www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
13:53 EST Thứ năm, 05/12/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 58

Máy chủ tìm kiếm : 7

Khách viếng thăm : 51


Hôm nayHôm nay : 9005

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 115961

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 24908803

Trang nhất » Tin Tức » Bạn đọc viết » Tôn giáo

Tính hiện đại thế tục và sự chia rẽ trong Giáo hội

Thứ bảy - 09/11/2024 20:26
Rôma

Rôma

Rodney Howsare, Giáo sư Thần học tại Đại học DeSales, trên Catholic World Report ngày 26 tháng 10, 2024, nhận định rằng: Chúng ta, những người Công Giáo, đã tiếp tục sử dụng những từ ngữ cũ mà không nhận ra rằng mặc dù chúng nghe và trông giống nhau, nhưng chúng đã mang những ý nghĩa mới và hoàn toàn khác biệt trong trật tự cấp tiến hiện nay của chúng ta.
Ông trích dẫn Hans Urs von Balthasar (1) “Người Công Giáo không thu mình lại trước chân trời vô biên của thế giới, và họ không từ bỏ một ‘thời đại thế tục hóa’ được cho là để tìm một nơi ẩn náu an toàn bên trong; thay vào đó, họ mạnh mẽ giải thích mọi thứ—Giáo hội và thế giới—bằng bảng chữ cái mà họ đã học được từ Chúa Kitô.”

Có lẽ đặc điểm đáng buồn nhất của những cuộc chiến đang diễn ra trong Giáo hội hiện nay là sự kiện cả hai bên đều dễ dàng cho phép mình định hình các vấn đề theo các thuật ngữ chính trị hiện đại. Nếu thế giới có tờ New York Times và tờ New York Post, thì Giáo hội sẽ có tờ National Catholic Reporter và tờ National Catholic Register, và một bên sẽ được gọi là “cấp tiến” và bên kia sẽ được gọi là “bảo thủ”.

Một phần của vấn đề là giả định cho rằng người ta có thể xây dựng đạo Công Giáo của mình trong các phạm trù và tiền đề của chủ nghĩa hiện đại thế tục và Chủ nghĩa cấp tiến cổ điển đã tạo ra nó. Điều này cần phải được thách thức.

Chủ nghĩa cấp tiến cổ điển nảy sinh như một phản ứng đối với sự phân mảnh của Ki-tô giáo do Cải cách Thệ Phản gây ra và sự mất mát tầm nhìn thống nhất hóa về thực tại mà đạo Công Giáo từng cung cấp cho thời Trung cổ. Tất nhiên, tôi không phủ nhận những chia rẽ và tranh luận thực sự của thời Trung cổ.

Giải pháp, nói chung, là phát minh ra một nền chính trị “thế tục” thuần túy, một nền chính trị dựa trên mô tả rất mỏng về nguồn gốc và vai trò của chính trị, kết hợp với sự tư nhân hóa và gạt ra ngoài lề tôn giáo và theo thời gian, thậm chí là bất cứ mô tả dày đặc nào về điều tốt. Điều thống nhất mọi người tiến lên phía trước là một điều gì đó giống như "mẫu số chung thấp nhất" mà tất cả các bên (tư nhân) có thể đồng ý. Câu chuyện kể rằng chỉ có chủ nghĩa thế tục mới đảm bảo được hòa bình.

Mặc dù nghe có vẻ không phải là giải pháp tồi trên bề mặt, nhưng vẫn có những vấn đề nghiêm trọng. Đầu tiên, sự hiểu biết "mỏng manh" về nguồn gốc và vai trò của các giá trị chính trị và "mẫu số chung thấp nhất" mà tất cả các bên được cho là có thể cam kết, hóa ra, khi xem xét kỹ lưỡng, lại không mỏng manh hoặc phổ biến như đã tuyên bố. Một mặt, lý giải này chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ tư tưởng Ki-tô giáo chuẩn mực so với những gì nó muốn thừa nhận. Đây là một trong những hiểu biết cốt lõi của Nietzsche. Ví dụ, những điều mà Thomas Jefferson cho là "hiển nhiên" thì đơn giản là không hiển nhiên đối với, chẳng hạn, một Phật tử, một người theo đạo Hindu, một người theo chủ nghĩa Marx, một người theo chủ nghĩa định mệnh, một người theo chủ nghĩa hư vô, một người theo chủ nghĩa vô thần, v.v.

Mặt khác, các giá trị hóa ra lại hoàn toàn mang tính Thệ Phản và thậm chí là hiện đại rõ rệt, như, dựa trên sự hiểu biết mới lạ về bản chất, trong kiến thức nhân bản, tự do, nhân vị, chính trị, tôn giáo, Giáo hội, chỉ nêu tên một vài chủ đề quan trọng hơn. Trong mỗi trường hợp này, ở những nhà tư tưởng như Hobbes, Locke, Rousseau, Kant và cho đến tận Rawls, chúng ta thấy sự bác bỏ tổng hợp Hy Lạp-Công Giáo đạt đến đỉnh cao trong tư tưởng của Thánh Tôma Aquinô, nhưng cũng tìm thấy sự thể hiện trong học thuyết xã hội của Giáo hội (một con đường "thứ ba"!).

Đây không phải là nơi để đi sâu vào chi tiết, nhưng để đề cập đến một vài điều, quan điểm hiện đại chính thống là sự bác bỏ: 1) chân lý như một thuộc tính siêu việt của bản thể: đó chỉ là một cách nói hoa mỹ rằng chân lý, có nguồn gốc từ Thiên Chúa, nằm trong các đối tượng mà chúng ta gặp trên thế giới; 2) chủ nghĩa hiện thực triết học đi kèm với điều này: nghĩa là, tâm trí của chúng ta giúp chúng ta tiếp xúc với chân lý của mọi điều như chúng thực sự là, ngay cả khi theo một cách luôn không hoàn hảo; 3) khái niệm cho rằng tự do của con người là tự nhiên và trước hết, không phải theo sự lựa chọn hướng đến Điều thiện và có nghĩa vụ tự nhiên đối với điều đó; 4) con người tự nhiên có tính xã hội và do đó, trước hết, chính trị không phát sinh từ một hợp đồng xã hội, mà bắt nguồn từ và hoàn thành bản chất con người của chúng ta; 5) tôn giáo là một hiện tượng tự nhiên của con người đi kèm với nghĩa vụ tự nhiên là phải cảm tạ Nguồn gốc của mọi sự (tức là, "tôn giáo" trước hết không phải là vấn đề lựa chọn riêng tư, cá nhân).

Điều xảy ra trong trật tự mới này là những từ ngữ cũ được lấp đầy bằng những ý nghĩa mới: tự do, quyền lợi, tôn giáo, thế tục, chính trị, kinh tế, tình dục, con người, v.v. Đây là nơi mà người bạn D. C. Schindler của tôi thích nhắc chúng ta về câu chuyện cười cũ của Steven Wright, trong đó một người đàn ông bước ra khỏi căn hộ của mình vào một buổi sáng chỉ để thấy rằng tất cả đồ đạc của anh ta đã bị đổi thành những bản sao giống hệt nhau. Khi bạn cùng phòng của anh ta bước ra, anh ta hỏi, "Bạn có nhận thấy rằng tất cả đồ đạc của chúng ta đã bị đổi không?" và người bạn cùng phòng trả lời, "Tôi có biết bạn không?"

Nói cách khác, chúng ta, những người Công Giáo đã tiếp tục sử dụng những từ ngữ này mà không nhận ra rằng mặc dù chúng nghe và trông giống nhau, nhưng chúng đã mang những ý nghĩa hoàn toàn khác nhau—về bản chất—trong trật tự cấp tiến hiện nay của chúng ta.

