www.tinvuiviet.net
Tủ sách | Suy niệm Tin Mừng | Ngày lễ Công Giáo | Radio Công Giáo | Nghe Giảng-Suy niệm ... | Cầu nguyện-Tâm sự | Hội Mân Côi
13:33 EDT Thứ sáu, 19/04/2024

Menu

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 76


Hôm nayHôm nay : 7297

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 480869

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 19627064

Trang nhất » Tin Tức » Vui buồn cuộc sống » Xã hội

Nhàn cư vi ... bất lợi

Thứ sáu - 03/06/2016 10:35
Nhàn cư vi ... bất lợi

Nhàn cư vi ... bất lợi

Tôi quen một chị Mỹ đang mập phì, tự dưng ngót hẳn người đi. Tôi hỏi xem chị ăn kiêng theo phương pháp gì mà xuống nhanh thế, chị cho biết tình trạng béo phì đã tới lúc có thể đưa căn bệnh tiểu đường của chị đến chỗ ngặt nghèo, nên bác sĩ đã dùng phương pháp cắt bớt một phần cái bao tử nở giãn quá to của chị, rồi dùng những chấu bấm bằng kim loại để thu hẹp lại. Như thế, chị chỉ cần ăn một chút thôi là đã cảm thấy rất no, không thể ăn thêm được nữa.

Ai cũng biết, dù là cái tốt, cái lợi mà thừa thãi quá cũng có thể trở thành có hại. Trong khi nhiều nơi trên thế giới vẫn chịu cảnh đói kém, thì việc ăn uống ở nước Mỹ lại quá dư thừa. Càng ăn nhiều, bao tử càng giãn ra to hơn, ăn mãi cũng chẳng thấy no, rồi thành mập phì như trường hợp của người bạn nói trên. Ngay cả đến thời giờ, tuy ai cũng chỉ có 24 giờ một ngày, nhưng khi không biết dùng thì giờ vào việc gì, thì thời giờ trở thành thưà thãi và cũng không tốt, vì "nhàn cư vi bất thiện". Nhàn hạ là một điều tốt. Nhưng nhàn hạ quá sẽ sinh ra lười biếng, chậm chạp, uể oải... và đó là những điều vô cùng bất lợi cho sức khoẻ và công việc.
 
 Người Việt Nam cũng có câu "nước đến chân mới nhảy", ý nói khi còn nhiều ngày giờ thì không chịu làm, đến lúc hết giờ rồi mới vắt giò lên cổ mà làm cho mau chóng, cho xong, và nhiều khi "nhảy" không kịp. Trong một cuốn sách tập đọc ở bậc Tiểu học ngày xưa tại Việt Nam, có bài đọc về anh Tam. Mẹ anh Tam đi chơi xa, dặn anh ở nhà mang quần áo ở trong rương ra phơi nắng cho sạch sẽ, thơm tho. Những ngày đầu, anh Tam nghĩ ngày mẹ về hãy còn xa, cứ thong thả mai mốt làm cũng được. Rồi mấy ngày qua đi, anh Tam cũng quên mất luôn lời dặn của mẹ. Thế là khi bà mẹ về, hỏi đến thì anh Tam mới chợt nhớ là mình vẫn chưa làm. Và hỡi ơi, khi mở rương ra, mới thấy quần áo đã mốc meo hết cả lên, và anh bị ăn một trận đòn nên thân. Câu chuyện này dạy cho bọn trẻ chúng tôi lúc đó bài học "việc hôm nay chớ để ngày mai".
 
 Phải công nhận những vị soạn sách cho cho trẻ em đã nhìn thấy trước những gì các em sẽ trải qua, nên đã dạy từ trước như thế. Nhưng có lẽ bài học này được dạy sớm quá, và đã nhanh chóng đi vào quên lãng... Sau này khi lớn lên, không ít người mắc phải căn bệnh kinh niên là bệnh "chần chừ" (procastinated). Bệnh chần chừ rất phổ thông và có thể nói ai cũng bị, nhưng đáng kể hay không là do mức độ nhiều hay ít, hoặc chỉ một số việc nào đó thôi chứ không phải tất cả. Ở Mỹ, có lẽ bệnh này đã được nhìn nhận ở mức độ đáng kể, nên người ta đã dành riêng tuần lễ thứ hai trong tháng Ba để nâng đỡ nhau hoặc cảm thông với những người mắc bệnh này, gọi là National Procastination Week, tạm dịch là "Tuần lễ của những người mắc bệnh chần chừ trên toàn quốc". Thậm chí có rất nhiều sách vở và website nói về bệnh này.
 
