www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
20:43 EST Thứ tư, 04/12/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 34

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 32


Hôm nayHôm nay : 9989

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 105006

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 24897848

Trang nhất » Tin Tức » Vui buồn cuộc sống » Tôn giáo

Quan điểm của một linh mục nạn nhân của lạm dụng về lạm dụng

Thứ tư - 20/03/2019 11:50
Chúa Giêsu

Chúa Giêsu

Nói đến lạm dụng tình dục là nói đến những cuộc đời tan nát và mục tiêu thực tiễn của Hội Nghị Thượng Đỉnh tại Vatican vừa qua về việc Bảo Vệ Vị Thành Niên ở Vatican, theo một số nhận định thức thời, là chủ trương các vị mục tử phải gặp gỡ các nạn nhân như khởi điểm cho bất cứ giải pháp nào chống đại nạn này. Vì chỉ gặp họ mới biết cái đau của họ và cái khủng khiếp của tội phạm và nhờ đó mới thấy sự cần thiết của chiến dịch bài trừ đại nạn này.

Nhưng một điều cũng rõ ràng là có những nạn nhân của đại nạn này không hề tan nát cõi lòng mà còn trở thành những tiếng nói mạnh mẽ xây dựng xã hội và Giáo Hội. Một trong những người đó là Cha Larry Richards, cha xứ một họ đạo Hoa kỳ và là một tác giả có tiếng. 

Ngày 14 tháng Ba vừa qua, trong một cuộc phỏng vấn của Crux, Cha đã đề cập đến “cuộc khủng hoảng nam tính” và cho rằng “dù giữa tất cả những bóng tối hiện nay, luôn vẫn có hy vọng”.

Theo cha “ta cần được mời gọi tiến tới thứ nam tính mới mẻ này, một nam tính không hề có chuyện quyền lực, không hề có chuyện thống trị bất cứ điều gì. Người có nam tính chân thực là người hy sinh mạng sống mình vì yêu thương”.

Cha nhấn mạnh “Nam tính chân thực là Chúa Kitô trên Thập Giá”.

Cha Richards là một linh mục giáo phận đã trên 30 năm nay, được thụ phong ở giáo phận Erie, Pennsylvania, bởi Đức Cha Michael Murphy. Ngài từng là tuyên úy cho nhiều khuôn viên Đại Học Công Giáo và là một giáo sư tại các trung học toàn nam sinh.

Năm 2004, ngài thành lập “The Reason For Our Hope Foundation” (Qũy Lý Do Khiến Ta Hy Vọng) mà theo lời ngài, nhằm đem người ta lại gần đức tin Công Giáo và cho họ thấy “Thiên Chúa không tìm bắt bạn mà tìm yêu thương bạn”.

Năm 2009, ngài phát hành cuốn sách đầu tiên, Be a Man! Becoming the Man God Created You To Be (Hãy là Người đàn ông, Trở thành Người đàn ông mà Chúa tạo ra bạn để trở thành), trở thành cuốn sách số một của nhà Ignatius Press.

Ngài nói: “Việc tôi làm là cố gắng giúp người ta - đặc biệt là đàn ông – tiến tới chỗ biết Thiên Chúa, biết tình yêu của Người".

Các kinh nghiệm của Cha Richards đã khiến ngài hiểu cách nói chuyện với các người đàn ông, và đặc biệt là các chủng sinh, trong thời kỳ tai tiếng và bất ổn trong Giáo hội và xã hội. Lời khuyên của ngài dành cho các chủng sinh phát sinh từ cái hiểu về người đàn ông ngày nay phải như thế nào, bằng cách sử dụng một thứ ngôn ngữ rất giống với ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi nói chuyện với các giáo sĩ.

Giống như vị giáo hoàng người Argentina, Cha Richards thăm dò nền văn hóa nam tính hiện hữu trong xã hội và Giáo Hội Công Giáo ngày nay, một nền văn hóa bị tha hóa bởi quyền lực, bí mật và tai tiếng, trong khi nhắc nhở các chàng trai trẻ muốn gia nhập Giáo hội ngày nay rằng: luôn luôn có hy vọng.

Cuộc khủng hoảng của đàn ông

Cả hai cha mẹ của Cha Richards đều là cảnh sát, khiến ngài tự mô tả mình là “một cảnh sát tâm linh”. Cha của ngài - một người nghiện rượu - đã vắng mặt trong phần lớn cuộc đời của ngài sau khi bỏ rơi Richards và mẹ ngài để bắt đầu một cuộc sống mới ở Las Vegas .

Ở tuổi 43, cha ngài đã chết trên giường bệnh viện do xơ gan nặng.

