Tại Ngày Trẻ em Thế giới, Diễn viên hài Benigni thuyết giảng: Đừng đợi thế giới chăm sóc cho các em. Các em hãy chăm sóc thế giới.
Thứ ba - 28/05/2024 16:36
Diễn viên hài Benigni
Trên Crux ngày 27 tháng 5, 2024, Nhân viên của tạp chí này đã tường thuật màn trình diễn và diễn từ vừa vui nhộn vừa thâm thúy của kịch sĩ và đạo diễn Ý Roberto Benigni.
ROME – Nói chung, khi một giáo hoàng chủ trì một sự kiện lớn ở Quảng trường Thánh Phêrô, ngài chắc chắn là ngôi sao của buổi lễ. Tuy nhiên, Chúa Nhật tuần này thì không như vậy, khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô bị lấn át bởi một diễn viên và diễn viên hài nổi tiếng người Ý, Roberto Benigni, người không chỉ đề nghị nhảy tango cho Đức Giáo Hoàng người Argentina mà còn tranh cử chức giáo hoàng cùng với chính Đức Phanxicô nữa.
Benigni, 71 tuổi, được khán giả Mỹ biết đến nhiều nhất qua bộ phim đoạt giải Oscar năm 1997 “Life is Beautiful”. Ở Ý, ông là một định chế văn hóa, và đã được những người tổ chức Ngày Trẻ em Thế giới lần đầu tiên ở Vatican mời đến để trình bầy một suy tư trong Thánh lễ bế mạc sáng Chúa Nhật, được cử hành tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô trước hàng ngàn trẻ em từ khắp nơi trên thế giới.
Benigni là một nhân vật nổi tiếng không thể kìm nén và đầy tự phát, và chắc chắn ông đã không làm mọi người thất vọng vào hôm Chúa nhật, khi thể hiện điều nhanh chóng được các phương tiện truyền thông Ý gắn mác “Benigni-Show”.
Ông bắt đầu bằng lời chào trìu mến dành cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
"Thưa Đức Thánh Cha! Đức Thánh Cha đang ở đây, trong tầm tay và bằng cả trái tim, và con muốn ôm Đức Thánh Cha, hôn Đức Thánh Cha … Con không biết làm cách nào để thể hiện tình cảm của con, con có thể nhảy một điệu tango trước mặt Đức Thánh Cha,” Benigni nói đùa.
“Trước khi con đến, hai Vệ binh Thụy Sĩ đã nói với con rằng con có thể làm bất cứ điều gì con muốn, nhưng con không thể chạm vào Đức Giáo Hoàng. Nhưng như người ta thường nói, đó là tất cả những gì con muốn làm”, anh nói. “Nhưng con có thể hôn Đức Thánh Cha, vì nụ hôn có ích gì nếu người ta không hôn? Đó là một nụ hôn từ tất cả mọi người ở đây, nó trị giá 100,000,” anh nói, rồi tiến đến chỗ Đức Phanxicô đang tươi cười rạng rỡ và đặt một nụ hôn lên má ngài.
Sau đó, Benigni tự nhận mình “vui vẻ như một quả dưa hấu”.
Sau đó, diễn viên hài lưu ý rằng sự kiện hôm Chúa nhật diễn ra ở Vatican, “tiểu bang nhỏ nhất trên thế giới với người đàn ông to lớn nhất thế giới”.
Benigni nói: “Tôi phải nói rằng ở Thị quốc Vatican này, tôi cảm thấy thoải mái. Các bạn biết đấy, mọi người đều hỏi trẻ nhỏ rằng chúng muốn trở thành ai khi lớn lên và chúng thường nói là phi hành gia, cầu thủ bóng đá hoặc ca sĩ. Khi còn nhỏ, tôi đã nghiêm túc trả lời: ‘làm Giáo hoàng.’ Mọi người cười, họ gầm lên, nên tôi quyết định trở thành một diễn viên hài. Nếu họ quỳ xuống, có lẽ tôi đã là giáo hoàng! Đó sẽ là một điều nguy hiểm, bạn có tưởng tượng được không?”
