Thượng Hội Đồng: phe cấp tiến đang ở thế bị động
Thứ năm - 04/06/2015 17:29
Các Giám Mục
Trong bài “Thượng Hội Đồng Trong Bóng Tối” ngày hôm qua, chúng tôi đã trích dẫn nhận định của ký giả kiêm thần học gia Gagliarducci cho rằng cuộc hội họp ngày 26 tháng 5 tại ĐH Gregorian ở Rôma của đại diện các hội đồng giám mục Đức, Thụy Sĩ và Pháp nhằm lèo lái thượng hội đồng sắp tới đi theo hướng cấp tiến của họ, tức nhìn nhận hôn nhân đồng tính và cho phép người ly dị và tái hôn được rước lễ, chỉ chứng tỏ sự hốt hoảng của nhóm này, khi họ thấy Đức Phanxicô càng ngày càng lên tiếng chính thức bênh vực hôn nhân truyền thống.
Nhận định của Gagliarducci càng được củng cố hơn nữa theo nghĩa nhóm trên muốn đánh phủ đầu một cuộc họp còn lớn lao hơn và quan trọng hơn cuộc họp “kín cửa” của họ, đó là cuộc họp hỗn hợp của Liên Hội Đồng Các Hội Đồng Giám Mục Âu Châu (CCEE) và Liên Hội Đồng Các Hội Đồng Giám Mục Phi Châu (SECAM) tại Maputo, Mozambique trong các ngày 28 tới 31 tháng 5, tức hai ngày sau cuộc họp của nhóm Đức, Thụy Sĩ và Pháp. Cuộc họp quan trọng này hoàn toàn dành cho chủ đề gia đình.
Bản tuyên bố chung đúc kết cuộc họp này không đề cập gì tới các vấn đề hiện đang gây tranh cãi như đồng tính luyến ái và cho người ly dị tái hôn được rước lễ. Bản tuyên bố có đoạn viết: “Chúng tôi cầu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn tư tưởng và các cuộc bàn cãi của các nghị phụ thượng hội đồng sắp tới. Mong sao hình ảnh gia đình chói sáng như mặt trời là thực tại dù đôi lúc bị mây che phủ nhưng luôn sưởi ấm các cõi lòng và cuộc đời mọi con người nhân bản!”.
“Là các giám mục, chúng tôi sẽ nhân đôi các cố gắng của chúng tôi nhằm giúp cho ánh sáng của Chúa Kitô này rõi sáng, bằng cách gia tăng việc chăm sóc mục vụ của chúng tôi cho gia đình, chuẩn bị giới trẻ của chúng tôi lãnh nhận Bí Tích Hôn Phối, đồng hành với các gia đình có con hay không có con, chăm sóc người có tuổi và người ly dị trong bất cứ hoàn cảnh sống nào của họ”.
Nguyên văn bản tuyên bố chung
1.Dẫn Nhập: Chúng tôi, các giám mục Âu Châu và Phi Châu, đại diện (Liên) Hội Đồng Các Hội Đồng Giám Mục Âu Châu (CCEE) và (Liên) Hội Đồng Các Hội Đồng Giám Mục Phi Châu và Madagascar (SECAM), họp nhau tại đây, tại Mumemo, Mozambique, cùng với một cặp vợ chồng, một số tu sĩ và giáo dân nam nữ. Chúng tôi đã kết thúc cuộc hội thảo của chúng tôi kéo dài trong các ngày 29-31 tháng Năm, năm 2015, (cuộc hội thảo thứ tư như thế trong cuộc hành trình Hiệp Thông, Liên Đới và Hợp Tác từng bắt đầu tại Rôma năm 2004). Chúng tôi đã thảo luận về chủ đề: Niềm Vui Gia Đình.
Chúng tôi đã dành thì giờ lắng nghe các niềm vui và thách đố của các gia đình, chứng từ của các đại diện và các tham dự viên khác; chúng tôi đã suy tư, cầu nguyện và cố gắng biện phân những gì Chúa Thánh Thần đang nói với chúng tôi hôm nay như những Mục Tử của Giáo Hội tại Phi Châu và Âu Châu khi chúng tôi đang chuẩn bị tham dự Kỳ Họp Toàn Thể Thông Thường Lần thứ Mười Bốn của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Ơn Gọi và Sứ Mệnh của Gia Đình trong Giáo Hội và trong Thế Giới Ngày Nay.