Cha Richards nói “Tôi phán xét cha tôi cả đời tôi, vì ông không phải là người cha mà tôi muốn”, nhưng “Chúa Giêsu truyền chúng ta yêu thương và cấm chúng ta phán xét. Thường thường, người Công Giáo là những người phán xét tuyệt vời chứ không là những người yêu thương tuyệt vời”.

Điều cuối cùng Cha Richards nói với cha mình là “con thương bố”.

Có thể nói những lời này với những người chúng ta yêu thương là một phần trong “những điều lớn lao của Cha Richards với các người đàn ông”. Đối với nhiều người đàn ông từng đến và nghe bài thuyết trình của ngài, vị linh mục nói họ hãy viết một lá thư cho những người họ yêu như thể đây là lần cuối cùng của họ ở trên cõi đời này.

Cha Richards nói “Tôi thấy những người đàn ông đến rất linh động và bắt đầu khóc bởi vì, trước hết họ đến để biết rằng họ được yêu thương, nhưng thứ hai họ biết rằng họ phải trở thành những người cha tốt nhất”.

Dạy các người đàn ông làm cách nào trở thành những người cha và những người chồng tốt là một khía cạnh quan trọng trong công việc của Cha Richards, không những mang lại đức tin cho họ mà còn để bảo đảm rằng các thế hệ tương lai được nuôi dưỡng trong các gia đình nơi các người đàn ông trở thành hình mẫu về nhân tính và đức tin.

Rút kinh nghiệm từ việc dạy dỗ những các em trung học, Cha Richards nói rằng nhiều người trẻ coi các cầu thủ bóng đá và các ngôi sao điện ảnh như những điển hình làm đàn ông và lánh xa Giáo hội bởi vì đây không phải là nơi họ được thách thức.

Cha Richards nói rằng “các cậu trai không muốn thành đàn ông. Họ muốn vẫn là các thiếu niên bởi vì tất cả là về tôi. Và xã hội nói với những người đàn ông tất cả là về tôi. Nhưng người đàn ông là người biến tất cả thành về bạn, thay vì tất cả là về tôi. Đó là lúc một cậu trai trở thành một người đàn ông”.

Theo quan điểm của Cha Richards, bản chất đàn ông ngày nay ít nói tới các khái niệm phóng đại về quyền lực, về thống trị và tự tôn nam giới (machismo) và nói nhiều hơn về khả năng hy sinh mạng sống mình vì người khác và đưa ra một điển hình “yêu thương của Chúa Cha”.

Cuộc khủng hoảng của các linh mục

Các thách thức đang đặt ra cho khái niệm nam tính trong xã hội cũng đang từ từ xâm nhập vào Giáo hội, và theo Cha Richards, “cuộc khủng hoảng trong chức linh mục là: các linh mục sợ phải làm đàn ông”.

Tất nhiên, là một người “đàn ông” trong cuốn sách của Cha Richards, có nghĩa là đặt nhu cầu của người khác trước nhu cầu của chính mình, đó là trung tâm của những điều ngài truyền đạt cho các chủng sinh trẻ mà ngài đã dạy dỗ và đồng hành.

Không giống như một số người coi đồng tính luyến ái là gốc rễ của vấn đề trong chức linh mục, Cha Richards không chấp nhận lối giải thích đó và đã nhận diện “việc thiếu thánh thiện” như nguyên nhân đệ nhất đẳng.

Lời khuyên số một mà ngài dành cho các chàng trai trẻ muốn bước vào chức linh mục là “Hãy là một linh mục thánh thiện” và không tham gia vào hàng ngũ các giáo sĩ không cố gắng như thế. Cha Richards tin rằng cầu nguyện giữ một vai trò trung tâm trong việc đào tạo các linh mục.

Ngài nói: “Trước hết, chúng ta phải bảo đảm rằng không người đàn ông nào được thụ phong mà không trở thành người cầu nguyện sâu sắc”.

Tâm tư này tương tự như tâm tư được Đức Giáo Hoàng Phanxicô lên tiếng vào ngày 7 tháng 3 trong cuộc họp kín với giáo triều Rôma tại Vương cung thánh đường Thánh Gioan Lateranô ở Rôma. Tại đó, ngài mời các linh mục cầu nguyện “mặt đối mặt” với Thiên Chúa”, không phải như một quản trị viên mà như một tín hữu sẵn sàng cùng Thiên Chúa chiến đấu vì dân của Người.

Đức Giáo Hoàng nói, các linh mục phải nói chuyện với Thiên Chúa “không phải như những người hèn nhát, mà như những người đàn ông”.