Benigni đề nghị với Đức Giáo Hoàng một thỏa thuận, gần như một hiệp ước mật nghị.
“Có lẽ vào cuộc bầu cử tiếp theo, thưa Đức Thánh Cha, con cũng sẽ tranh cử! Cuộc bầu cử tiếp theo diễn ra khi nào? Nhưng không phải sau Đức Thánh Cha! Benigni kêu lên. “Không, phải cùng với Đức Thánh Cha. Chúng ta hãy tập hợp một campo largo [trại lớn], hãy bỏ phiếu: ‘Jorge Mario Bergoglio, được gọi là Phanxicô.’ Chúng ta sẽ thắng ngay lập tức, đó là một ý tưởng tuyệt vời.”
(Theo hồ sơ, cụm từ tiếng Ý campo largo, “trại lớn,” đã trở nên nổi bật trong các cuộc thảo luận chính trị ở nước này trong những tháng gần đây trong bối cảnh có suy đoán rằng Đảng Dân chủ trung tả và Phong trào Năm Sao theo chủ nghĩa dân túy cánh tả có thể kết hợp lực lượng trước cuộc bầu cử châu Âu ngày 6-9 tháng 6.)
Sau đó Benigni kể một câu chuyện nhằm thể hiện tình cảm của Đức Giáo Hoàng đối với trẻ em.
“Một lần nọ, tôi đi dự Thánh lễ tại một nhà thờ ở Rome, và trong khi Đức Giáo Hoàng giảng lễ thì có những đứa trẻ đang làm ầm ĩ và cha mẹ chúng đang cố gắng làm chúng im lặng. Đức Phanxicô nói: ‘Hãy để chúng yên, tiếng nói của một em bé trong nhà thờ quan trọng hơn tiếng nói của một linh mục, một giám mục hay một giáo hoàng’.”
“Đó là sự thật, ngài đã nói như vậy,” Benigni nhấn mạnh. “Tôi không thể nói dối trước mặt Đức Giáo Hoàng!”
Benigni cũng mô tả Đức Giáo Hoàng Phanxicô như người trẻ mãi không già, nói rằng ngài thực sự chỉ mới ba tuổi nhưng đã sống “rất nhiều ngày”.
“Ngài có ánh sáng xung quanh mình, giống như chiếc chuông nhỏ của Peter Pan, giống như bụi thần tiên, hoặc có thể là bụi của Đức Giáo Hoàng, dù sao thì tất cả đều sáng láng,” anh nói.
Benigni sau đó đã gửi lời động viên đến các trẻ em có mặt tại quảng trường.
Ông nói: “Có thể trong số các em có một Michelangelo mới, một Galileo mới, một nhà khoa học như Rita Levi Montalcini, người sẽ đoạt giải Nobel”. Levi Montalcini, quá cố, vốn là một nhà thần kinh học người Ý, đã đoạt giải Nobel Y học năm 1986.
“Có thể có một giáo hoàng ở đây, hoặc hai hoặc ba… ai muốn làm giáo hoàng?” Benigni hỏi khi hàng chục cánh tay giơ lên và tiếng la hét vang lên khắp quảng trường.
Benigni nói đùa: “Có 20 người trong số các em, thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha sẽ phải mở rộng Vatican. Điều gì cũng có thể xảy ra… có thể có vị giáo hoàng châu Phi đầu tiên, hoặc người châu Á, hoặc thậm chí có thể đến từ một khu dân cư thuộc tầng lớp lao động ở Rome, một giáo hoàng đến từ Testaccio, hoặc thậm chí là một bé gái, một phụ nữ, nữ giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử!” ông kêu lên, khiến ngay cả các giáo sĩ và giám mục đang hiện diện bật cười.
