Bài Giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: Chúa Thánh Thần dạy ta cách cầu nguyện

Cầu nguyện

Cầu nguyện

“Hãy không ngừng khẩn nài Chúa Thánh Thần để Người hiện diện trong đời sống ta”, đó là lời khuyên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong buổi yết kiến ảo diễn ra tại Thư Viện Tông Toà ngày 17 tháng 3, 2021. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài:

Giáo lý về cầu nguyện: bài 26. Cầu nguyện và Chúa Ba Ngôi (2)

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Hôm nay chúng ta sẽ hoàn tất loạt bài giáo lý về việc cầu nguyện trong tương quan với Chúa Ba Ngôi, nhất là với Chúa Thánh Thần.


Hồng phúc đầu tiên của mọi cuộc sống Kitô hữu là Chúa Thánh Thần. Đó không phải là một trong nhiều hồng phúc, mà là hồng phúc căn bản. Chúa Thánh Thần là hồng phúc mà Chúa Giêsu đã hứa gửi tới cho chúng ta. Không có Chúa Thánh Thần thì không có mối liên hệ nào với Chúa Kitô và với Chúa Cha, vì Chúa Thánh Thần mở lòng chúng ta để đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa và cuốn hút nó vào “vòng xoáy” của tình yêu là chính trái tim Thiên Chúa. Chúng ta không chỉ đơn thuần là những người khách và những người hành hương trong cuộc hành trình trên trái đất này; chúng ta cũng là khách và những người hành hương của Chúa Ba Ngôi. Chúng ta giống như Ápraham, một ngày nọ, khi đón tiếp ba người khách lạ trong lều của mình, đã gặp Thiên Chúa. Nếu chúng ta thực sự có thể cầu khẩn Thiên Chúa, gọi Người là “Abba - Cha ơi”, thì chính là vì Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta; Người là Đấng biến đổi chúng ta từ thẳm sâu nội tâm và làm chúng ta cảm nghiệm được niềm vui xúc động được Thiên Chúa yêu thương như những đứa con đích thực của Người. Tất cả công việc thiêng liêng bên trong chúng ta đối với Thiên Chúa đều được thực hiện bởi Chúa Thánh Thần, hồng phúc này. Người làm việc trong chúng ta để đem đời sống Kitô hữu hướng tới Chúa Cha, cùng với Chúa Giêsu.

Về phương diện này, Sách Giáo Lý nói: “Mỗi lần chúng ta muốn cầu nguyện với Chúa Giêsu, chính Chúa Thánh Thần dùng ơn tiền sủng đưa chúng ta vào kinh nguyện. Chúa Thánh Thần dạy chúng ta biết cầu nguyện bằng cách nhắc ta nhớ đến Chúa Kitô, Vậy tại sao ta không cầu xin chính Chúa Thánh Thần? Vì thế, Hội Thánh kêu gọi chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần mỗi ngày, nhất là khi khởi sự và kết thúc mỗi việc quan trọng” (số 2670). Đây là việc làm của Chúa Thánh Thần trong chúng ta. Người “nhắc nhở” chúng ta nghĩ tới Chúa Giêsu và làm cho Người hiện diện với chúng ta - chúng ta có thể nói rằng Chúa Thánh Thần là ký ức Ba Ngôi của chúng ta, Người là ký ức về Thiên Chúa trong chúng ta - và Người làm cho nó hiện diện với Chúa Giêsu, để Chúa Giêsu không bị giản lược thành một nhân vật quá khứ: nghĩa là, Chúa Thánh Thần đưa Chúa Giêsu vào hiện tại tâm thức của chúng ta. Nếu Chúa Giêsu chỉ ở xa trong thời gian, chúng ta sẽ cô đơn và lạc lõng giữa thế giới. Vâng, chúng ta sẽ nhớ đến Chúa Giêsu, ở đó, rất xa nhưng chính Chúa Thánh Thần đã mang Người đến hôm nay, bây giờ, lúc này, trong trái tim chúng ta. Nhưng trong Chúa Thánh Thần, mọi sự đều có sinh khí: khả thể gặp gỡ Chúa Kitô được mở ra cho các Kitô hữu mọi nơi mọi lúc. Khả thể gặp gỡ Chúa Kitô, không những với tư cách một nhân vật lịch sử, đang mở ra. Không: Người thu hút Chúa Kitô vào lòng chúng ta, chính Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu. Người không ở đâu xa, Chúa Thánh Thần ở với chúng ta: Chúa Giêsu vẫn dạy các môn đệ của Người bằng cách biến đổi tâm hồn họ, như Người đã làm với Phêrô, với Phaolô, với Maria Magdalêna, với mọi tông đồ. Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại hiện diện? Vì chính Chúa Thánh Thần là Đấng mang Người đến với chúng ta.