Nguyên tắc căn bản thứ hai đối với giáo sĩ là “giữ cho nó có thực chất” bằng cách duy trì một mối liên kết mạnh mẽ với người khác và với chính mình, điều này gợi nhớ đến điệp khúc thường được nhắc đi nhắc lại của Đức Phanxicô rằng các linh mục cần “có mùi chiên” trên con người của họ. 

Cha Richards nói “Chúng ta cần các chủng sinh có thực chất. Không trốn đằng sau bất cứ loại đạo hạnh nào. Vì khi ai đó quá đạo hạnh, họ làm tôi sợ. Tôi muốn bỏ chạy. Như thể họ đang che giấu điều gì đó. Hãy có thực chất! Chúa Kitô có thực chất!”

Khủng hoảng trong Giáo Hội

Là một linh mục và đã trải nghiệm việc bị giáo sĩ lạm dụng tình dục dưới bàn tay của vị giám đốc chủng viện của ngài gần 40 năm trước, Cha Richards có một cái nhìn sâu sắc độc đáo về các vụ tai tiếng lạm dụng vốn tấn kích mọi bình diện nơi hàng giáo phẩm của Giáo Hội Công Giáo.

Gạt bóng tối sang một bên, ngài đã tiến tới chỗ hiểu ra rằng, “điều tuyệt vời nhất từng xảy ra cho chúng ta là vụ tai tiếng”.

Cha Richards nói “Vào thời tôi, khi tôi bị quấy nhiễu, tôi không thể nói với bất cứ ai. Thậm chí đó không phải là một giải pháp”, nhưng hôm nay ngài tin rằng việc phơi bày và ý thức được về vấn đề trong Giáo hội đang thúc đẩy các chủng sinh phải trải qua một diễn trình kiểm tra khó khăn hơn, khiến ngài nói rằng “ngày nay, không có nơi nào an toàn trên thế giới bằng ở trong Giáo Hội Công Giáo”.

Điều này không có nghĩa Giáo Hội Công Giáo không còn nhiều việc phải làm. Cha Richards nói: “Ưu tiên hàng đầu” là “bảo đảm để tất cả các nạn nhân đều được lắng nghe, tất cả những người này đều được chữa lành”. 

Trực tiếp biết việc bị lừa bởi một người hứa sẽ đưa mình đến gần với Chúa Kitô hơn có nghĩa như thế nào, vị linh mục tìm thấy trong sự tha thứ một công cụ để có được tác lực trở lại cuộc sống của mình.

Tôi không phải là nạn nhân, tôi là chiến binh

Ngài nói “Tôi không phải là nạn nhân. Tôi không phải là người sống sót. Tôi là một chiến binh. Vì tôi sẽ không để điều người khác làm cho tôi ảnh hưởng đến đời sống tôi”.

Theo Cha Richards, trách nhiệm giải trình và sự minh bạch là các bước quan trọng khác cần thiết để cổ vũ việc bảo vệ an toàn cho những người dễ bị tổn thương trong Giáo hội.

Ngài nói “Hôm nay chúng ta phải bảo đảm dạy cho các thanh niên vào chủng viện rằng các bạn phải có thực chất. Nếu ai đó ở trên bạn hoặc trong số bạn đang làm bất cứ điều gì sai trái, bạn phải nói một điều gì đó và bạn phải mang ánh sáng của Chúa Kitô đến đó”.

Cha Richards, người gần đây đã bị nhóm bảo thủ “Church Militant” tấn công vì đã nói rằng người ủng hộ việc hòa nhập các người đồng tính và là linh mục dòng Tên, James Martin, “là một linh mục tốt đang tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa”, cũng có một hoặc hai điều để nói về sự chia rẽ ngày càng gia tăng trong Giáo Hội.

Ngài nói, “chúng ta phải ngăn chặn việc thóa mạ những người không đồng ý với chúng ta”; ngài nói thêm: sự chia rẽ trong Giáo Hội Công Giáo khiến việc đối đầu với những thách thức mà ta phải đối đầu ngày nay trở nên khó khăn hơn. Nhìn vào cuộc khủng hoảng đang xảy ra với Giáo hội, Cha Richards đề nghị ta nên lưu ý tới bức tranh lớn hơn.

Ngài nói: “Luôn có một kẻ ác trong Giáo hội ngay từ đầu và hiện vẫn còn kẻ ác trong Giáo hội”, nhưng ngài nói thêm: bất chấp tất cả những điều đó, “vẫn còn nhiều điều tốt đẹp hơn”.

Tác giả bài viết: Vũ Văn An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn