Diễn tiến mới nhất vụ ném hàng triệu đô la ra đường. Lời khai gây sốc của sĩ quan Nga vừa đào thoát

Tin thế giới

Tin thế giới

Luật sư nổi tiếng của Perth là ông John Hammond kêu gọi bất kỳ ai dừng lại để lượm tiền hãy trả lại cho cảnh sát, vì hành động này tương đương với hành vi ăn cắp.
1. Luật sư cảnh báo những ai lượm tiền trên đường cao tốc Roe của thành phố Perth có thể bị truy tố nếu không giao nộp cho cảnh sát

Cảnh sát vẫn giữ im lặng về việc tiền giấy mệnh giá cao rơi xuống từ một chiếc xe. Số tiền nhiều đến mức trắng xóa cả một khúc đường trên một xa lộ ở phía đông nam của Perth. Hàng trăm tài xế đã dừng xe lại và nhào xuống đường lượm tiền. Nhưng một luật sư đã cảnh báo bất cứ ai dừng lại để nhặt nó phải trả lại hoặc có nguy cơ bị truy tố.


Cảnh sát đã đưa ra lời kêu gọi công chúng cung cấp thông tin vào cuối tuần qua, sau khi một tiền bị rơi hoặc bị ném từ một phương tiện di chuyển về phía Tây trên Xa lộ Roe tại cầu vượt Kenwick Link vào khoảng 11 giờ 30 sáng Thứ Bảy 29 Tháng Giêng.

Một trang mạng xã hội do WA Incident Alerts quản lý đã tuyên bố rằng các thành viên của công chúng đã dừng lại để lượm tiền, một người được cho là đã lượm được 10.000 đô la.

Nhưng cảnh sát đã từ chối tiết lộ số tiền này là bao nhiêu, thuộc về ai và tại sao lại nằm đầy trên đường như thế.

Luật sư nổi tiếng của Perth là ông John Hammond kêu gọi bất kỳ ai dừng lại để lượm tiền hãy trả lại cho cảnh sát, vì hành động này tương đương với hành vi ăn cắp.

Ông nói: “Vì nó rõ ràng là số tiền này bị rớt ra do nhầm lẫn, và không thể chắc chắn rằng sẽ không có người yêu cầu bồi thường, nên theo luật thì hành động này là ăn cắp.”

“Những người lượm được tiền có nghĩa vụ trả lại tiền cho Cảnh sát Tây Úc hoặc có nguy cơ bị truy tố.”

“Đó là một tội có hình phạt tối đa là bảy năm tù.”

“Tôi không thể tưởng tượng được hình phạt sẽ nghiêm trọng như vậy, nhưng tôi chắc chắn sẽ đề nghị những người lượm được tiền hãy mang trả lại cho cảnh sát.”

Bất kỳ ai có thông tin hoặc muốn giao nộp tiền mặt được khuyến khích gọi cho Đường dây phòng chống tội phạm theo số 1800 333 000.
Source:WAToday

2. Bàn thờ 5,4 triệu đô la cho Ngày Giới trẻ Thế giới gây tranh cãi ở Bồ Đào Nha

Mặc dù Đức Thánh Cha Phanxicô chưa chính thức xác nhận sự hiện diện của ngài, nhưng Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2023 tại Lisbon đã gây ra tranh cãi về mức giá 5,4 triệu đô la cho khu vực bàn thờ mà ngài dự kiến sẽ cử hành Thánh lễ bế mạc.

Tuần trước, các quan chức thành phố Lisbon đã công bố chi tiết về khu vực sân khấu và bàn thờ rộng 54.000 foot vuông hay 5016 mét vuông, với chi phí 4,2 triệu Euro cộng với VAT, hay thuế giá trị gia tăng, sẽ đẩy tổng chi phí lên gần 5,4 triệu USD. Hợp đồng đã được trao cho công ty xây dựng lớn nhất của Bồ Đào Nha, Mota-Engil.

Khoản chi phí này đã tạo ra sự chỉ trích trên báo chí địa phương và từ các chính trị gia đối lập, những người đã yêu cầu Thị trưởng Carlos Moedas của Lisbon trình diện trước quốc hội để trả lời các câu hỏi về việc trao hợp đồng.

“Nếu cuộc khủng hoảng nhà ở là bàn thờ cho Ngày Giới trẻ Thế giới, thì nó đã được giải quyết rồi,” Fabian Figueiredo, thuộc đảng Cánh tả, cho biết trên Twitter. “Vấn đề không phải là thiếu tiền mà là ưu tiên chi tiêu.”

“Là một người Công Giáo và một người có đức tin, tôi rất buồn trước sự phô trương xa hoa không cần thiết này vào thời điểm khó khăn như vậy,” người dùng Twitter Manuel Barbosa viết khi được hãng tin Reuters trích dẫn.

Trong một nỗ lực rõ ràng để tránh tranh cãi, phát ngôn viên Vatican Matteo Bruni đã nói với các hãng tin rằng việc tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8 là vấn đề địa phương và trách nhiệm về ngân sách thuộc về hội đồng thành phố.

Tuy nhiên, Moedas đã nói với các phóng viên rằng kế hoạch cho bàn thờ và sân khấu đã được vạch ra trong các cuộc họp với ban tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới cũng như đại diện của cả Giáo Hội ở Bồ Đào Nha và cả Vatican.

Sân khấu bàn thờ được thiết kế để chứa tới 2.000 người, bao gồm cả Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng của ngài, 1.000 giám mục và 300 vị đồng tế khác, một ca đoàn 200 thành viên, 30 phiên dịch viên sang ngôn ngữ ký hiệu, và một dàn nhạc gồm 90 thành viên, cùng với khách mời, nhân viên và kỹ thuật viên.

Các quan chức thành phố cho biết công việc sẽ hoàn thành trong khoảng 150 ngày và sân khấu sẽ vẫn còn và có thể được sử dụng cho các sự kiện khác trong tương lai, chẳng hạn như các buổi hòa nhạc và mít tinh ngoài trời.

Đáp lại những lời chỉ trích về chi phí, Đức Giám Mục Phụ Tá Américo Aguiar của Lisbon đã nói rằng một cuộc họp sẽ được tổ chức trong tuần này với Hội đồng Thành phố Lisbon cũng như Hiệp hội Phục hồi Đô thị địa phương, chịu trách nhiệm về dự án, để cố gắng giảm chi phí xuống càng nhiều càng tốt.

Lisbon đã được chọn vào năm 2019 để tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới, ban đầu được ấn định vào năm 2022 nhưng bị trì hoãn một năm do đại dịch Covid-19.
Source:Crux

3. Linh mục Mễ Tây Cơ kể lại lời thú tội 'đáng kinh ngạc' của nạn nhân vụ tai nạn mà ngài đã dừng lại để giúp đỡ

Sau khi chứng kiến một vụ tai nạn xe hơi nghiêm trọng trên đường cao tốc ở Mễ Tây Cơ, một linh mục Công Giáo có mặt tại hiện trường đã đến gặp một thanh niên là người đưa ra một yêu cầu đáng ngạc nhiên: “Tôi muốn xưng tội”.

Cha Salvador Nuño, một linh mục Dòng Chúa Kitô phục vụ tại Monterrey, Mễ Tây Cơ, đã chia sẻ câu chuyện trên Facebook vào ngày 27 tháng Giêng.

“Hôm nay tôi đang đi trên đường cùng bố mẹ và anh trai Alex thì có một chiếc xe hơi bắt đầu vượt qua chúng tôi. Đột nhiên, người lái xe mất kiểm soát và bắt đầu quay trong không trung. Nó gần như rơi xuống đầu chúng tôi,” vị linh mục người Mễ Tây Cơ kể lại.

“Chúng tôi dừng lại để hỗ trợ anh ta xem anh ta có cần giúp gì không. Chúng tôi đã gọi 911 và đưa người thanh niên ra khỏi xe, anh ta vô cùng sợ hãi, mặt tái nhợt,” vị linh mục kể lại.

Cha Nuño nói tiếp: “Tôi nói với anh ấy: 'Tôi là một linh mục và anh này là bác sĩ. Anh có cần gì không?' “Con muốn xưng tội,” anh trả lời. Một cuộc xưng tội tuyệt vời đã diễn ra.”

Cha Nuño cho biết ngài rất cảm động vì khi xảy ra tai nạn, điều đầu tiên mà người thanh niên này quan tâm là phần rỗi linh hồn của mình.

Cha Nuño viết: “Chúa đã cho anh ấy được tái sinh. “Anh ấy đã nhận được phước lành và cũng có một cuộc hẹn miễn phí với bác sĩ chấn thương. Không có gì tồi tệ hơn xảy ra sau đó.”

“Tôi hy vọng chúng ta không bao giờ quên phó mình cho Chúa và Đức Trinh Nữ trước bất kỳ chuyến đi nào,” vị linh mục khuyến khích.

Cha Nuño kết luận câu chuyện của mình: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho các linh mục, bác sĩ và tất cả những người cung cấp dịch vụ của họ với tư cách là những người Samaritanô nhân hậu.
Source:Catholic News Agency

4. Những tiết lộ kinh hoàng của cựu sĩ quan Nga về cảnh tra tấn tù binh Ukraine

Tờ Guardian có bài tường trình nhan đề “Former Russian soldier reveals he saw Ukrainian prisoners of war tortured”, nghĩa là “Cựu quân nhân Nga tiết lộ anh ta thấy các tù binh chiến tranh người Ukraine bị tra tấn.” Báo cáo này đang gây sốc về sự tàn bạo của người Nga.

Một trung úy thâm niên quân ngũ của Nga bỏ trốn sau khi phục vụ ở Ukraine đã mô tả cách quân đội nước ông tra tấn các tù nhân chiến tranh và đe dọa cưỡng hiếp một số người.

Konstantin Yefremov rời Nga vào tháng 12 sau khi trải qua ba tháng ở các vùng phía nam Zaporizhzhia, nơi bị tạm chiếm trong cuộc xâm lược Ukraine của Vladimir Putin.

“Cá nhân tôi đã chứng kiến quân đội của chúng tôi tra tấn binh lính Ukraine,” Yefremov, quân nhân Nga cấp cao nhất từng lên tiếng phản đối chiến tranh, nói với Guardian trong một cuộc điện thoại từ Mễ Tây Cơ, nơi ông hiện đang xin tị nạn. “Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì cuối cùng tôi cũng có thể lên tiếng về những điều tôi đã thấy.”

Yefremov là một trong số ngày càng nhiều những người lính đã và đang trốn khỏi nước Nga và lên tiếng phản đối chiến tranh. The Guardian trước đó đã phỏng vấn Pavel Filatyev và Nikita Chibrin, hai binh sĩ hợp đồng người Nga cũng lên án chiến tranh tương tự.

Yefremov trước đây đóng tại Chechnya trong Sư đoàn Súng trường Cơ giới số 42 của quân đội Nga, nơi anh tham gia rà phá bom mìn. Vào đầu tháng 2 năm ngoái, hai tuần trước khi Nga xâm lược Ukraine, anh được cử cùng đơn vị của mình đến Crimea để tham gia những gì anh ta nói là tập trận quân sự.

Anh đã cố gắng chạy trốn ngay khi nhận ra mình sẽ được gửi đến chiến đấu ở Ukraine. “Tôi bỏ lại súng, tìm chiếc taxi đầu tiên và bỏ chạy. Tôi muốn trở về căn cứ của mình ở Chechnya và nộp đơn từ chức vì tôi phản đối cuộc chiến khủng khiếp này.”

Tuy nhiên, theo Yefremov, anh ta đã bị cấp trên đe dọa 10 năm tù vì tội đào ngũ và anh ta quyết định trở lại đơn vị của mình. “Đó là một sai lầm, lẽ ra tôi nên cố gắng hơn nữa để bỏ chạy,” anh nói.

Chẳng bao lâu sau, đơn vị của anh được điều động đến Melitopol đã bị xâm lược, nơi anh đóng quân trong hầu hết ba tháng sau đó.