Đây là kinh nghiệm của rất nhiều người cầu nguyện: những người nam và người nữ mà Chúa Thánh Thần đã đào tạo theo “thước đo” của Chúa Kitô, trong lòng thương xót, trong phục vụ, trong cầu nguyện, trong giáo lý… Thật là một ân sủng khi có thể gặp gỡ những người như thế: anh chị em nhận ra rằng một cuộc sống khác đang đập nhịp trong họ, cách họ nhìn “quá bên kia”. Chúng ta không những có thể nghĩ đến các đan sĩ và ẩn sĩ; họ cũng được tìm thấy giữa những người bình thường, những người đã dệt nên một lịch sử đối thoại lâu dài với Thiên Chúa, đôi khi là đấu tranh nội tâm, để thanh luyện đức tin của họ. Những nhân chứng khiêm tốn này đã tìm kiếm Thiên Chúa trong Tin Mừng, trong Bí tích Thánh Thể được lãnh nhận và tôn thờ, khi đối diện với các anh chị em đang gặp khó khăn, và họ bảo vệ sự hiện diện của Người như ngọn lửa bí mật.

Nhiệm vụ đầu tiên của người Kitô hữu chính là giữ cho ngọn lửa mà Chúa Giêsu đã mang xuống trần gian này (xem Lc 12:49), và ngọn lửa này là gì? Là tình yêu, Tình yêu Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần. Nếu không có ngọn lửa Chúa Thánh Thần, những lời tiên tri của Người sẽ bị dập tắt, buồn sầu sẽ thay thế niềm vui, lề thói hàng ngày thay thế tình yêu và việc phục vụ biến thành nô dịch. Hình ảnh ngọn đèn cháy bên cạnh Nhà Tạm, nơi đặt Bí tích Thánh Thể, xuất hiện trong tâm trí. Ngay cả khi nhà thờ trống rỗng và màn đêm buông xuống, ngay cả khi nhà thờ đóng cửa, ngọn đèn đó vẫn leo lét, và tiếp tục cháy; không ai thấy nó, nhưng nó vẫn cháy trước mặt Chúa. Đây là cách Chúa Thánh Thần ở trong lòng chúng ta, luôn luôn hiện diện như ngọn đèn đó.

Một lần nữa chúng ta đọc trong Sách Giáo Lý: “Khi chúng ta được Thiên Chúa xức dầu bằng Thánh Thần, Chúa Thánh Thần thấm nhập toàn thể con người ta, trở thành người Thầy nội tâm dạy cho ta biết cầu nguyện. Người là tác giả truyền thống kinh nguyện sống động của Hội Thánh. Có bao nhiêu người cầu nguyện thì cũng có bấy nhiêu cách cầu nguyện, nhưng chỉ có một Thánh Thần, Đấng tác động trong mọi người và cùng với mọi người. Được hiệp thông nhờ Chúa Thánh Thần, khi Kitô hữu cầu nguyện, họ cầu nguyện trong Hội Thánh” (số 2672). Rất thường xảy ra trường hợp chúng ta không cầu nguyện, không cảm thấy thích cầu nguyện, hoặc nhiều lần chúng ta cầu nguyện như vẹt, bằng miệng, nhưng trái tim chúng ta không ở trong đó. Đây là thời điểm để nói với Chúa Thánh Thần: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, xin sưởi ấm trái tim con. Xin hãy đến dạy con cầu nguyện, dạy con nhìn Chúa Cha, nhìn Chúa Con. Xin dạy con con đường đức tin. Xin dạy con cách yêu thương và hơn hết xin dạy con có thái độ hy vọng ”. Điều này có nghĩa là kêu cầu Chúa Thánh Thần liên tục, để Người hiện diện trong cuộc sống của chúng ta.

Do đó, chính Thánh Thần viết nên lịch sử của Giáo Hội và của thế giới. Chúng ta là những cuốn sách mở, sẵn sàng đón nhận các nét chữ của Người. Và trong mỗi chúng ta, Chúa Thánh Thần sáng tác các công trình độc đáo, bởi vì không bao giờ có một Kitô hữu nào hoàn toàn giống Kitô hữu khác. Trong lãnh vực thánh thiện vô hạn, Thiên Chúa duy nhất, Ba Ngôi Tình Yêu, cho phép nhiều loại nhân chứng phát triển: tất cả đều bình đẳng về phẩm giá, nhưng cũng độc đáo về vẻ đẹp mà Chúa Thánh Thần vui lòng tự đổ vào mỗi người mà lòng thương xót của Thiên Chúa muốn biến thành con cái của Người. Chúng ta đừng quên, Chúa Thánh Thần hiện diện, Người hiện diện trong chúng ta. Chúng ta hãy lắng nghe Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy kêu cầu Chúa Thánh Thần - Người là hồng phúc, là quà phúc mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta - và hãy thưa với Người: “Lạy Chúa Thánh Thần, con không biết mặt Chúa - chúng con không biết mặt Chúa- nhưng con biết Chúa là sức mạnh, Chúa là ánh sáng, Chúa có thể làm con tiến bước và dạy con cách cầu nguyện. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến”. Đó là lời cầu nguyện tuyệt đẹp: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến”.

Tác giả bài viết: Vũ Văn An