Sự tích Đức Bà Đen Czestochowa, Ba Lan

Đức Bà Đen

Đức Bà Đen

Khi nghe nói về Ba Lan và về Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chúng ta thường nghe nhắc đến ảnh Đức Bà Czestochowa của Ba Lan, hay còn được gọi là ảnh "Đức Bà Đen". Vậy sự tích Đức Bà Đen được tương truyền như sau:

Thánh sử Luca vẽ bức tranh này và đang khi vẽ tranh, Đức Mẹ Maria kể cho thánh sử nghe về cuộc đời của Chúa Giêsu, mà sau này thánh sử đã viết thành sách Phúc Âm theo thánh Luca.

Thế rồi tranh này mất tích cho đến năm 326 bà thánh Helen tìm thấy lại bức tranh trong thành Jerusalem và thánh Helen tặng tranh này cho con mình là đại đế Constantin và hoàng đế xây một đền thờ ở thành Constantinople (bên Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay). Trong một trận chiến, dân thành Constantiople đã để ảnh Đức Bà treo bên ngoài tường thành và đạo quân địch đã bỏ chạy. Đức Bà đã cứu thành này khỏi tàn phá của quân xâm lăng.

Sau đó ảnh Đức Bà truyền tay qua nhiều người, mãi tới năm 1382 khi quân xâm chiếm thành và tấn công pháo đài của hoàng tử Ladislaus, nơi mà khi đó đang cất giữ ảnh Đức Bà. Một mũi tên của quân Tartar bắn đã xuyên vào cổ họng của bức tranh Đức Bà. Thế rồi sau đó hoàng tử Ladislaus dời bức tranh đi nơi khác và để trong một nhà thờ ở thành Czestochowa, thuộc nước Ba Lan.

Đến năm 1430, nhà thờ này bị xâm chiếm và một kẻ cướp dùng kiếm đâm vào bức tranh 2 lần, thế nhưng trước khi đâm nhát kiếm thứ hai, chàng ta đã bị ngã xuống đất trong cơn đau đớn và khốn khổ, sau đó thì chết. Nhát kiếm và dấu tích của mũi tên ngày nay vẫn còn thấy được vết tích trên bức tranh.

Đức Bà Czestochowa (hay còn gọi là Đức Bà Đen) sau đó được tôn vinh là Nữ Vương và đấng Bảo Trợ cho dân Ba Lan.

Vào năm 1920, quân đội Nga sô chiếm Ba Lan, rồi khi họ thấy hình Đức Bà trên tầng mây, và họ đã rút quân.

Những biến cố lạ lùng đã xẩy ra qua các thế kỷ như là những việc Đức Bà đã chữa lành các căn bệnh khi dân chúng cầu nguyện với Đức Bà đã làm cho nhiều người tuốn đến cầu nguyện với Đức Bà Đen qua các thế kỷ.

Sở dĩ được gọi là Đức Bà Đen là bởi vì chất dầu vẽ tranh qua năm tháng thời gian các thế kỷ đã làm cho bức tranh có mầu thẫm đen. Và cũng vì qua thời gian lâu đời dân chúng đến đốt nến và cầu nguyện trước ảnh Đức Bà cũng làm cho chất sơn dầu trên tranh biến thành mầu đen.

Tác giả bài viết: Lm. Trần Công Nghị

Nguồn tin: vietcatholic