản quyền Công Giáo tại Thánh Địa.

Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương đã công bố danh sách các dự án được tài trợ nhân dịp phổ biến thư gửi các GM giáo phận trên thế giới mời gọi các vị cho tổ chức các cuộc lạc quyên theo ý Đức Thánh Cha để giúp Thánh Địa.

65% ngân khoản quyên góp được Bộ trao cho Dòng Phanxicô tại Thánh Địa là đơn vị của dòng đặc trách hầu hết các nơi thánh liên hệ tới cuộc đời Chúa Giêsu và săn sóc mục vụ cho các tín hữu trong vùng, đảm trách các trường Công Giáo, các tổ chức bác ái, đào tạo linh mục và tu sĩ. 35% ngân khoản còn lại được sử dụng để tài trợ các dự án được Bộ Đông phương chọn tại các nơi khác ở Thánh Địa, đảo Cypre, Syria, Liban, Ai Cập, Ethiopia, Eritrea, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Iraq.

Không đồng nào được dùng để giúp Trung ương dòng Phanxicô đang bị thiếu hụt ngân sách. Một tu sĩ Phanxicô ở Thánh Địa cho biết sau khi nhận được số tiền lạc quyên từ các giáo phận, Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương gửi thẳng tiền cho Dòng Phanxicô tại Thánh Địa để chi cho các dự án được chấp thuận. Trung ương dòng Phanxicô không liên hệ gì tới tiến trình này.

Trong số các dự án được chấp thuận cho Thánh Địa có việc trợ giúp các tín hữu Kitô thiểu số trong vùng, bảo trì các địa điểm khảo cổ và Đền thánh Kitô, cũng như tạo cơ hội cho các tín hữu hành hương kính viếng các nơi này như Vườn Giệtsimani, Đền thờ Mộ Thánh, nhà Tiệc Ly, Vương cung thánh đường Truyền Tin ở Nazareth, khu khảo cổ ở Magdala, Capharnaum, Núi Tabor, Cana, Núi Nebo bên Giordani, trợ giúp học bổng cho 295 sinh viên đại học, mua dụng cụ cho 10 xưởng tiểu thủ công, tu bổ một số nhà ở của các gia đình nghèo nhất ở cổ thành Jerusalem, Beit Hanina, Bethlehem..

12. Đức Thánh Cha nói: Mọi người cần quan tâm đến các học sinh đang gặp khó khăn

Trong buổi tiếp kiến sáng 14 tháng 3, dành cho 2 ngàn thành viên Hiệp Hội giáo chức Công Giáo Italia, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người quan tâm đến các học sinh đang gặp khó khăn về kinh tế và nhiều mặt khác.

Hiệp Hội giáo chức Công Giáo Italia, gọi tắt là UCIIM, được giáo sư Gesualdo Nosengo thành lập cách đây 70 năm (1944) nhắm liên kết các giáo chức trung học Công Giáo trong lý tưởng giáo dục.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, sau khi đề cao vai trò của nhà giáo dục, Đức Thánh Cha nhắc đến giới răn cao trọng nhất là mến Chúa yêu người, và đối với các giáo chức, những người “thân cận” chính là các học sinh của mình.

Đức Thánh Cha nói:

“Nghĩa vụ của một giáo chức tốt, nhất là giáo chức Kitô, chính là yêu thương với một cường độ mạnh mẽ hơn các học sinh khó khăn nhất, yếu nhất và bị thiệt thòi nhiều nhất. Chúa Giêsu đã nói: 'Nếu các con chỉ yêu những học sinh chăm học, có giáo dục tốt, thì các con có công trạng gì? Bất kỳ giáo chức nào cũng cảm thấy thoải mới với các học sinh ấy'. Tôi xin anh chị em hãy yêu nhiều hơn các học sinh ‘khó khăn’, những em không muốn học, những em ở trong hoàn cảnh khó khăn, những em khuyết tật và người nước ngoài, đó thực là một thách đố lớn đối với trường học ngày nay”.