 Người ta giải thích rằng bệnh chần chừ không phải do lười biếng, nhưng do nhiều nguyên nhân khác. Phần lớn những nguyên nhân này có cùng chung một căn cội, đó là những nỗi sợ hãi nằm sâu trong tiềm thức, do một kinh nghiệm nào đó trong quá khứ, hoặc tự nhiên đã như vậy. Người mắc bệnh chần chừ thường không thể khởi sự một việc gì vì sợ làm không đúng cách, sợ bị thất bại, sợ mình quyết định sai lầm, sợ phải nhìn nhận mình không đủ khả năng, sợ chưa có đủ giờ để làm, sợ đang làm nửa chừng sẽ phải bỏ cuộc, và kể cả sợ rằng mình khởi sự quá sớm trong khi vẫn còn nhiều giờ, v.v... Khi bị cơn bệnh chần chừ hành hạ, người ta thường có một ảo tưởng là vẫn còn nhiều thời giờ, việc gì phải vội, lúc nào làm lại chẳng được. Chính vì cái ảo tưởng đó nên người ta cứ thong thả, đến khi biết rằng hết giờ thì đã muộn. Các sách vở và websites cũng đưa ra nhiều phương pháp để giúp những người bị bệnh này có thể vượt qua những nỗi ám ảnh sợ hãi, để có thể khởi sự và hoàn tất những công việc cần thiết và quan trọng trong đời sống.
 
 Bệnh này cũng thịnh hành rất sớm nơi trẻ em, nhất là khi chúng có nhiều thời giờ. Con tôi suốt mùa hè được nghỉ, ngày nào cũng dư thừa thời giờ nhưng chúng chẳng làm được việc gì. Mỗi lần đến buổi học piano, bà giáo nghe tiếng đàn là biết ngay cả tuần con tôi chỉ tập đàn cho có lệ, dù đang là mùa học bận rộn hay mùa hè rảnh rỗi cũng thế thôi. Tuy không hài lòng, nhưng bà giáo vẫn thông cảm. Bà cũng kể rằng khi còn nhỏ, mỗi buổi sáng khi mẹ bà đi làm thường nhắc bà làm cái công việc duy nhất trong ngày là rửa chén, nhưng buổi chiều khi mẹ bà đi làm về thường giận điên người, vì cái bồn rửa trong bếp vẫn còn đầy chén bát dơ. Còn bà thì chơi suốt ngày đến phát chán cả lên, nhưng vẫn không làm cho xong cái việc rửa chén, và rồi quên mất luôn cho đến khi mẹ về. Nghe chuyện hồi nhỏ của bà giáo mà thấy như nghe chuyện của chính mình, vì hồi nhỏ tôi cũng y hệt như thế.
 
 Khi lớn lên, tôi vẫn tiếp tục mắc phải căn bệnh chần chừ này. Cả các em tôi cũng mắc bệnh này. Chúng tôi hay ngồi lại để tự lý giải căn bệnh của chính mình. Một cậu em bảo đó là bệnh di truyền. Cậu này lý luận rằng ông bố của chúng tôi hồi nào đến giờ vẫn là người quá cẩn thận trong mọi việc, còn bà mẹ thì làm cái gì cũng hay, cũng giỏi. Vì thế khi phải làm việc gì, nếu chưa chắc chắc là sẽ phải làm như thế nào cho có kết quả tốt, thì chúng tôi chưa thể bắt tay vào việc được. Cô em của tôi đồng ý với lý luận này, và cô kết luận rằng chúng tôi mắc bệnh "chần chừ" vì chúng tôi là những người cẩn thận và yêu chuộng sự hoàn hảo (perfectionist)! Như thế chúng tôi nên bằng lòng khi thuộc loại người chần chừ, chứ chẳng có gì để phàn nàn hết. Nói thì vậy, nhưng khi "nước đến chân" thì chúng tôi cũng đành phải "nhảy", và kết quả cũng vẫn được coi là tốt đẹp, nên càng làm cho chúng tôi ỷ y vào khả năng "nhảy" của mình.
 
 Một cậu em khác lại bảo rằng vì cần phải có sức đẩy (pressure) mới dễ bắt tay vào việc và hoàn tất nhanh chóng được. Sức đẩy này, phải chờ đến lúc "nước đến chân" mới có được, và lúc đó nó mới đủ mạnh để đẩy một phát là ta sẽ làm xong ngay! Cậu chứng minh rằng một người bạn học ngành kiến trúc, rất có năng khiếu về ngành này và học rất giỏi. Nhưng điều ngạc nhiên là lúc nào cũng gặp cậu sinh viên kiến trúc này đi lang thang, thơ thẩn trong trường, trong khi các sinh viên khác không có đủ giờ để học bài. Hỏi tại sao gần thi rồi mà sao rảng ranh quá vậy, cậu này trả lời là phải đợi sát ngày thi mới có đủ pressure và học nó mới vào. Nghe cũng có lý! Chị em chúng tôi tạm chấp nhận căn bệnh chần chừ của mình và không bàn tới nữa. Riêng tôi, vẫn cảm thấy khổ sở với căn bệnh chần chừ này trong nhiều năm.
 
 Sau này, có thời gian tôi dự liên tiếp nhiều khoá seminar của chương trình Landmark Education. Mỗi khoá seminar kéo dài 10 tuần lễ, mỗi tuần đến lớp một buổi tối dài khoảng 3 tiếng rưỡi, và tuần nào cũng có bài tập phải làm nhưng không dễ làm chút nào. Chương trình này tựu chung nhắm vào việc giúp cho người tham dự có thời gian và cơ hội tập luyện, để trở nên vững chãi và thoải mái hơn trong cuộc sống và hoàn cảnh của mình. Một trong những seminar nay có bài tập hằng tuần là liệt kê ra giấy những gì mình cần làm hay muốn làm, nhưng không sao khởi sự được, hoặc đã khởi sự nhưng cứ kéo dài mãi chứ không sao hoàn tất được. Danh sách này càng dài càng tốt. Dĩ nhiên đó không phải là những công việc thông thường hằng ngày, cũng không phải là những việc cấp bách trong tình trạng "nước đến chân", mà thường là những việc phải có sự quyết tâm mới làm được. Thí dụ như căn nhà, văn phòng, cái garage hoặc cái xe hơi của mình có quá nhiều đồ đạc hoặc giấy tờ ngổn ngang, cần dọn dẹp và sắp xếp lại cho có thứ tự gọn gàng. Hoặc có người thích viết văn và rất có khiếu, đã có ý tưởng sẵn để viết một cuốn sách, nhưng mãi vẫn chưa sao khởi sự được. Có người muốn đổi nghề hay đổi hãng, nhưng không thể ngồi xuống soạn lại résumé và viết một cái đơn để xin việc làm khác. Hoặc cần sửa chữa hoặc thay thế một món đồ nào đó đã hư hỏng hay quá cũ, nhưng cứ để mặc cho nó hư hại thêm... Có khi là khó khăn trong liên hệ với người khác, cần phải làm sáng tỏ hoặc xin lỗi, làm lành, nhưng cứ ngại ngùng mãi,v.v... (Người Công Giáo thường có thêm sự ngại ngùng, chần chừ trong việc lãnh nhận Bí Tích Hoà Giải với Thiên Chúa và tha nhân.)
 
