Tiếng nói nạn nhân tại Hội Nghị Bảo Vệ Vị Thành Niên
Thứ hai - 25/02/2019 10:06
Cầu nguyện
Theo công bố của Tòa Thánh, ít nhất có 6 nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng tình dục đã lên tiếng tại Hội Nghị Thượng Đỉnh chuyên bàn về việc bảo vệ các vị thành niên trong Giáo Hội. Các chứng từ này được nhiều người cho là tan nát cõi lòng nhưng cũng đầy hy vọng, đôi khi rất “thô” (raw) trong các mô tả của họ về các biến cố. Họ nói đến nỗi đau tiếp diễn và mong muốn Giáo Hội hành động.
Chứng từ thứ nhất
Trước hết, con muốn cảm ơn Ủy ban đã cho phép con ngỏ lời với qúy vị hôm nay và Đức Thánh Cha vì mọi sự hỗ trợ và giúp đỡ ngài đã dành cho chúng con trong thời gian gần đây. Các vị yêu cầu con nói về nỗi đau phát sinh từ việc bị lạm dụng tình dục. Mọi người đều biết rằng lạm dụng tình dục để lại nhiều hậu quả khủng khiếp cho mọi người. Do đó, con tin rằng không đáng tiếp tục nói về điều này bởi vì hậu quả rất hiển nhiên, về mọi phương diện, và vẫn còn tại đó suốt đời. Thay vào đó, con muốn nói về bản thân mình như một người Công Giáo, về những gì đã xảy ra với con và về những gì con muốn nói với các giám mục. Đối với một người Công Giáo, điều khó khăn nhất là có thể nói về việc lạm dụng tình dục; nhưng một khi bạn đã lấy can đảm và bắt đầu kể - trong trường hợp của chúng ta, con nói về bản thân mình - điều đầu tiên con nghĩ là: con sẽ nói tất cả mọi điều với Mẹ Thánh Giáo Hội, nơi người ta sẽ lắng nghe con và tôn trọng con. Điều đầu tiên họ làm là coi con như kẻ dối trá, quay lưng lại và nói với con rằng con và những người khác là kẻ thù của Giáo hội. Khuôn mẫu này hiện diện không chỉ ở Chile: nó hiện diện trên toàn thế giới, và điều này phải chấm dứt. Con biết rằng qúy vị đang nói về cách chấm dứt hiện tượng này, làm thế nào để ngăn chặn nó xảy ra lần nữa và làm thế nào để sửa chữa tất cả những điều xấu xa này. Trước hết: tha thứ giả, tha thứ bắt buộc không hữu hiệu. Các nạn nhân cần được tin tưởng, tôn trọng, chăm sóc và hàn gắn. Qúy vị cần sửa chữa những gì đã làm cho các nạn nhân, gần gũi với họ, tin họ và đồng hành cùng họ. Qúy vị là các thầy thuốc của linh hồn, thế nhưng, trừ một số ngoại lệ hiếm hoi, Qúy vị đã bị biến đổi - trong một số trường hợp - thành kẻ sát hại linh hồn, thành kẻ sát hại đức tin. Thật là một mâu thuẫn khủng khiếp. Con tự hỏi: nhưng Chúa Giêsu nghĩ gì. Đức Maria nghĩ gì, khi ngài thấy chính những người chăn chiên của mình đã phản bội những con chiên nhỏ của chính họ? Con yêu cầu Qúy vị, hãy cộng tác với công lý, vì Qúy vị có một sự chăm sóc đặc biệt cho các nạn nhân, để những gì đang xảy ra ở Chile, nghĩa là những gì Đức Giáo Hoàng đang làm ở Chile, được lặp lại như một mô hình cho các quốc gia khác trên thế giới. Chúng ta thấy phần nổi của tảng băng mỗi ngày: mặc dù Giáo hội nói rằng mọi chuyện đã xong xuôi, nhưng các trường hợp vẫn cứ tiếp tục diễn ra: tại sao? Vì nó tiến hành như khi Qúy vị được chẩn đoán có khối u: Qúy vị phải điều trị toàn bộ bệnh ung thư, không chỉ loại bỏ khối u mà thôi; Vì vậy, Qúy vị cần hóa trị, xạ trị, Qúy vị cần phải một điều trị nào đó. Chỉ loại bỏ khối u là không đủ và thực là như thế. Con yêu cầu Qúy vị lắng nghe những gì Đức Thánh Cha muốn làm, không giới hạn Qúy vị vào một cái gật đồng ý bằng đầu và sau đó làm một điều khác hẳn. Điều duy nhất con yêu cầu Qúy vị - và con xin Chúa Thánh Thần - giúp khôi phục niềm tin đó vào Giáo hội – để những ai không muốn lắng nghe Chúa Thánh Thần và những người muốn tiếp tục che đậy, hãy rời khỏi Giáo hội để nhường chỗ cho những người muốn tạo ra một Giáo hội mới, một Giáo hội đổi mới và một Giáo hội hoàn toàn không có chuyện lạm dụng tình dục. Con phó thác tất cả những điều này cho Đức Trinh nữ, cho Chúa, để tất cả những điều này trở thành hiện thực. Chúng ta không thể tiếp tục với tội ác này để che đậy đại họa lạm dụng tình dục trong Giáo hội. Con hy vọng rằng Chúa và Mẹ Maria sẽ soi sáng cho Qúy vị và rằng, một lần mãi mãi, chúng ta làm việc với công lý để loại bỏ căn bệnh ung thư này khỏi Giáo hội, bởi vì nó đang phá hủy Giáo Hội. Và đó là những gì ma quỷ muốn. Cảm ơn Qúy vị.
Chứng từ thứ hai
1.Điều gì làm cô bị thương tổn hơn cả ở trong đời?
2. Từ lúc 15 tuổi, tôi đã có liên hệ tình dục với 1 linh mục. Việc này kéo dài 13 năm. Tôi mang thai 3 lần và ông ta bắt tôi phá thai 3 lần, đơn giản chỉ vì ông ta không chịu dùng áo mưa hay phương tiện ngừa thai. Thoạt đầu, tôi tin tưởng ông ta đến nỗi tôi không biết ông ta lạm dụng mình. Tôi sợ ông ta, và mỗi lần tôi từ chối làm tình với ông ta, ông ta đánh tôi. Và vì tôi hoàn toàn lệ thuộc ông ta về kinh tế, tôi phải chịu mọi sỉ nhục ông đã giáng lên tôi. Chúng tôi có các liên hệ này cả ở nhà ông lẫn ở trong làng và tại trung tâm tiếp đón của Giáo phận. Trong mối liên hệ này, tôi không có quyền có “các bạn trai”; bất cứ khi nào tôi có một bạn trai và bị ông phát hiện, ông đều đánh tôi. Đó là điều kiện để ông giúp tôi về kinh tế. Ông cho tôi mọi thứ tôi muốn khi tôi chấp nhận làm tình; còn không, ông sẽ đánh tôi.
3. Cô xử lý thế nào với mọi thương tích này và hiện nay cô cảm giác ra sao?
4. Tôi cảm thấy đời tôi đã bị hủy hoại. Tôi đã chịu quá nhiều sỉ nhục trong mối liên hệ này đến nỗi không biết tôi còn tương lai nào không... Việc này làm tôi rất e ngại trong các mối liên hệ của tôi hiện nay.
5. Cô muốn chuyển tới các vị giám mục lời nhắn chi?
6. Phải nói rằng yêu trong yếu tính là yêu một cách tự do: khi một người yêu thương một ai đó, họ phải nghĩ tới tương lai của người yêu, tới lợi ích của họ. Bạn không thể lạm dụng một người kiểu này. Phải nói rằng các linh mục và tu sĩ có một cách giúp đỡ đặc biệt nhưng đồng thời cũng hủy hoại: họ phải ứng xử như các nhà lãnh đạo, những người khôn ngoan.