Câu chuyện của Yefremov lần đầu tiên được BBC đưa tin vào hôm thứ Năm 2 tháng Hai.

Yefremov nói với tờ Guardian rằng anh đã đích thân chứng kiến cách cấp trên của mình tra tấn ba binh sĩ Ukraine bị bắt ở thị trấn Bilmak, phía đông bắc Melitopol, vào tháng Tư. “Trong các cuộc thẩm vấn, họ bị đánh đập suốt cả tuần, hàng ngày, đôi khi cả ban đêm,” anh nói.

Theo Yefremov, các chỉ huy của anh đặc biệt quan tâm đến một trong ba binh sĩ tự nhận mình là lính bắn tỉa trong quân đội Ukraine. “Khi họ phát hiện ra anh ta là một tay bắn tỉa, họ đánh tới tấp. Họ đánh anh ta bằng gậy gỗ, cuối cùng bắn vào tay và chân anh ta.”

“Viên Đại Tá đã gần như mất trí. Hắn đánh anh ta, kéo quần của người Ukraine xuống và hỏi anh ta đã kết hôn chưa.”

“'Đã kết hôn', tù nhân trả lời. 'Vậy thì ai đó mang cho tôi một cây lau nhà', viên đại tá nói. 'Tao sẽ biến mày thành một cô gái và gửi cho vợ mày đoạn video này.'“

Một lần khác, cũng viên đại tá này đã yêu cầu một tù nhân kể tên tất cả những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine trong đơn vị của ông ta.

“Người Ukraine không hiểu câu hỏi. Anh ta trả lời rằng những người lính là bộ binh hải quân của lực lượng vũ trang Ukraine. Vì câu trả lời đó, họ đã đánh gãy vài chiếc răng của anh ta.”

Điện Cẩm Linh muốn người Nga tin rằng, ở Ukraine, Nga đang chiến đấu chống phát xít, tân phát xít và những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Câu chuyện sai sự thật này nhằm hạ thấp nhân tính của người Ukraine trong mắt công chúng và quân đội Nga.

Yefremov nói rằng hầu hết các tù nhân Ukraine đã bị bịt mắt. Trong một trường hợp “Viên đại tá dí súng lục vào trán tù nhân và nói 'Tao sẽ đếm đến ba và sau đó bắn bể sọ mày'“.

“Anh ta đếm và sau đó bắn chỉ vào tai của anh ta, ở cả hai bên. Viên đại tá bắt đầu hét vào mặt anh ta buộc người tù binh phải khẩn khoản van xin. Tôi nói: 'Thưa đồng chí đại tá! Anh ta không thể nghe thấy đồng chí, đồng chí đã làm anh ta điếc tai rồi!'“

Yefremov mô tả cách viên đại tá ra lệnh rằng người Ukraine không được cung cấp thức ăn bình thường - chỉ có nước và bánh quy giòn. Nhưng anh ấy nói: “Chúng tôi đã cố gắng cho họ trà nóng và thuốc lá.”

Để các tù nhân không ngủ trên đất trống, Yefremov nói một số lính Nga còn chút lương tâm ném cỏ khô cho họ - “vào ban đêm, để không ai nhìn thấy chúng tôi”.

Trong một cuộc thẩm vấn khác, Yefremov nói viên đại tá đã bắn một tù nhân vào cánh tay - và vào chân phải dưới đầu gối, khiến vết thương trúng xương. Anh nói rằng người của anh ta đã băng bó cho tù nhân và đến gặp các chỉ huy Nga khác - “không phải với Đại tá, ông ta bị điên” - và nói rằng tù nhân cần phải đến bệnh viện, nếu không anh ta sẽ chết vì mất máu.

“Chúng tôi mặc cho anh ta bộ đồng phục Nga và đưa anh ấy đến bệnh viện. Chúng tôi nói với anh ấy: 'Đừng nói rằng anh là tù binh chiến tranh Ukraine, bởi vì hoặc các bác sĩ sẽ từ chối điều trị cho anh, hoặc những người lính Nga bị thương sẽ nghe thấy và bắn anh và chúng tôi sẽ không thể ngăn chặn họ.”