 Mỗi tuần, chúng tôi sẽ chọn ra những việc mình có thể giải quyết được, thực hiện nó, rồi gạch đi, trong khi vẫn thêm vào những việc khác. Người hướng dẫn seminar đòi hỏi chúng tôi làm bài đều đặn như thế, lúc đầu thật khó chịu, nhưng sau một hai tuần, tôi nhận ra cái lợi ích của việc này. Đó là khi được liệt kê ra, mỗi công việc sẽ trở thành "có tên" và nhất là "có tuổi" (vì lâu quá vẫn chưa làm) trong danh sách, việc nào ra việc nấy chứ không hỗn độn như một mớ bòng bong, đầu đuôi dính lẫn vào nhau, như khi chúng còn ở trong đầu. Khi thấy rõ ràng một danh sách dài như thế, mà ta chỉ chọn một hay hai việc để làm thôi, nên rất dễ có cảm tưởng là không khó khăn gì. Hơn nữa, người ta tập cho mình như thế này: Nếu việc chỉ mất 5, 10 phút để làm xong, mà nếu ngay bây giờ mình có thể bỏ ra 5 hay 10 phút rất dễ dàng, thì ta làm ngay nó cho xong, và nó sẽ ra khỏi đầu của mình. Còn nếu có đủ giờ ngay lúc đó mà không làm, rồi cũng sẽ khó mà làm được vào lúc khác, và nó sẽ tiếp tục ở trong đầu của mình thêm nhiều ngày tháng hoặc cả năm không chừng.
 
 Chứa đựng quá nhiều thứ định làm trong đầu, lại chưá quá lâu, một người có thể bị sức ép quá mức rất dễ đổ bệnh. Hoặc nếu không đổ bệnh, thì tinh thần cũng bị mệt mỏi, làm việc không có hiệu quả cao, hoặc làm trước quên sau, v.v... Ngoài ra, những việc chưa giải quyết được vốn đã ngổn ngang trước mắt, lại ngày càng ngổn ngang hơn, khiến ta dễ thấy mệt mỏi, chán chường, lo âu...
 
 Trong suốt thời gian dự khóa seminar đó, tôi tiếp tục làm bài tập đều đặn. Mỗi khi giải quyết được việc nào, thì trong đầu như trống thêm được một chỗ, khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm hẳn. Cho đến bây giờ, bên cạnh những công việc thường ngày, tôi vẫn luôn có nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Tôi vẫn ghi xuống, rồi thanh toán từng việc một. Có khi trông cái list mà phát ớn, không biết làm sao mình tìm đâu ra thời giờ mà làm cho hết được. Tuy vậy, chỉ cần quyết tâm làm cho xong một việc thôi, cũng đủ thấy nhẹ nhõm lắm rồi, và cứ thế mà tiếp tục. Nếu việc quá lớn thì chia làm nhiều chặng nhỏ, rồi làm theo từng giai đoan một. Coi như tôi đã tự chữa được căn bình chần chừ của mình khá nhiều.
 
 Làm trước hay làm sau, cũng mất từng ấy giờ và từng ấy cố gắng, và làm trước nghỉ sau, mới thực sự là nghỉ ngơi, nhàn hạ. Nếu cứ để đấy không chịu làm, cũng chẳng thấy nhàn hạ đâu. Bao lâu chưa làm, nhưng vẫn biết mình cần phải làm, thì "kế hoạch làm" cứ ở mãi trong đầu, đi đâu cũng phải "cõng" nó theo như "của nợ", mệt lắm! Lại còn cái việc thật sự ở bên ngoài, có thể chỉ cần bỏ ra 5, 10 phút hay vài giờ để thanh toán, ngay một lúc hoặc nhiều lần, việc sẽ biến khuất mắt. Nhưng nếu không làm, việc cứ lù lù một đống, hết ngày này sang ngày khác, đi ra đi vào cứ phải trông thấy nó mà khổ sở. Vậy đáng lẽ tựa của bài viết này cần sửa lại, thành "nhàn đâu chẳng thấy, chỉ thấy nhiều bất lợi". Nhưng như thế sẽ quá dài.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Kim Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Giới thiệu

Liên hệ

Tinvuiviet.net kính chào Quý vị và các bạn. Chúng tôi luôn mong nhận được bài vở cộng tác của mọi người. Xin cám ơn.   Liên hệ: Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: bbttinvui@gmail.com. Chân thành cảm ơn Quý vị và các bạn đã ghé thăm site. Kính chúc Quý vị và các...

Thánh Lễ - Kinh Nguyện

 



Thánh Lễ Trực Tuyến

Thăm dò ý kiến

Chúng ta nên làm gì để nhiều người biết Thiên Chúa hơn ?

Cầu nguyện.

Đi lễ.

Sống bác ái.

Loan báo Tin Mừng.

Chu toàn nhiệm vụ hằng ngày.