7. Cám ơn cô rất nhiều. Sự đóng góp của cô sẽ rất có ý nghĩa đối với Hội Nghị của các giám mục. Một lần nữa, cám ơn cô.
Chứng từ thứ ba
Tôi 53 tuổi, là một linh mục dòng. Năm nay là năm thứ 25 tôi chịu chức. Tôi biết ơn Thiên Chúa. Điều gì làm tôi bị thương tổn? Một cuộc gặp gỡ với một linh mục làm tổn thương tôi. Khi còn là thiếu niên, sau khi tôi trở lại đạo, tôi đến gặp linh mục để ông ấy dạy tôi cách đọc Sách thánh trong Thánh lễ; và ông ấy chạm vào những phần riêng tư của tôi. Tôi qua đêm trên giường của ông. Điều này làm tôi tổn thương sâu xa. Một điều khác cũng làm tôi đau lòng là vị giám mục mà nhiều năm sau, khi đã trưởng thành, tôi đã nói về vụ việc này với. Tôi đến gặp ngài cùng với cha giám tỉnh của tôi. Đầu tiên, tôi đã viết một bức thư cho vị giám mục, sáu tháng sau, tôi có một cuộc gặp gỡ với linh mục. Vị giám mục đã không trả lời tôi, và sau sáu tháng, tôi đã viết thư cho đức sứ thần Tòa Thần. Phản ứng của đức sứ thần cho thấy có sự hiểu biết. Sau đó, tôi gặp vị giám mục và ngài tấn công tôi mà không cố gắng hiểu tôi, và điều này làm tôi tổn thương. Một mặt, linh mục, và mặt khác, vị giám mục này, người... Tôi đã cảm thấy gì? Tôi cảm thấy tồi tệ vì cả vị linh mục đó, lẫn vị giám mục đều đã không trả lời thư của tôi, và đến nay đã 8 năm mà ngài vẫn chưa trả lời. Tôi muốn nói gì với các giám mục? Các ngài phải lắng nghe những người này; các ngài phải học cách lắng nghe những người lên tiếng. Tôi muốn ai đó lắng nghe tôi, biết người đàn ông đó là ai, vị linh mục đó và ông ta đang làm gì. Tôi tha thứ cho vị linh mục và giám mục đó từ trong trái tim. Tôi cảm ơn Chúa vì Giáo hội, tôi biết ơn khi được ở trong Giáo hội. Tôi có nhiều người bạn linh mục từng giúp đỡ tôi.
Cám ơn ông.
Chứng từ thứ tư
Xin chào
Tôi đánh giá cao việc vươn tay ra này với các nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng tình dục và tôi rất vui được tham gia vào dự án này.
Điều gì đã làm tôi bị thương tổn nhiều nhất? Khi tôi suy tư về câu hỏi này, tôi nghĩ lại toàn bộ... tới việc hiểu được trọn vẹn sự kiện hoàn toàn mất hết sự ngây thơ của tuổi trẻ và điều đó đã ảnh hưởng đến tôi như thế nào hiện nay.
Vẫn còn đau đớn trong các mối liên hệ gia đình của tôi. Vẫn còn đau đớn với anh chị em của tôi. Tôi vẫn còn mang nỗi đau đớn này. Cha mẹ tôi vẫn còn mang nỗi đau đớn vì sự trục trặc, phản bội, thao túng mà người đàn ông xấu xa này, lúc đó là linh mục Công Giáo của chúng tôi, đã giáng lên gia đình và bản thân tôi.
Vì vậy, đó là những điều đã làm tôi bị thương tổn hơn cả và những điều tôi mang theo với tôi hôm nay. Bây giờ tôi khá hơn rồi vì tôi đã tìm thấy hy vọng và hàn gắn bằng cách kể lại câu chuyện của mình, bằng cách chia sẻ câu chuyện của tôi với gia đình, vợ và các con tôi – đại gia đình của tôi - bạn bè của tôi, và vì tôi có thể làm điều đó, tôi cảm thấy thoải mái hơn với bản thân và làm thế nào tôi có thể là chính mình.
