www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
01:35 CDT Thứ sáu, 29/03/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 74


Hôm nayHôm nay : 1511

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 849986

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 19071181

Trang nhất » Tin Tức » Bạn đọc viết » Tôn giáo

Hỏi đáp tóm tắt về Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội

Thứ sáu - 22/02/2019 21:36
Hội nghị Bảo Vệ Trẻ Em

Hội nghị Bảo Vệ Trẻ Em

Dưới đây là những hỏi đáp tóm tắt về Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội theo tài liệu Tòa Thánh dành cho các ký giả tham gia tường thuật về hội nghị này

1. Những mốc thời gian dẫn đến Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội

Một ngày trước lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, hôm 14 tháng 8 năm 2018, bồi thẩm đoàn Pennsylvania công bố một phúc trình cho thấy 301 linh mục bị buộc tội lạm dụng tình dục hơn 1,000 trẻ em trong sáu giáo phận trực thuộc tổng giáo phận Pennsylvania.

Cố nhiên, nếu mình không làm gì sai thì không ai nói gì được. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng việc chọn ngày công bố, việc truy ngược thời gian đến 70 năm, việc cố tình lờ đi thực tế là chỉ có hai trường hợp phạm tội xảy ra sau Hiến Chương Dallas và cả hai trường hợp ấy đã được Giáo Hội báo cáo với các nhà chức trách cho thấy mầu sắc ý thực hệ của phúc trình này.

Báo cáo làm rúng động không phải chỉ tại Hoa Kỳ, mà còn trên toàn thế giới. Vào ngày 16 tháng 8, phát ngôn viên của Vatican, lúc bấy giờ là ông Greg Burke đã đưa ra một tuyên bố liên quan đến báo cáo này: “Tòa Thánh xem xét với những quan tâm nghiêm trọng công việc của bồi thẩm đoàn Pennsylvania và báo cáo tạm thời rất dài vừa được công bố. Tòa Thánh lên án một cách dứt khoát việc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên. Các nạn nhân nên biết rằng Đức Giáo Hoàng đứng về phía họ”. Tuyên bố của Tòa Thánh cũng chỉ ra rằng: “Qua việc tìm thấy hầu như chẳng có trường hợp nào sau năm 2002, kết luận của bồi thẩm đoàn là nhất quán với những nghiên cứu cho thấy những cải cách của Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ đã làm giảm đáng kể tỷ lệ lạm dụng trẻ em của hàng giáo sĩ.”

Vào ngày 20 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một lá thư gởi cho người Công Giáo trên thế giới thảo luận về báo cáo của bồi thẩm đoàn. 

Đức Thánh Cha viết:

Trong những ngày gần đây, một báo cáo đã được công bố trình bày chi tiết những kinh nghiệm của ít nhất là một ngàn nạn nhân của lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền lực và lương tâm dưới tay của các linh mục trong khoảng thời gian khoảng bảy mươi năm. Mặc dù có thể nói rằng hầu hết các trường hợp này xảy ra trong quá khứ, tuy nhiên theo dòng thời gian, chúng ta nhận ra nỗi đau của nhiều nạn nhân. Chúng ta nhận ra rằng những vết thương này không bao giờ biến mất và đòi hỏi chúng ta phải mạnh mẽ lên án những tội ác này và hiệp lực trong việc nhổ tận gốc cái nền văn hóa sự chết tạo ra những vết thương không bao giờ biến mất này. Nỗi đau đớn quặn lòng của những nạn nhân, những nỗi đau thấu đến trời cao, từ lâu đã bị phớt lờ, chìm trong im lặng hoặc bị buộc phải câm nín. Nhưng tiếng kêu kịch liệt của chúng mạnh mẽ hơn tất cả các biện pháp nhằm làm câm nín, hoặc thậm chí tìm cách giải quyết chúng bằng các quyết định khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn và phức tạp hơn. Chúa nghe tiếng kêu đó và một lần nữa cho chúng ta thấy Ngài đứng về phía nào. Bài ca [“Ngợi Khen” (Magnificat)] của Đức Maria không bị sai lạc và tiếp tục lặng lẽ vang vọng trong suốt lịch sử. Chúa luôn nhớ lại lời hứa mà Ngài đã làm cho tổ phụ chúng ta: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.” (Lc 1: 51-53). Chúng ta cảm thấy xấu hổ khi chúng ta nhận ra rằng phong cách sống của chúng ta đã phủ nhận, và tiếp tục phủ nhận, những lời chúng ta đọc thuộc lòng.