Ở lúc kết thúc cuộc hội thảo này, vào ngày Chúa Nhật, Long Trọng Cử Hành Chúa Ba Ngôi, tức ngày lễ mừng Gia Đình hợp nhất và hiệp thông của Thiên Chúa, đứng trước các niềm vui, các thách thức ngày nay và cả cuộc khủng hoảng mà các cuộc hôn nhân và các gia đình đang trải qua, chúng tôi muốn chia sẻ một sứ điệp hân hoan và hy vọng với mọi con cái nam nữ của Giáo Hội tại Phi Châu, Âu Châu và nhiều nơi khác, và với mọi người thiện chí nam nữ.
2. Các niềm vui và thách thức của gia đình: Với một tâm hồn biết ơn, chúng tôi nhớ tới các gia đình của chính chúng tôi, cha mẹ chúng tôi, anh chị em chúng tôi, ông bà và các thân nhân khác của chúng tôi, mái ấm nơi chúng tôi cảm nhận được yêu thương và nhận được nền giáo dục về các giá trị và tác phong nhân bản, việc khai tâm chúng tôi vào đức tin và đời sống cầu nguyện mà hiện nay vẫn đang nâng đỡ chúng tôi dù là các giám mục.
Lẽ dĩ nhiên, không phải mọi sự đều hoàn hảo cả. Một số trong chúng tôi cũng xuất thân từ các gia đình có thách thức. Tuy nhiên tất cả chúng tôi đều cử hành hồng phúc Chúa ban là gia đình, là người cha, người mẹ, và là con cái như một tế bào nhân bản nền tảng và tự nhiên, không thể thiếu đối với mọi người này.
Ngày nay, chúng tôi vẫn thấy quanh chúng tôi nhiều gia đình hạnh phúc. Những nơi mà các người phối ngẫu thương yêu nhau bằng một tình yêu cứ lớn dần với năm tháng kết hôn; chúng tôi được thấy những mái ấm nơi con cái thấy mình được yêu thương; nơi đức tin vào Thiên Chúa và các giá trị của gia đình được đem ra sống và lưu truyền; nơi có sự chấp nhận vô điều kiện và hợp tác hỗ tương, có chỗ cho lầm lỗi, cho sửa trị huynh đệ và có chỗ cho tha thứ và hoà giải; nơi mọi đứa con đều được chào đón hoan nghinh, dù có bất cứ đặc điểm và khuyết tật nào. Chúng tôi ca ngợi các gia đình như thế và chúng tôi tạ ơn Chúa vì họ!
Đồng thời, vì là các mục tử, chúng tôi cũng gần gũi những người, dù đã kết hôn với nhau, nhưng đang sống trong một thứ khủng hoảng hôn nhân nào đó. Chúng tôi đau khổ rất nhiều với các gia đình tan vỡ; với các gia đình nghèo, khó sống qua ngày. Chúng tôi xúc động trước những người bệnh hoạn và không được chăm sóc vì thiếu phương tiện tài chánh, hay thiếu chăm sóc y tế chuyên nghiệp. Chúng tôi cũng biết nhiều người đang rơi vào tình trạng lạm dụng ma túy, một nguồn gây đau khổ lớn lao cho gia đình họ; những người làm việc ở ngoại quốc, xa gia đình trong các điều kiện gần như nô lệ; nhiều gia đình tan nát vì hận thù và cả chiến tranh nữa, vì di dân và nạn buôn người. Chúng tôi lo lắng trước một số ảnh hưởng tiêu cực của các phương tiện truyền thông.
Trái tim chúng tôi tan nát, khi thấy nhiều trẻ em, bị mồ côi, bị lạm dụng, không được giáo dục, nhiều em sống đơn độc trên các hè phố, và nhiều thiếu niên bị lùa vào bạo lực, tội ác, đĩ điếm v.v… Chúng tôi được nghe rất nhiều bà mẹ, tuyệt vọng không thấy bất cứ tương lai nào cho đứa con chưa sinh của mình, đành phải phá thai. Điều này đau đớn biết chừng nào!
Nhưng vui mừng thay, chúng tôi cũng thấy Chúa Thánh Thần đang hành động, trong rất nhiều gia đình biết sống cuộc sống quên mình và hy sinh, đại lượng chào đón sự sống mới, và hiến mình cho các thành viên khác trong gia đình một cách vô điều kiện, và nhờ đó, thực sự tìm được thỏa mãn trong chính họ. Đây là điều Chúa Giêsu nói với những người như thế: “… Ai mất sự sống mình vì Ta sẽ tìm được nó…” (xem Mt 10:38-39), và câu này nữa “không có tình yêu nào bằng người hy sinh mạng sống mình vì bằng hữu” (Ga 15:13).