Đức Thánh Cha cũng nhắn nhủ Hiệp hội các giáo chức Công Giáo dấn thân trong các “khu vực ngoại ô của học đường”, không thể bỏ mặc những cảnh vực này cho tình trạng bị gạt ra ngoài lề, sự dốt nát và cuộc sống bất lương. Trong một xã hội khó tìm được những điểm tham chiếu, điều cần thiết là ngừơi trẻ phải tìm được nơi học đường một điểm tham chiếu tích cực”

13. Đức Thánh Cha tiếp kiến 500 thành viên Hội “Hãy Theo Thầy”

Sáng ngày 14 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến 500 thành viên hiệp hội giáo dân “Hãy theo Thầy” (Seguimi), nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập. Hiện diện tại buổi tiếp kiến, có Đức Hồng Y Agostino Vallini, Giám quản Roma, nơi có trụ sở chính của Hội. Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha khích lệ các thành viên mỗi ngày sống theo tôn chỉ của hội, đó là “Chúa Giêsu Kitô hằng sống ở trong tâm Hiệp hội 'Hãy theo Thầy'.

Ngài nói:

“Chương trình này thật là đẹp. Tôi khuyến khích chị em ngày qua ngày quyết tâm sống chương trình ấy, nghĩa là trở thành những người không qui trọng tâm vào mình, nhưng đặt trung tâm sinh tử của mình nơi Con Người sinh động của Chúa Giêsu. Đôi khi, cả trong Giáo Hội, chúng ta tưởng mình là Kitô hữu tốt vì chúng ta làm những công tác xã hội và bác ái có tổ chức qui củ. Đó thực là những điều tốt, nhưng chúng ta không được quên rằng nhựa sống mang lại sinh lực và biến đổi con tim chính là Chúa Thánh Thần, Thánh Linh của Chúa Kitô. Chị em hãy để cho Chúa chiếm chỗ đứng trung tâm trong tâm hồn và hoạt động của chỉ em. Chính khi kết hiệp mật thiết với Chúa, như cành nho gắn vào gốc nho (Ga 15,1-9), chị em có thể đi tới những khu vực ngoại ô của thế giới”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến lòng trung thành mà các thành viên Hiệp hội “Hãy theo Thầy” cam kết thi hành, đó là lòng trung thành với hoạt động của Chúa Thánh Linh, Đấng là tình yêu và tự do, trung thành với giao ước ơn gọi giữa các thành viên của nhóm. Lòng trung thành trong hội 'Hãy theo Thầy' được hiểu như một giá trị luân lý tự nhiên cao cả nhất, các Hội viên tự buộc mình theo lương tâm để đáp lại tiếng gọi của Chúa, mà không cần những ràng buộc pháp lý khác do con người thiết định.”

14. Thông cáo về Năm Thánh Từ Bi

Trong thông cáo công bố sau lời tuyên bố của Đức Thánh Cha, Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng cho biết việc thông báo chính thức và long trọng Năm Thánh sẽ được cử hành với việc đọc và công bố tại Cửa Năm Thánh Tông Sắc vào Chúa Nhật kính lòng Từ Bi Chúa, tức là Chúa Nhật thứ hai sau lễ Phục Sinh 12 tháng Tư tới đây.

Nghi thức khai mạc Năm Thánh Từ Bi là lễ Mở Cửa Năm Thánh. 4 đại vương cung thánh đường ở Roma đều có Cửa Năm Thánh. Nghi thức này diễn tả tượng trưng ý niệm theo đó trong Năm Thánh, một “hành trình đặc biệt” tiến về ơn cứu độ được cống hiến cho các tín hữu. Sau lễ nghi mở Cửa Năm Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô, cũng sẽ có lễ nghi tương tự tại 3 Đại vương cung thánh đường khác ở Roma

15. Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ giáo lý đức tin kêu gọi các Giám Mục trên thế giới

Đức Hồng Y Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, nhắc nhở rằng các Giám Mục giáo phận trên thế giới có nghĩa vụ hoạt động để phòng ngừa những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.

Trong bài thuyết trình hôm 9 tháng 3 và được đăng trên báo “Quan sát viên Roma” của Tòa Thánh số ra ngày 12 tháng 3, Đức Hồng Y Mueller nói: “Các Giám Mục có nghĩa vụ làm sao để các linh mục trong giáo phận thuộc quyền đừng phạm các tội lạm dụng. Và nếu những tội ác đó xảy ra và được kiểm chứng thì việc xét xử thuộc thẩm quyền của Bộ giáo lý đức tin, nhưng bộ này luôn cần sự giúp đỡ và cộng tác của các vị Bản quyền cũng như các nhà giáo luật được chuẩn bị kỹ lưỡng, để hành động một cách hữu hiệu và khôn ngoan”.