Benigni cuối cùng trở nên hơi nghiêm túc, đưa ra một số lời khuyên cho các khán giả trẻ của mình.
Benigni nói: “các em hãy bay đi, tự mình nắm lấy cuộc sống của mình và biến nó thành một kiệt tác. Các em hãy xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.”
“Nó dễ dàng hơn các em nghĩ,” anh nói. “Thế giới muốn trở nên tươi đẹp, nó cần điều đó. Các em hãy làm như vậy, bởi vì mỗi người trong các em đều có thể làm được, có thể đóng góp nhỏ bé nhưng cụ thể cho việc thiện hay ác. Hãy tìm cách làm cho mọi thứ trở nên tươi đẹp và làm cho người khác hạnh phúc.”
“Đừng cố gắng làm người khác tốt hơn, bởi vì chỉ có họ mới có thể làm họ tốt hơn, đó chính là chính họ”. Benigni nói. “Người khác phải làm cho mình hạnh phúc.”
Benigni nói: “Thế giới có thể không phải lúc nào cũng là nơi các em thích. Tuy nhiên, các em đừng sợ. Các em hãy xông vào cuộc sống, lao mình vào dòng nước cuộc sống và dang rộng đôi cánh khi các em rơi xuống.”
“Các em hãy học càng nhiều chữ càng tốt,” Benigni nổi tiếng liến thoắng cũng khuyên như thế. “Khi lớn lên, các em sẽ không có từ ngữ nào để diễn tả những gì mình đang cảm nhận, những gì trong tâm hồn đang lớn lên của mình, các em sẽ cảm thấy tồi tệ.”
Không thể tránh khỏi, Bengini cũng đề cập đến chủ đề chiến tranh và tác động của nó đối với trẻ em.
Ông nói: “Thường thì thế giới được điều hành bởi những người không biết lòng thương xót và tình yêu là gì, và là những người phạm tội nặng nề nhất và ngu ngốc nhất: Chiến tranh. Chúng ta nên chấm dứt nó.”
Benigni khuyến khích các nhà hoạch định chính sách học hỏi từ trẻ em.
Ông nói: “Khi trẻ em chơi trò chiến tranh, ngay khi một trong số chúng bị thương, chúng sẽ dừng lại. Trò chơi sắp kết thúc rồi. Tại sao những kẻ gây chiến không dừng lại ở đứa trẻ đầu tiên bị thương?”
Ông nói: “Chúng ta phải tìm những từ ngữ thích hợp, những từ ngữ thực sự. Chưa ai tìm ra từ ngữ kỳ diệu để kết thúc chiến tranh, như 'Open Sesame.' Nhưng hãy nhìn xem, các em, từ ngữ đó có ở đó. Tôi chắc chắn rằng trong số các em là người duy nhất tìm được từ ngữ thích hợp để kết thúc chiến tranh mãi mãi. Một trong các em phải tìm ra nó, chúng ta phải cùng nhau tìm kiếm, bằng mọi ngôn ngữ.”
“Các em sẽ tìm thấy nó, chúng tôi chỉ cần giúp các em tìm kiếm thôi,” Benigni nói. “Chúng tôi phải yêu các em, chúng tôi phải viết truyện cho các em, hơn hết là những câu chuyện khiến các em cười. Trên đời không có gì đẹp hơn tiếng cười của trẻ thơ. Một ngày nào đó, nếu tất cả trẻ em trên thế giới có thể cùng nhau cười đùa thì đó sẽ là một ngày đẹp trời.”
Benigni đã kết thúc một cách khá nghiêm túc.
Ông nói: “Cuộc sống là như thế này: Tình yêu, nhận thức và lòng cảm thương vô hạn đối với nỗi đau mà nhân loại phải gánh chịu”.
Ông nói với các trẻ em: “Đừng đợi thế giới chăm sóc cho các em. Các em hãy chăm sóc thế giới.”
Tác giả bài viết: Vũ Văn An