Chúng tôi được nghe rất nhiều sáng kiến nhằm hỗ trợ các gia đình trong các gánh nặng và hoàn cảnh hàng ngày của họ. Cách riêng tại Phi Châu, sợi dây nối kết các thành viên của gia đình hết sức mạnh mẽ. Chúng tôi ngưỡng mộ sinh khí các cộng đồng đức tin sống động, và sự hiện diện của rất nhiều người trẻ. Tại Âu Châu, chúng tôi hân hoan trước rất nhiều phong trào tôn giáo mới đã xuất hiện trong nhiều năm gần đây; những phong trào này ủng hộ đời sống gia đình và đang đem lại một mùa xuân và một đà sống mới cho tạo vật diệu kỳ của Thiên Chúa là gia đình nhân bản này. Chúng tôi không thể không hân hoan trước các dấu chỉ tốt đẹp này.
3. Ơn gọi, linh đạo và sứ mệnh gia đình: Châu Phi được các nhà khoa học coi như cái nôi của nhân loại. Chính tại đây, chúng tôi dám thách thức tình thế gia đình hiện nay và cố gắng tìm ra giải pháp cho nó. Bởi thế, chúng tôi khuyến khích các gia đình thường xuyên cầu nguyện với nhau, vì đây chính là trái tim của cuộc sống yêu thương và đức tin mà mọi thành viên của gia đình đều được kêu gọi thực hiện. Như Chân Phúc Mẹ Têrêxa thành Calcutta hay nói, “Gia đình cầu nguyện với nhau là gia đình ở lại với nhau”, chúng tôi khuyên các gia đình và các thành viên của chúng đặc biệt đọc kinh mân côi. Thường xuyên tham dự Thánh Thể cũng đem bình an đến cho tâm trí, và củng cố các gia đình. Vì mọi người cùng được kêu gọi sống đời thánh thiện, các thành viên gia đình nên cố gắng sống thánh thiện! Các nhóm cầu nguyện của các bà mẹ và ông cha cho con cái họ chẳng hạn có thể thoả mãn nhu cầu hỗ trợ lẫn nhau.
Việc giáo dục các giá rị nhân bản và tác phong đạo đức cũng là điều không thể thiếu, một trách nhiệm nặng nề của các cha mẹ đối với con cái họ. Thông đạt cởi mở giữa cha mẹ và con cái ngõ hầu đương đầu với các thách đố của nền văn hóa chúng ta, và với việc đào luyện chúng, hiện nay cần thiết hơn bao giờ hết. Bởi thế, chúng tôi mượn dịp này kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và các nhà cầm quyền dân sự hãy bảo đảm để các gia đình có khả năng và được cung cấp đầy đủ tài chánh để chu toàn các trách nhiệm làm cha mẹ đối với con cái họ vì ích lợi lớn hơn của xã hội. Trẻ em và người trẻ ngày nay cũng cần được giúp đỡ để có được khả năng biết biện phân và ý chí dám chọn những gì là đúng, là chính đáng và hợp đức hạnh, và tránh được điều ác.
Nhờ thế, gia đình Kitô hữu cũng đảm nhiệm được ơn gọi truyền giáo của mình để trở thành nơi chào đón những ai bị bỏ rơi và thiếu thốn, nơi an toàn để đối thoại, nơi các nền văn hóa gặp nhau và được Tin Mừng tinh lọc; nơi con cái sinh ra và được dưỡng dục để trở thành những chính khách, những nghệ sĩ, những khoa học gia, những kỹ sư, những bác sĩ, những thợ thủ công nam nữ, các viên chức dân sự và công cộng của ta, những người cha người mẹ trong tương lai của chúng ta, những linh mục và tu sĩ, tất cả đều được khích lệ một cách nồng nhiệt và được đồng hành trong cuộc tìm kiếm và theo đuổi ơn Chúa gọi của họ ở trong đời.