Văn phòng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã ghi nhận các trường hợp ngược đãi tù nhân trong cuộc chiến ở Ukraine. Nó đã phỏng vấn hơn 400 tù binh - cả người Ukraine và người Nga.

Matilda Bogner, người đứng đầu nhóm giám sát của Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Ukraine, cho biết: “Nếu chúng ta so sánh các hành vi vi phạm, thì việc tra tấn hoặc ngược đãi các tù nhân chiến tranh Ukraine có xu hướng xảy ra ở hầu hết các giai đoạn giam giữ. Và phần lớn, điều kiện giam giữ rất tồi tệ ở nhiều khu vực của Nga hoặc của Ukraine bị tạm chiếm. “

Bà Bogner cho biết những hình thức tra tấn hoặc đối xử tồi tệ nhất đối với các tù nhân chiến tranh Ukraine thường xảy ra trong quá trình thẩm vấn. Họ có thể bị điện giật và một loạt các phương pháp tra tấn kể cả treo người lên và đánh đập họ.

“Khi họ đến những nơi bị giam giữ, thường có cái gọi là đánh đập chào đón. Họ cũng thường phải đối mặt với tình trạng thiếu thức ăn và nước uống,” cô nói thêm.

Các tù nhân chiến tranh Nga cũng cho biết họ bị đánh đập và bị điện giật.

Bộ Quốc phòng Nga đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của BBC.

Tờ Guardian không thể xác nhận độc lập cáo buộc tra tấn của Yefremov. Tuy nhiên, chúng phù hợp với các báo cáo của các chuyên gia nhân quyền quốc tế về cách đối xử với binh lính và dân thường Ukraine bị giam giữ, bao gồm các báo cáo về đánh đập dã man và bạo lực tình dục.

Yefremov nói rằng trong thời gian phục vụ ở Zaporizhzhia bị xâm lược, anh ấy cũng đã chứng kiến lính Nga cướp bóc “mọi thứ từ hộp thức ăn đến máy giặt và xe đạp”, chứng thực cho các tài khoản khác về việc lính Nga cướp bóc trên diện rộng ở Ukraine.

Anh ấy nói rằng vào ngày 23 tháng 5, anh ấy đã tìm cách rời khỏi đơn vị của mình và từ chức.

BBC đã xác minh bằng chứng hình ảnh do Yefremov cung cấp cho thấy anh ta ở vùng Zaporizhzhia, bao gồm cả thành phố Melitopol, và xem xét các tài liệu chứng minh lời giải thích của anh ta về việc rời khỏi lực lượng vũ trang Nga.

Sau khi rời lực lượng vũ trang Nga, Yefremov cho biết anh gặp khó khăn trong việc tìm việc làm và sợ rằng mình sẽ bị gửi đến Ukraine sau khi Putin tuyên bố huy động toàn quốc vào tháng 9.

“Tôi bị tố cáo là kẻ phản bội vì tôi không muốn tham gia vào cuộc chiến khủng khiếp này, nhưng tôi biết rằng là một người có kinh nghiệm, họ sẽ cố gắng bắt tôi trở lại Ukraine.”

Anh cho biết đã quyết định bỏ trốn và liên lạc với nhóm nhân quyền Gulagu.net, tổ chức đã giúp anh rời khỏi Nga. Bây giờ anh ấy hy vọng có thể làm chứng về những điều anh ấy đã chứng kiến ở Ukraine.

Hơn hết, anh ấy nói, anh ấy rất tiếc vì đã chiến đấu ở Ukraine. Ông nói: “Tôi vô cùng xin lỗi toàn thể người dân Ukraine vì đã đến nhà của họ với một khẩu súng. Lẽ ra tôi nên chọn nhà tù thay vì đến Ukraine, nhưng lúc đó tôi là một kẻ hèn nhát.

“Tạ ơn Chúa là tôi không làm hại ai. Tôi không giết ai cả.”
Source:The Guardian