Với sự xấu hổ và ăn năn, chúng ta thừa nhận trong tư cách một cộng đồng giáo hội rằng chúng ta đã không đứng nơi chúng ta lẽ ra nên đứng, rằng chúng ta đã không hành động kịp thời, đã không nhận ra tầm quan trọng và trọng lực của những thiệt hại gây ra cho rất nhiều cuộc sống. Chúng ta không tỏ ra quan tâm đến những người nhỏ bé; chúng ta đã bỏ rơi họ. Tôi xin lấy lại lời của Đức Hồng Y Ratzinger vào lúc đó, trong Đàng Thánh Giá Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 2005, khi ngài chỉ ra với tiếng kêu đau đớn của nhiều nạn nhân và thốt lên rằng: “Bao nhiêu những dơ bẩn trong Giáo Hội và ngay cả nơi những người trong thiên chức linh mục, lẽ ra phải hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô! Bao nhiêu sự kiêu căng, bao nhiêu điều tự phụ! Bao nhiêu những phản bội lại Chúa Kitô bởi chính những môn đệ Người, bao nhiêu người đón nhận Mình Máu Thánh Chúa bất xứng, chắc chắn là sự đau khổ cực độ nhất mà Đấng Cứu Chuộc phải chịu; nó đâm thấu trái tim Người. Chúng ta chỉ có thể kêu cầu đến người từ đáy lòng của chúng ta: Kyrie eleison- Lạy Chúa xin thương xót chúng con (x Mt 8: 25)” (Chặng thứ Chín)

Ngày 12 tháng 9 năm 2018

Hội đồng Hồng Y tuyên bố rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định triệu tập một cuộc họp với Chủ tịch các Hội Đồng Giám Mục về chủ đề Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội

Ngày 23 tháng 11 năm 2018

Đức Thánh Cha chỉ định các thành viên trong Ban tổ chức và những người tham gia

Ngày 18 tháng 12 năm 2018

Thông báo và thư mời được gửi đến những người tham gia với yêu cầu gặp gỡ những người đã từng bị lạm dụng tại địa phương

Ngày 16 tháng 1 năm 2019

Cha Federico Lombardi, nguyên Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh được chỉ định là người điều phối các phiên họp khoáng đại trong Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội.

2. Tại sao Đức Thánh Cha đề xuất cuộc họp này

Đức Thánh Cha đã giải thích ý định của ngài rất rõ ràng trên chuyến bay trở về từ Panama. Ngài muốn giúp các giám mục hiểu rõ những gì các ngài phải làm. Chính trong ý nghĩa này, ngài đã nói về một khoá “giáo lý”. Chương trình “giáo lý” này sẽ được bắt đầu với các chủ tịch của các Hội Đồng Giám Mục.

Thứ nhất, Đức Thánh Cha muốn họ nhận thức được bi kịch, những đau khổ của các nạn nhân. Từ đó sẽ nảy sinh ý thức trách nhiệm mạnh mẽ về phía cá nhân các giám mục, về phía các giám mục nói chung và về phía cộng đồng rộng lớn hơn, đó là Giáo hội.