Và cuối cùng là tôi muốn nói với các giám mục điều gì - Tôi nghĩ đây là một câu hỏi xuất sắc: Tôi sẽ yêu cầu các giám mục phải lãnh đạo. Lãnh đạo, viễn kiến và can đảm. Đó là điều tôi trả lời, đó là điều tôi hy vọng được nhìn thấy. Tôi có kinh nghiệm bản thân về lãnh đạo, và nó đã ảnh hưởng đến cá nhân tôi như thế nào. Một trong những kỷ niệm đẹp nhất của tôi về Đức Hồng Y Francis George là khi ngài nói đến các khó khăn của các bạn linh mục phạm tội lạm dụng của ngài, và tôi coi những lời lẽ đó, phát xuất từ một người có chức vụ, mặc dù những lời lẽ này hẳn phải khó nói với ngài, là điều đúng đắn và đúng đắn để nói. Tôi nghĩ rằng đó là lãnh đạo vào thời điểm đó và bây giờ tôi nghĩ đó vẫn là lãnh đạo hiện nay. Và tôi nghĩ nếu ngài có thể tự mình ra ngoài đó, và dẫn dắt bằng gương sáng, thì tôi có thể tự mình ra ngoài kia và tôi nghĩ những người sống sót khác và những người Công Giáo và những người trung thành khác có thể tự mình ra ngoài đó, làm việc để giải quyết, và làm việc để hàn gắn, và làm việc cho một Giáo hội tốt đẹp hơn. Vì vậy, chúng ta đáp ứng với lãnh đạo, chúng ta tìm đến các giám mục của chúng ta để được lãnh đạo, tôi sẽ yêu cầu các giám mục chứng tỏ tài lãnh đạo.
Cảm ơn ông.
Chứng từ thứ năm
Tôi đã bị quấy rối tình dục trong một thời gian dài, hơn một trăm lần, và sự quấy rối tình dục này đã tạo ra những chấn thương và hồi tưởng trong suốt cuộc đời tôi. Thật khó sống cuộc sống, thật khó sống với người ta, nối kết với người ta. Tôi mang một thái độ đối với gia đình, đối với bạn bè và thậm chí đối với Chúa. Mỗi lần tôi nói chuyện với các vị Giám Tỉnh và Thượng cấp, thực tế họ đều che đậy mọi vấn đề, che đậy các thủ phạm và đôi khi điều này làm tôi chết ngất. Đó là một thời gian dài tôi đã phải chiến đấu trong trận chiến này... và hầu hết các Bề trên vì tình bạn không thể thực hiện được một mẻ nào. Tôi sẽ yêu cầu các vị Giám Tỉnh cũng như các Thượng cấp và các Giám mục đang ngồi trong hội trường này thực hiện các hành động mạnh mẽ thực sự có thể quở trách kẻ phạm tội. Nếu chúng ta muốn cứu Giáo hội, tôi nghĩ những kẻ phạm tội cần phải được... Tôi sẽ yêu cầu các Giám mục làm cho các hành vi của ngài được rõ ràng vì đây là một trái bom nổ chậm đang xảy ra trong Giáo hội châu Á. Nếu chúng ta muốn cứu Giáo hội, chúng ta cần kết hợp hành động của mình lại và bắt các kẻ phạm tội phải bị trừng phạt . Chúng ta không nên có tình bạn ở đây nhưng phải hành động vì hành động này sẽ phá hủy cả thế hệ trẻ em của chúng ta. Như Chúa Giêsu luôn nói, chúng ta cần nên giống trẻ em chứ không trở thành kẻ quấy rối tình dục trẻ em.
6. Chứng từ thứ sáu
Năm chứng từ trên đã được công bố mấy hôm trước, riêng cuối ngày thứ ba của Hội Nghị, các tham dự viên đã được nghe một chứng từ khác của một người bị vị linh mục ở giáo xứ lạm dụng tình dục. Chứng từ này rất cảm kích:
Kính chào buổi tối. Con muốn nói với qúy vị về lúc con còn là một đứa trẻ. Nhưng lúc đó không có điểm nào để nói vì khi con 11 tuổi, một linh mục từ giáo xứ của con đã phá hủy cuộc đời con. Kể từ đó, con, người thích sách tô màu và làm nhào lộn trên cỏ, không còn hiện hữu nữa.
Thay vào đó, khắc sâu vào mắt, tai, mũi, cơ thể và tâm hồn con, là tất cả những lần ông ấy làm con, một đứa trẻ, bất động, bằng một sức mạnh siêu phàm: Con làm con vô cảm với chính mình, con nín thở, con thoát ra khỏi cơ thể mình, con vô vọng tìm kiếm một cửa sổ để nhìn ra ngoài, chờ đợi tất cả kết thúc. Con nghĩ: Nếu không động đậy, có lẽ mình sẽ không cảm thấy bất cứ điều gì; nếu mình không thở, có lẽ mình sẽ chết”.