Ví dụ, hãy lưu ý cách những người Công Giáo “bảo thủ” và “cấp tiến” đồng ý đóng khung cuộc tranh luận về phá thai theo hướng đấu tranh giành quyền giữa hai cá nhân theo chủ nghĩa Hobbes (và do đó là đối thủ cạnh tranh)! Hãy lưu ý cách một cuộc tranh luận như vậy giả định không có nghi ngờ gì về khái niệm Cấp tiến Cổ điển rằng có những hàng hóa khan hiếm và chúng ta một cách cơ bản và ích kỷ theo đuổi những hàng hóa đó và do đó, chúng ta cần một Nhà nước vào cuộc và bảo vệ quyền của chúng ta khỏi va chạm nhau. Theo quan điểm thông thường nào về thế giới, chúng ta sẽ nghĩ rằng một đứa trẻ chưa chào đời đang cạnh tranh với mẹ của nó để giành lấy những hàng hóa khan hiếm, và ngược lại? Chúng ta không nhận ra, bởi vì chúng ta đã vô tình nghĩ theo cách này trong một thời gian dài, rằng một lời giải thích như vậy về các vấn đề đang được đề cập đến hoàn toàn mang tính ý thức hệ xiết bao. Chưa kể đến việc nó trái ngược với lời giải thích của một Ki-tô hữu xiết bao. Khi Ađam nhìn thấy Evà trong Vườn địa đàng, anh không nói, “Ôi, không, cô ấy sẽ lấy đồ của tôi!” Anh ca hát, cùng với Etta James, “Cuối cùng….”

Cam kết này đối với chủ nghĩa hiện đại, vốn mang hương vị đặc biệt của chủ nghĩa Mỹ ở bờ bên này chiếc ao, không gì khác ngoài sự khó hiểu. Và nó khiến cho việc đối thoại chân chính trong Giáo hội trở nên bất khả, vì dia-logos chân chính (theo nghĩa đen là "thông qua lý trí") là không thể nếu không có một bộ nguyên tắc đầu tiên được thống nhất. Các nguyên tắc đầu tiên của mọi cuộc đối thoại Công Giáo chân chính sẽ là các điều khoản của đức tin và thế giới quan phát triển từ các điều khoản đó, và cần lưu ý rằng các điều khoản đó được định nghĩa cẩn thận như vậy là do sự tổng hợp Hy Lạp-La Mã-Kitô giáo đã tạo nên nền tảng cho cuộc thảo luận giữa các Ki-tô hữu (thậm chí của Đông và Tây!) cho đến khi sự tổng hợp này bị bác bỏ vào đầu kỷ nguyên hiện đại.

Than ôi, chính luồng tư tưởng hiện đại chủ đạo này đã hình thành nên cái mà Charles Taylor gọi là "trí tưởng tượng xã hội" của chúng ta, tức là môi trường mà chúng ta suy nghĩ, ngay cả chúng ta là người Công Giáo.

Không cần phải nói thì ai cũng biết rằng giải pháp cho vấn đề của chúng ta không nằm ở việc chúng ta từ bỏ thế giới thế tục hiện đại và rút lui về thời Trung cổ. Những câu hỏi do hiện đại đặt ra, giống như những câu hỏi được đặt ra trong các thời đại trước của Giáo hội (ví dụ, chúng ta phải làm gì với người bạn Aristốt này? Hoặc, "Chúa Giêsu chỉ là một tạo vật?"), có thể hỗ trợ Giáo hội theo nhiều cách khác nhau trong quá trình tự hiểu. Đây là nhận thức cốt lõi và đúng đắn của Công đồng Vatican II, và sẽ là một thất bại về sứ mệnh và truyền giáo nếu từ bỏ thế giới hiện đại.

