Giới trẻ yêu
“Dễ dãi” theo lối mòn ý kiến của chúng ta là: dễ dàng nhận lời yêu, dễ dàng cho hoặc dễ dàng đáp ứng đòi hỏi của người kia... Người con gái nào chẳng may bị tiếng “dễ dãi” thì “mất giá” rất nhiều trong con mắt người khác.
Người muốn đến với cô gái “mang tiếng dễ dãi” luôn sợ tình cảm của cô ta dễ đến dễ đi, nông cạn; sợ ăn lại “bã mía”, sợ miệng lưỡi thế gian chê cười. Người “cưa” đổ ai đó một cách chóng vánh thì lại lảng vảng ý nghĩ: bạn gái mình dễ dàng quá.
Nếu thế, đã ưng ai rồi vẫn phải kiềm chế tình cảm, người ta “cưa” lâu lâu rồi mới thuận, để không bị quy kết “dễ dãi’ sao? Mặt khác, cứ nói tình yêu phải trong sáng, nhưng thực tế các đôi yêu nhau mấy ai chỉ dừng ở nụ hôn trên môi? Tình yêu có khi còn nhàm chán, nụ hôn trao nhiều cũng giảm đi vị ngọt.
Không chỉ về phía người con trai khao khát khám phá những miền đất lạ, mà người con gái cũng mong muốn thay đổi khẩu vị cho tình yêu. Để làm mới cảm giác, người ta hôn lên mắt, lên tai, lên tóc... lên tất cả những gì vẫn được coi là “giao cảm tinh thần”. Mãi rồi những “cảm giác tinh thần” ấy cũng mất “nhiệt”, đòi hỏi thay đổi về “chất”, tất yếu lúc ấy khao khát giao cảm thể xác như mầm độc dược lớn dần lên.
Chẳng ai chỉ yêu bằng mắt, chẳng ai chỉ yêu bằng tai; Sớm hay muộn các đôi yêu nhau rồi cũng thế. Đó là quy luật của tình cảm và ham muốn của con người. Vấn đề là sớm hay muộn quy luật ấy “vận” vào bạn. Nếu ai không đồng tình thì đấy là giả dối, lảng tránh sự thật hoặc chưa đến lúc đấy thôi.
Chẳng lẽ như thế là dễ dãi? Chẳng lẽ ai yêu cũng bị quy kết dễ dãi? Cho rằng dễ dãi là không hay, phải chăng đó là định kiến-áp đặt và phiến diện. Vấn đề là dễ dãi đến độ nào. Thân mật và thoải mái không có nghĩa là dễ dãi. Mà tình yêu của giới trẻ mà không thoải mái, thân mật thì chẳng khác thời thế hệ trước yêu?