Khi chuyện ấy kết thúc, con lấy lại cơ thể bị thương và bị làm nhục của mình, và con sẽ bỏ đi, thậm chí tin rằng chỉ là chuyện tưởng tượng. Nhưng làm thế nào con, một đứa trẻ, có thể hiểu những gì đã xảy ra? Con nghĩ: “Đó chắc chắn là lỗi của mình!” hoặc “có lẽ mình đáng chịu điều tồi tệ này?”
Những suy nghĩ này là những vết thương tồi tệ nhất mà sự lạm dụng và kẻ lạm dụng đâm sâu vào trái tim con, hơn cả những vết thương làm rách cơ thể con. Con cảm thấy mình không còn giá trị gì nữa. Con cảm thấy con không còn hiện hữu nữa. Con chỉ muốn chết: Con đã thử... nhưng con không thể.
Sự lạm dụng tiếp diễn trong 5 năm. Không ai để ý.
Dù con không nói, cơ thể con vẫn đã nói: rối loạn ăn uống, nhiều thời kỳ nằm trong bệnh viện: mọi thứ hét lên rằng con bị bệnh. Trong khi con, hoàn toàn cô độc, giữ nỗi đau của mình cho chính mình. Họ nghĩ con lo lắng về trường học, nơi, đột nhiên, con có thành tích rất tệ.
Rồi, lần đầu tiên con biết yêu... Trái tim con đập thình thịch vì xúc động và đấu tranh với cùng một trái tim đang tổn thức nhớ lại nỗi kinh hoàng mà nó đã trải qua; các cử chỉ âu yếm chống lại hành vi bạo lực: không thể nào so sánh được. Ý thức trở thành một thực tại không thể chịu đựng được! Vì vậy, để không cảm thấy đau đớn, ghê tởm, bối rối, sợ hãi, xấu hổ, vô lực, bất lực, tâm trí con loại bỏ các sự kiện khi chúng xảy ra, nó làm tê liệt cơ thể con bằng cách đặt một khoảng cách tình cảm giữa mọi điều con đang sống. Và điều này gây ra thiệt hại lớn lao.
Khi con 26 tuổi, con sinh con lần đầu tiên. Các hồi tưởng và hình ảnh đem mọi thứ trở lại với con. Cơn đau đẻ của con bị gián đoạn, đứa con của con gặp nguy hiểm; cho con bú là điều không thể vì những ký ức khủng khiếp xuất hiện. Con nghĩ rằng con đã phát điên. Vì vậy, con đã tâm sự với chồng con, một sự tâm sự đã được sử dụng để chống lại con trong thời gian chúng con ly thân, khi, trưng dẫn việc lạm dụng con từng chịu, anh ấy yêu cầu con từ chối quyền làm mẹ vì con là một người mẹ không xứng đáng. Điều tiếp theo là việc kiên nhẫn lắng nghe của một người bạn thân, và sự can đảm viết thư cho vị linh mục đó, kết thúc bằng lời đoan hứa sẽ không bao giờ nhân nhượng cho ông ta quyền im lặng của con.
Từ đó, cho đến hôm nay, con tiếp tục bước qua diễn trình khó khăn nhằm tái phác họa lại, không lối tắt và đòi hỏi sự kiên trì lớn lao, việc xây dựng lại bản sắc, phẩm giá và đức tin của con. Đây là một hành trình được thực hiện chủ yếu một mình, và với sự giúp đỡ của một chuyên gia, nếu có thể. Lạm dụng gây ra thiệt hại ngay lập tức, nhưng không chỉ có thế: điều khó khăn hơn cả là đối phó hàng ngày với trải nghiệm tấn công đó, và nó tự xuất hiện trong những khoảnh khắc bất ngờ nhất. Bạn phải sống với nó mãi mãi! Tất cả những gì bạn có thể làm, nếu bạn có thể, là học cách làm tổn thương bản thân ít hơn mà thôi.
Bên trong bạn, có những câu hỏi bất tận bạn sẽ không bao giờ có thể trả lời được vì lạm dụng vô nghĩa quá!