4. Sứ mệnh giám mục của chúng tôi: Hiệp thông với Đức Thánh Cha của chúng ta, tức Đức Giáo Hoàng Phanxicô, là các mục tử, chúng tôi đoan hứa sẽ hiện diện nhiều hơn với mọi gia đình bất cứ họ sống trong hoàn cảnh nào. Chúng tôi trình diện với họ Chúa Kitô, Đấng Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta, Đấng không bao giờ ngừng trông xem một cách từ nhân và đầy ơn phúc mọi người, coi họ như con cái Thiên Chúa trong bất cứ tình huống nào; chính Người giải thoát mọi người chúng ta khỏi tội lỗi. Người, vốn là Ngôi Lời Thiên Chúa, sinh bởi Trinh Nữ Maria, Người sẽ giúp các gia đình tiếp tục lớn mạnh trong yêu thương và đức tin; Người sẽ tăng cường các sợi dây nối kết giữa người đàn ông và người đàn bà, giữa con cái và cha mẹ chúng. Sự hiện diện của Người sẽ an ủi những ai đang mang gánh nặng và cô đơn, ốm đau và bị bỏ rơi (xem Mt 11:28). Người chính là Đấng đem ý nghĩa lại cho đau khổ trong bất cứ tình trạng nào của chúng ta.
Đàng khác, chúng tôi cầu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn tư tưởng và các cuộc bàn cãi của các nghị phụ thượng hội đồng sắp tới. Xin cho hình ảnh gia đình chói sáng như mặt trời là thực tại dù đôi lúc bị mây che phủ nhưng luôn sưởi ấm các cõi lòng và cuộc đời mọi con người nhân bản! Xin cho gia đình lý tưởng không bao giờ bị che phủ bởi sự yếu đuối nhân bản và tội lỗi của ta!
Là các giám mục, chúng tôi sẽ nhân đôi các cố gắng của chúng tôi nhằm giúp cho ánh sáng của Chúa Kitô này rõi sáng, bằng cách gia tăng việc chăm sóc mục vụ của chúng tôi cho gia đình, chuẩn bị giới trẻ của chúng tôi lãnh nhận Bí Tích Hôn Phối, đồng hành với các gia đình có con hay không có con, chăm sóc người có tuổi và người ly dị trong bất cứ hoàn cảnh sống nào của họ...
5. Lời khuyên kết thúc: Chúng tôi muốn kết thúc sứ điệp này với các lời lẽ đầy khích lệ sau đây của Thánh Phaolô gửi tín hữu Philípphê (4:4-9): “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su. Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý. Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em”.
Ước chi Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse trở thành mẫu mực cho mọi gia đình! Ước mong Đức Maria, Nữ Vương Các Gia Đình, luôn là đấng bầu chữa không ngừng cho anh chị em!
Mumemo, Mozambique
Chúa Nhật, 31 tháng Năm, 2015
Lễ Chúa Ba Ngôi
Các đề tài thảo luận
Cũng nên biết, trong ba ngày hội thảo, một số đề tài trong đó có các đề tài sau đây đã được các chuyên viên của hai châu lục trình bày:
* Các thách đố nhân học, xã hội và Giáo Hội đối với gia đình, do Đức Cha Benjamin Ramarosson, TGM Farafangana, Madagascar và Đức Cha Ludwig Schick, TGM Bamberg , Đức trình bầy.
* Các niềm vui và đau khổ của gia đình: các thách đố mục vụ: Ông Bà Frederick Olweny thuộc Liên Đoàn Đời Sống Gia Đình Phi Châu (AFLF), Kenya, trình bầy chứng từ về cuộc sống gia đình của họ; tiếp theo là các bài trình bầy của Đức Cha Jose Caminate na Bissign, thuộc giáo phận Bissau, Guinea Bissau và Đức Cha Anders Arborelius, thuộc giáo phận Stockholm, Thụy Điển.
* Sứ mệnh giám mục trong việc công bố Tin Mừng Gia Đình: do Đức Cha Louis Portella Mbuyu, thuộc giáo phận Kinkala, Congo-Brazzaville và Đức TGM François Granier, thuộc giáo phận Cambrai, Pháp, trình bầy.
* Vai trò của Giáo Hội và của các giám mục trong việc đối thoại với xã hội và nhà nước trong các vấn đề gia đình: do Đức Cha Sithembele Sipuka, thuộc giáo phận Mthatha, Nam Phi, và Đức Cha Everard de Jong, giám mục phụ tá của giáo phận Roermond, Hòa Lan trình bầy.
Không một đề tài nào liên quan tới các vấn đề mà cuộc họp tại ĐH Gregorian ngày 26 tháng Năm hết sức quan tâm đã được nhắc tới. Dù người chủ động trong cuộc họp vừa kể, tức Đức HY Marx của Đức, vốn là chủ tịch của Liên Hội Đồng Các Hội Đồng Giám Mục Âu Châu. Điều này cho thấy tình thế tuyệt vọng của phe cấp tiến trước thế giá của liên hội đồng các hội đồng giám mục Phi Châu.
Tác giả bài viết: Vũ Văn An
Nguồn tin: vietcatholic