Đức Thánh Cha: Tội là khi từ chối sự quảng đại của Thiên Chúa

Pope Francis

Pope Francis

Thiên Chúa mời chúng ta đến dự tiệc và gặp gỡ Người, nhưng chúng ta từ chối. Và Người đã mời tất cả những người nghèo đói, tàn tật đến đầy nhà mình. Trong bài giảng Thánh lễ tại Nhà nguyện Thánh Marta (05/11), Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta tự hỏi mình: liệu chúng ta có chấp nhận lời mời đến tham dự bữa tiệc của Thiên Chúa, hay vẫn khép kín trong chính mình.
Trong Tin Mừng Thánh Luca, Chúa Giêsu kể dụ ngôn về một người kia muốn tổ chức một tiệc lớn. Nhưng khách dự tiệc lại đưa ra nhiều lý do từ chối lời mời của ông. Vì thế, ông sai đầy tớ đi mời những người nghèo khó, tàn tật cho đầy nhà và vui hưởng lòng hiếu khách của ông.

Suy tư về đoạn Tin Mừng này, Đức Thánh Cha cho rằng dụ ngôn này vừa tóm tắt lịch sử cứu độ vừa mô tả thái độ của nhiều Kitô hữu.
 

 

Bữa tiệc miễn phí

"Bữa tiệc ấy tượng trưng cho Nước Thiên Chúa và sự vĩnh cửu cùng với Người". Bạn không bao giờ biết được mình có thể gặp ai trong bữa tiệc ấy; có những người mới gặp lần đầu; mà cũng có thể là những người bạn không muốn gặp; nhưng bầu không khí của bữa tiệc là niềm vui, vì một bữa tiệc thực sự cần phải là một bữa tiệc được trao tặng miễn phí.

Thiên Chúa của chúng ta luôn mời chúng ta theo cách này. Ngài không bắt chúng ta phải trả phí vào cửa. Tại những buổi tiệc thực sự, bạn không phải trả tiền để đi vào: chủ nhà trả tiền, người đã mời bạn trả tiền. Nhưng lại có những người đặt lợi ích của mình lên trên lời mời miễn phí ấy.

Trước sự phóng khoáng, hào sảng, phổ quát của bữa tiệc ấy, lại có một loại thái độ khóa chặt con tim: “Tôi không đi đâu, tôi thích ở một mình với những người tôi thích”. Và đó chính là tội, tội của dân Israel, tội của tất cả chúng ta: khép kín.

Chọn Thiên Chúa hơn là những lợi ích và sở thích cá nhân

Sự chối từ này cũng là một dấu hiệu khinh miệt người đã mời chúng ta, như thể chúng ta nói với Chúa: "Đừng làm làm phiền tôi bằng bữa tiệc của bạn". Đó chính là tự khép mình lại "với những gì Thiên Chúa trao ban cho chúng ta: niềm vui gặp gỡ Ngài".

Và chúng ta sẽ phải đối mặt với lựa chọn này nhiều lần trong suốt hành trình cuộc đời: hoặc là chọn sự phóng khoáng, hào sảng của Thiên Chúa bằng việc gặp gỡ Người, hay là chọn khép mình trong những vấn đề và lợi ích của riêng mình. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu lại nói: “một người giàu có vào Nước Thiên Chúa thật khó biết bao.” Nhưng cũng có những người giàu có lại là những vị thánh vì các ngài không gắn bó với của cải. Nhưng hầu hết những người giàu có thường quá dính bén với của cải, và họ khép kín nơi chính mình. Đó là lý do tại sao họ không thể hiểu bữa tiệc và đại lễ thực sự là gì. Nhưng họ có sự bảo đảm và an toàn của những điều mà họ có thể chạm tới.

Thiên Chúa chờ đợi tất cả mọi người

Thiên Chúa phản ứng rất kiên quyết và mạnh mẽ trước sự chối từ của chúng ta: Người muốn tất cả mọi hạng người đều được mời đến dự tiệc, “ép người ta vào, dù là người tốt hay người xấu.” Mọi người đều được mời, tất cả mọi người. Không ai có thể nói: “tôi xấu xa lắm, tôi không thể vào đó được…” Không! Thiên Chúa chờ đợi bạn một cách đặc biệt vì bạn là người xấu. Người cha đã nói gì với người con hoang đàng khi cậu trở về nhà? Cậu đang bắt đầu thưa với cha thì ông đã ngăn lại và ôm lấy cậu. Đó là cách mà Thiên Chúa đã làm. Người rất phóng khoáng và hào sảng.

Trong Bài đọc một trích thư thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Roma, thánh Phao-lô cảnh báo về sự giả hình. Chính Chúa Giêsu nói với những người Do-thái rằng: “những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21, 31). Thiên Chúa yêu mến những ai bị coi thường nhất, và Ngài mời gọi tất cả chúng ta. Nhưng khi phải đối diện với sự khép kín của chúng ta, Người sẽ giữ khoảng cách và sẽ tức giận như chúng ta đã được nghe trong Tin Mừng.

Hôm nay, chúng ta hãy suy nghĩ về dụ ngôn này, về điều Chúa muốn nói với chúng ta. Cuộc sống của tôi bây giờ thế nào? Tôi thích điều gì hơn? Tôi luôn chấp nhận lời mời của Chúa hay khép mình trong những lợi ích và thú vui của tôi, trong sự nhỏ bé của tôi? Chúng ta hãy xin Chúa ban ân sủng để luôn chấp nhận lời mời dự tiệc của Ngài, một bữa tiệc miễn phí.

Tác giả bài viết: Trần Đỉnh, SJ