“Tại sao lại là con?” Con quen hỏi như thế, và không phải vì con thích điều đó xảy ra với một ai khác, bởi vì những gì con đã chịu đều là điều quá đáng đối với bất cứ ai khác! Hoặc: “Lạy Chúa, Chúa đang ở đâu vậy?”... Làm thế nào con có thể gào to câu hỏi này! Con không còn tin Con Người và Thiên Chúa, không tin Người Cha tốt lành bảo vệ kẻ nhỏ và kẻ yếu. Khi còn là một cô bé, con chắc chắn không có gì xấu có thể phát xuất từ một người đàn ông có “Mùi” của Thiên Chúa! Làm thế nào cũng cùng một bàn tay, đã dám chạm vào con như thế, lại có thể dâng lời chúc phúc và Bí tích Thánh Thể được? Ông ấy là một người lớn và con là một đứa trẻ. Ông ấy đã lạm dụng quyền cũng như chức vụ của mình: một sự lạm dụng đức tin thực sự!
Và cuối cùng nhưng không kém quan trọng: “Làm thế nào để con vượt qua được cơn giận của mình và không rời khỏi Giáo hội sau một trải nghiệm như vậy, đặc biệt trước sự bất nhất khủng khiếp như thế giữa những gì kẻ lạm dụng con giảng dậy và những gì ông ấy làm? Còn những người trước những tội ác này giảm tội, che giấu, giữ im lặng hoặc tệ hơn không bảo vệ những người nhỏ bé, đầu óc xấu xa tự giới hạn mình vào việc di chuyển các linh mục để họ có thể gây hại ở nơi khác? Đứng trước điều này, chúng con, các nạn nhân vô tội, cảm thấy nỗi đau vốn làm chúng con chết ngất, thậm chí còn mãnh liệt hơn: đây cũng là một sự lạm dụng nhân phẩm của chúng con, lương tâm, cũng như đức tin của chúng con!
Các nạn nhân chúng con, nếu chúng con có thể tìm được sức mạnh để nói ra hoặc phơi bày, phải tìm được sự can đảm để làm thế, vì biết rằng chúng con có nguy cơ không được tin tưởng, hoặc thấy kẻ lạm dụng chúng con thoát nạn, chỉ chịu một hình phạt giáo luật nho nhỏ. Điều này không thể và không nên như vậy nữa!
Con đã mất 40 năm để tìm được sức mạnh để nói ra. Con muốn phá vỡ sự im lặng từng nuôi dưỡng mọi hình thức lạm dụng; Con muốn bắt đầu lại từ một hành vi của sự thật, thừa nhận rằng hành vi này cũng mang đến một cơ hội cho người lạm dụng con. Con đã trải qua quá trình nói ra với cái giá xúc cảm rất cao: nói với sáu người rất nhạy cảm, nhưng tất cả đều là đàn ông, và tất cả họ đều là linh mục, thật là một điều khó khăn. Con nghĩ rằng sự hiện diện của một người phụ nữ là một cử chỉ cần thiết và không thể thiếu để chào đón, lắng nghe và đồng hành cùng các nạn nhân chúng con.
Được tin tưởng và biết ông ta bị kết án, đã cho con trở lại thực tại: một phần trong con luôn hy vọng sự lạm dụng không bao giờ thực sự xảy ra, từng đã phải thừa nhận thất bại, nhưng đồng thời, cũng nhận được một sự âu yếm: bây giờ con biết con là một điều gì khác. Con không phải chỉ là sự lạm dụng con đã chịu, và là những vết sẹo con mang theo.
Giáo hội có thể tự hào vì có thể tiến hành bất chấp thời hiệu (một quyền bị hệ thống tư pháp Ý bác bỏ), nhưng không tự hào về sự kiện thừa nhận như một yếu tố giảm khinh, đối với kẻ lạm dụng, khoảng thời gian giữa hành vi phạm tội và lời buộc tội (như trong trường hợp của con). Các nạn nhân không có tội vì sự im lặng của họ! Chấn thương và thiệt hại mà họ phải chịu càng lớn khi thời gian im lặng càng dài: nạn nhân sống thời gian đó giữa sợ hãi, xấu hổ, chối bỏ và cảm giác bất lực. Vết thương không bao giờ có thể được kê đơn thuốc. Trái lại!
Hôm nay con ở đây, và cùng với con là tất cả những chàng trai và cô gái bị lạm dụng, tất cả phụ nữ và đàn ông, đang cố gắng tái sinh từ các vết thương của họ. Nhưng, trên hết, cũng có những người đã cố gắng nhưng không thành công. Chính từ đây, với họ trong trái tim, chúng ta phải cùng nhau bắt đầu lại.
Tác giả bài viết: Vũ Văn An