Thứ hai, ngài muốn các giám mục biết những gì họ cần làm: các thủ tục là gì, những nhiệm vụ nào cần phải hoàn thành ở nhiều cấp độ khác nhau (giám mục giáo phận, giám mục tổng giáo phận, Hội Đồng Giám Mục, Tòa thánh Vatican). Điều này sẽ dẫn đến việc chịu trách nhiệm với nhau và nhiệm vụ mà mỗi người phải làm trong mối tương quan với các giám mục khác trong Giáo hội và những người khác trong xã hội.

Điều này giả định trước sự minh bạch liên quan đến các nhiệm vụ, thủ tục và cách thức thực hiện chúng.

Theo cách này, uy tín của Giáo hội và niềm tin của người dân vào Giáo hội có thể được phục hồi.

3. Các tham dự viên

Đức Thánh Cha sẽ có mặt trong suốt thời gian Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội cùng với

• 114 vị Chủ tịch của các Hội Đồng Giám Mục ( 36 từ Phi Châu; 24 từ Bắc và Nam Mỹ; 18 từ Á châu, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh của tổng giáo phận Huế đại diện cho Giáo Hội Việt Nam; 32 từ Âu Châu; 4 từ Châu Đại Dương)

• 14 nhà lãnh đạo của các Giáo Hội Công Giáo phương Đông

• 15 vị bản quyền không thuộc về các Hội Đồng Giám Mục (như trường hợp Đức Hồng Y Cupich của Chicago)

• 12 Bề trên tổng quyền các dòng nam

• 10 Bề trên tổng quyền các dòng nữ

• 10 vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh

• 4 thành viên trong giáo triều Rôma

• 5 Thành viên của Hội đồng Hồng Y Cố vấn

• 5 nhà tổ chức, người điều phối và phát ngôn viên

• Tổng cộng: 190 vị

4. Cuộc họp đã được chuẩn bị như thế nào?

Thông báo về cuộc họp đã diễn ra trong cuộc họp của Hội đồng Hồng Y Cố vấn vào ngày 12 tháng 9 năm ngoái. Vào cuối tháng 11, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm một Ban tổ chức gồm 4 người là Đức Hồng Y Blase Cupich, Đức Hồng Y Oswald Gracias, Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna, Cha Hans Zollner Dòng Tên, phối hợp với Gabriella Gambino và Linda Ghisoni thuộ Bộ Giáo dân, Gia đình và Cuộc sống. 

Vào tháng 12, Ban tổ chức đã gửi thư cho những người tham gia. Kèm theo bức thư là một bảng câu hỏi với thời hạn trả lời cuối tháng Giêng và một lời mời gọi mỗi tham dự viên gặp một vài nạn nhân bị lạm dụng tình dục bởi hàng giáo sĩ.

Số lượng câu trả lời nhận được từ bảng câu hỏi rất cao (gần 90%) và là một nguồn thông tin phong phú. Vì hầu hết các câu hỏi đều để ngỏ, không thuộc dạng chọn các câu trả lời sẵn nên sẽ mất thời gian để đánh giá các câu trả lời. Thông tin sẽ hữu ích trong việc tìm hiểu các phương pháp cụ thể đối với việc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên bởi các thành viên trong hàng giáo sĩ ở các nền văn hóa khác nhau. Đây sẽ là chủ đề của các nghiên cứu diễn ra sau cuộc họp này.

5. Cấu trúc của Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội

Các yếu tố cơ bản của cuộc họp là: cầu nguyện và lắng nghe; thuyết trình và đặt câu hỏi; thảo luận theo nhóm; kết luận của Đức Giáo Hoàng.

Cầu nguyện: Sẽ có những giây phút cầu nguyện vào đầu và cuối mỗi ngày làm việc của Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội. Sẽ có một buổi Phụng vụ Sám hối vào chiều thứ Bảy, và một Thánh Lễ đồng tế vào ngày Chúa Nhật.

Các bài thuyết trình: Tổng cộng có chín bài thuyết trình: 3 bài mỗi ngày. Hai vào buổi sáng và một vào buổi chiều. Tất cả sẽ được tiếp theo với một khoảng thời gian đặt câu hỏi và trả lời.