Đức Hồng Y Mueller được mời thuyết trình trong khuôn khổ khóa học đặc biệt tiến hành trong 2 ngày 9 và 10 tháng 3 tại Đại học Giáo Hoàng Urbaniana của Bộ truyền giáo về “Các tội ác nghịch bí tích thống hối”. Đức Hồng Y trình bày chung về các tội ác được Giáo Hội gọi là “Những tội ác nặng nhất” trong đó có cả những tội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, và ngài nhấn mạnh rằng các vị bản quyền của các giáo phận và các cộng sự viên có nghĩa vụ “phòng ngừa và cảnh giác để tránh cho các tội ác ấy khỏi xảy ra”.

Đức Hồng Y Mueller cũng nhận xét: trong vòng 15 năm qua, Giáo Hội đã phải đương đầu với “một thách đố nghiêm trọng khiến cho uy tín của Giáo Hội bị nghi ngờ vì một số tội ác của một số phần tử của Giáo Hội và vì Giáo Hội thiếu câu trả lời đối phó với tình trạng ấy

16. Tòa Thánh và Liên Hợp Quốc bênh vực tín hữu Kitô Trung Đông

Phái đoàn Tòa Thánh và nhiều nước khác tại Liên Hiệp Quốc ở Genève công bố tuyên ngôn chung bênh vực nhân quyền của các tín hữu Kitô và các cộng đồng khác ở Trung Đông.

Tuyên ngôn được sự bảo trợ của Liên bang Nga, Liban và Tòa Thánh, và được 51 quốc gia Âu Mỹ khác ký tên ủng hộ, trong đó có Hoa Kỳ, nhưng một điều đáng thất vọng là không có nước Ả Rập Hồi giáo nào chịu ký tên vào.

Tuyên ngôn được trình bày trong phiên họp ngày 13 tháng 3 của Khóa họp thứ 28 của Hội đồng Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, nhóm tại Genève và được coi như một cử chỉ liên đới với những Kitô hữu và những người thuộc các cộng đồng khác đang chịu đau khổ vì những vi phạm liên tục và trầm trọng đối với các nhân quyền của họ, nhất là tại Trung Đông.

Tuyên ngôn nhấn mạnh đến tình trạng nguy hiểm mà các tín hữu Kitô đang phải chịu tại miền này và nhìn nhận rằng những lạm dụng mà các tín hữu và những người thuộc các chủng tộc và văn hóa khác nhau phải chịu chỉ vì họ muốn thực thi tự do tôn giáo và tín ngưỡng, mà không phải chịu bách hại hoặc bị giết.

Tuyên ngôn có đoạn viết:

“Những đóng góp tích cực của các tín hữu Kitô tại các quốc gia và xã hội khác nhau ở Trung Đông là điều được nhiều người biết đến và có tính chất sáng tạo. Chúng tôi tin tưởng rằng các chính phủ, mọi vị lãnh đạo tôn giáo và dân sự ở Trung Đông sẽ cùng với chúng tôi đương đầu với tình trạng nguy hiểm này bằng cách cùng nhau xây dựng một nền văn hóa sống chung hòa bình. Trong một thế giới hoàn cầu hóa, sự đa nguyên là một điều làm cho phong phú... Một tương lai mà không có các cộng đồng khác nhau ở Trung Đông sẽ có nguy cơ lớn với những hình thức mới về bạo lực, loại trừ, thiếu hòa bình và phát triển”.

Tuyên ngôn chung của Tòa Thánh và các nước kêu gọi cộng động quốc tế ủng hộ sự hiện diện từ lâu đời của mọi cộng đồng tôn giáo và chủng tộc ở Trung Đông. “Chính tại miền này các tôn giáo thế giới đã xuất hiện, kể cả Kitô giáo. Giờ đây các tôn giáo này đang bị đe dọa nghiêm trọng vì cái gọi là 'Nhà nước Hồi giáo' (Daesh, IS) và Al Qaida, cũng như các nhóm khủng bố liên kết với họ. Chúng làm gián đoạn cuộc sống của các cộng đồng ấy và tạo ra nguy cơ làm cho các Kitô hữu hoàn toàn biến mất.. Vì thế chúng tôi kêu gọi mọi quốc gia tái khẳng định quyết tâm tôn trọng các quyền của mỗi người, nhất là quyền tự do tôn giáo, vốn được ghi trong các văn kiện quốc tế về các quyền cơ bản của con người”