Nhưng người Công Giáo không thể làm gì có ích cho thế giới hiện đại nếu họ quên cách suy nghĩ và nói chuyện như một người Công Giáo, nếu họ hít thở quá sâu bầu không khí của chủ nghĩa thế tục hiện đại đến mức lời nói của họ trở nên không thể phân biệt được với lời nói của Terry Gross hay Tucker Carlson.

Cho phép tôi kết thúc bằng cách nêu luận điểm một cách táo bạo nhất mà tôi biết. Con người sống trong không gian và thời gian luôn diễn giải thế giới thông qua lăng kính ngôn ngữ văn hóa. Vì lý trí con người yếu đuối (xem câu hỏi đầu tiên trong Summa của Thánh Tôma), Thiên Chúa không thấy phù hợp khi để chúng ta mò mẫm tìm kiếm ý nghĩa cuối cùng của mọi sự. Thay vào đó, Người đã ban cho chúng ta sự tự mặc khải dứt khoát của Người trong con người của Chúa Giêsu Kitô, Chân lý đích thực. Với sự trợ giúp của lý trí tự nhiên (và triết học), Giáo hội đã cung cấp cho chúng ta một ngữ pháp về cách suy nghĩ về thế giới dưới ánh sáng của Chúa Kitô, “Đấng mà Người đã chỉ định làm Đấng thừa kế muôn vật, và qua Người, Người cũng đã tạo nên các thời đại” (Dt 1:2), và qua Người “muôn vật được tạo thành… và không có Người, thì chẳng có vật gì được tạo thành” (Ga 1:3).

Chúng ta sẽ giải thích thế giới thông qua ngữ pháp do Chúa ban tặng này, được bảo vệ trong Kinh thánh, Truyền thống và Huấn quyền, hoặc chúng ta sẽ giải thích nó thông qua một số ngữ pháp khác.

Than ôi, cuộc đối thoại diễn ra trong môi trường ngữ pháp chiếm ưu thế của thời đại chúng ta sẽ chỉ đạt đến mức độ đối thoại giữa hai người theo chủ nghĩa Cấp tiến, ngay cả khi một người “bảo thủ” và người kia “cấp tiến”. Đã đến lúc chúng ta, những người Công Giáo, học lại cách suy nghĩ, cách nói và thậm chí là cách diễn đạt các vấn đề như những người Công Giáo, vì chỉ khi đó chúng ta mới có thể đối thoại với nhau bằng ngôn ngữ/ngữ pháp chung, thứ giúp mọi cuộc đối thoại chân chính trở nên khả hữu, nhưng cũng với thế giới đang vô cùng cần một góc nhìn từ bên ngoài hang động của Chủ nghĩa Cấp tiến bá quyền.

Thật vậy, những ai trong chúng ta đã thoáng thấy và nắm bắt mọi suy nghĩ trong tay Chúa Giêsu Kitô phải sẵn sàng bước vào hang động đó với đôi mắt mới để trở thành ánh sáng của nó. “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không chế ngự được ánh sáng” (Ga 1: 5), ngay cả đôi khi có cảm giác như vậy.

Chú thích:

1 “Về khả năng nhìn của Kitô hữu”, trong Explorations in Theology, V: Man Is Created (San Francisco: Ignatius Press, 2014), 71.

Tác giả bài viết: Vũ Văn An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Tin Vui Việt

Trang thông tin điện tử để tìm hiểu về Đạo Công Giáo.Mong rằng qua trang Tin Vui Việt này sẽ giúp Quý Vị hiểu hơn về đời sống đạo.Nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn tác động để mỗi người nhận ra Thiên Chúa là Chân, Thiện, Mỹ.bbttinvui

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Trong Mùa Chay bạn làm gì để tỏ lòng sám hối ?

Ăn chay. Hãm mình.

Bác ái, chia sẻ.

Hoán cải đời sống, đi xưng tội.

Năng tham dự thánh lễ.

Cầu nguyện nhiều hơn.