Làm việc nhóm: Sẽ có hai lần cho công việc thảo luận nhóm mỗi ngày: một vào buổi sáng và một vào buổi chiều.

Đức Thánh Cha sẽ phát biểu khai mạc và khi cần thiết, ngài sẽ phát biểu vào cuối ngày. Ngài sẽ một bài diễn văn kết thúc vào sáng Chúa Nhật.

6. Các chủ đề của cuộc họp là gì?

Mỗi ba ngày có một chủ đề: Ngày thứ nhất là “Tinh Thần Trách nhiệm”; ngày thứ hai là “Trách Nhiệm Giải Trình”; và ngày thứ ba là “Tính minh bạch”.

Mỗi chủ đề này sẽ được thể hiện sâu sắc trong ba bài thuyết trình. Mỗi bài thuyết trình sẽ tập trung vào chủ đề có liên quan đến: cá nhân vị giám mục và các trách nhiệm của ngài; mối quan hệ của một giám mục với các giám mục khác; mối quan hệ của các giám mục với dân Chúa và xã hội.

Những vị thuyết trình đã được chọn để có thể đại diện cho nhiều châu lục, văn hóa và tình huống trong Giáo hội.

Sẽ có một thời gian ngắn cho các câu hỏi và câu trả lời vào cuối mỗi bài thuyết trình. Sau đó, những người tham gia sẽ gặp nhau trong các nhóm ngôn ngữ của họ để thảo luận về các bài thuyết trình. Mỗi nhóm sẽ xây dựng một bản tóm tắt ngắn gọn về cuộc thảo luận của họ để chia sẻ với hội nghị vào buổi tối.

7. Gặp gỡ các nạn nhân tại Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội

Lắng nghe những người đã bị lạm dụng tình dục bởi giáo sĩ khi họ còn là các trẻ vị thành niên và hiểu nỗi đau khổ của họ là điểm khởi đầu cần thiết cho bất kỳ dấn thân nghiêm chỉnh nào nhằm chống lại lạm dụng tình dục. Lời khai của họ, do đó, cũng được đưa vào cuộc họp này. Tuy nhiên, việc lắng nghe như vậy đòi hỏi thời gian thích hợp, rất hạn chế trong cuộc họp.

Vì thế, các tham dự viên được mời gọi lắng nghe chính các nạn nhân tại địa phương trong quá trình chuẩn bị cho cuộc họp này. Các vị được yêu cầu làm điều này để có thể nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề trong lãnh thổ của chính các vị.

Trong cuộc họp tại Vatican, có 2 khoảnh khắc cho lời khai của các nạn nhân: một video lời khai của nạn nhân khi bắt đầu cuộc họp; trong mỗi lần cầu nguyện buổi tối, một nạn nhân sẽ nói đôi điều về trường hợp của họ.

Ngoài ra, Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội dự định thúc đẩy nhận thức rằng cần phải liên tục lắng nghe các nạn nhân.

8. Tài liệu cuối cùng 

Một tài liệu cuối cùng có thể có nhưng cũng có thể không. Kết luận, trong bối cảnh của cuộc họp, sẽ là bài diễn văn của Đức Thánh Cha trong thánh lễ bế mạc vào sáng Chúa Nhật.

Source:Holy See Press Office

Tác giả bài viết: Đặng Tự Do

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Tin Vui Việt

Trang thông tin điện tử để tìm hiểu về Đạo Công Giáo.Mong rằng qua trang Tin Vui Việt này sẽ giúp Quý Vị hiểu hơn về đời sống đạo.Nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn tác động để mỗi người nhận ra Thiên Chúa là Chân, Thiện, Mỹ.bbttinvui

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Chúng ta nên làm gì để nhiều người biết Thiên Chúa hơn ?

Cầu nguyện.

Đi lễ.

Sống bác ái.

Loan báo Tin Mừng.

Chu toàn nhiệm vụ hằng ngày.