17. Đức Hồng Y Pietro Parolin than phiền cộng đồng quốc tế

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, than phiền cộng đồng quốc tế có phần dửng dưng đối với các cuộc xung đột tại Syria, Iraq và Ukraine.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho giới báo chí hôm 11 tháng 3 ở Roma, Đức Hồng Y Parolin nói: “Rất tiếc là người ta quen với những tình trạng xung đột ấy, đúng vậy, tôi tin là có sự dửng dưng phần nào, cả cuộc xung đột ở Syria tiếp tục tàn hại nhưng không còn thu hút sự chú ý như đã có thể lúc ban đầu. Và đó là nguy hiểm lớn nhất: người ta quên lãng các cuộc chiến tranh và những tình trạng xung đột ấy ngày càng trở nên khó chữa trị và chúng tiếp tục gây ra nhiều đau khổ lớn lao. Cần tiếp tục quan tâm và cảnh giác, đề ra những sáng kiến có thể giúp giải quyết, mặc dù nhiều sáng kiến không đạt tới những mục tiêu ta nhắm tới”.

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh cũng phê bình tình trạng sa lầy trong việc cải tổ Liên Hiệp Quốc và nói rằng: “Cho đến nay người ta chỉ ghi nhận bối cảnh thế giới đã thay đổi và không có những tác nhân như trước đây, nhưng người ta vẫn chưa tìm được giải pháp hoặc không quyết định và không chấp nhận các giải pháp cải tổ Liên Hiệp Quốc; chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh về điểm này mỗi khi có thể. Nhưng dầu sao Liên Hiệp Quốc vẫn là một phương tiện có giá trị để đương đầu với các cuộc khủng hoảng, chúng tôi vẫn luôn nói và tin điều đó, nhưng cần có một Liên Hiệp Quốc được canh tân đối với thực tại mới chúng ta đang gặp phải”.

Trả lời câu hỏi về tương quan giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, Đức Hồng Y Parolin nhìn nhận “có những tiếp xúc đang tiến hành và có ý muốn đối thoại, một cuộc đối thoại có những nhịp độ và thời gian, và chúng tôi hy vọng nó có thể mang lại vài kết quả. Nhưng tôi muốn nói rằng về những điều mà báo chí đăng tải, không có gì mới mẻ đáng kể. Có ý muốn đối thoại và có vài tiếp xúc, và chúng tôi hy vọng nó có thể được cụ thể hóa một cách rõ ràng và có tổ chức hơn”.

Đức Hồng Y Parolin đã trả lời câu hỏi của giới báo chí bên lề buổi thuyết trình của ngài tại Đại học Giáo Hoàng Gregoriana ở Roma về đề tài “Hòa bình: hồng ân của Thiên Chúa, trách nhiệm của con người, sự dấn thân của các tín hữu Kitô”.

Trong bài thuyết trình, Đức Hồng Y nói đến vai trò của các vị Tòa Sứ Thần Tòa Thánh và hoạt động ngoại giao của các vị Giáo Hoàng, đặc biệt trong thời đại tân thời. Ngài cũng nhấn mạnh đến sự dấn thân của Tòa Thánh trong việc bảo vệ các tín hữu Kitô, tuy rằng “sự bảo vệ này phải được thi hành đối với những nạn nhân của các cuộc xung đột, trước khi để ý đến họ thuộc một cộng đồng tôn giáo nào”. Tòa Thánh dấn thân 'củng cố công pháp quốc tế về nhân đạo' trong những tình trạng xung đột.

Đức Hồng Y Parolin minh xác rằng việc sử dụng võ lực phải được coi như giải pháp cuối cùng, và càng ngày càng cần phải hoạt động để “phòng ngừa chiến tranh” qua những phương thế như thương thuyết, đối thoại, điều đình. Trong bối cảnh này, Đức Hồng Y cầu mong trong tiến trình cải tổ giáo triều Roma, cần thiết lập một văn phòng về sự trung gian của Đức Giáo Hoàng, như một phương tiện có thể đặc biệt hữu ích trong các cuộc thương thảo quốc tế”

Nguồn tin: vietcatholic

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Tin Vui Việt

Trang thông tin điện tử để tìm hiểu về Đạo Công Giáo.Mong rằng qua trang Tin Vui Việt này sẽ giúp Quý Vị hiểu hơn về đời sống đạo.Nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn tác động để mỗi người nhận ra Thiên Chúa là Chân, Thiện, Mỹ.bbttinvui

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Trong Mùa Chay bạn làm gì để tỏ lòng sám hối ?

Ăn chay. Hãm mình.

Bác ái, chia sẻ.

Hoán cải đời sống, đi xưng tội.

Năng tham dự thánh lễ.

Cầu nguyện nhiều hơn.