Giải đáp phụng vụ: Vật liệu nào được dùng làm Bình Thánh?

Bánh Thánh

Bánh Thánh

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

 Hỏi: Theo Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), số 328, các bình thánh nên được làm bằng kim loại quý. Tuy nhiên, số 329 trao quyền cho các Hội Đồng Giám mục để cho phép sử dụng các vật liệu khác, mà theo lịch sử hoặc văn hoá được xem là là quý giá, chẳng hạn một số loại gỗ quý. Quy định này ảnh hưởng như thế nào đến các Dòng tu hội thuộc quyền giáo hoàng, vốn có mặt ở nhiều giáo phận và Hội Đồng Giám mục? Liệu quyết định của Hội Đồng Giám mục địa phương và quyết định của giáo phận là khác với các Dòng tu hội này trong Thánh lễ riêng tư giữa các tu sĩ, một Thánh Lễ bán riêng tư với các người khách bên ngoài đến tham dự Thánh lễ, và một Thánh lễ hoàn toàn công khai không? Nếu một vật liệu được coi là cao quý theo Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 329, được quyết định bởi một Hội Đồng Giám mục và được một Dòng tu hội mang vào một Hội Đồng Giám mục khác, vốn không đưa ra phán quyết chính thức về vật liệu đó, liệu nó vẫn có thể sử dụng với thiện ý trong bất kỳ khung cảnh riêng tư / bán riêng tư / công khai chăng? Trong bất kỳ trường hợp nào, liệu khả năng xác định vật liệu cao quý cho toàn Dòng tu hội có thuộc về thẩm quyền của bề trên tổng quyền của Dòng tu hội ấy không? - B. W., thành phố Lipa, Philippines.
 
 Đáp: Câu hỏi rất chính xác này đòi hỏi một câu hỏi lớn hơn, vì nó đề cập đến vai trò của các Giám mục, và trên hết, các Hội Đồng Giám mục, trong việc điều chỉnh phụng vụ liên quan đến các Dòng tu hội.
 
 Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma trình bày bản tóm tắt sau đây về thẩm quyền của các Hội Đồng Giám mục. Đã có một số sửa đổi gần đây về các bản dịch nằm ngoài phạm vi của câu hỏi này:
 
 "386. Việc soạn thảo Sách Lễ Rôma, được thực hiện vào thời đại chúng ta theo qui tắc của các sắc lệnh của Công Ðồng Chung Vatican II, luôn lưu tâm làm sao cho mọi tín hữu, trong cử hành Thánh Lễ, có thể tham dự cách đầy đủ, ý thức và linh hoạt, như bản chất Phụng Vụ đòi hỏi, và như các tín hữu, do thân phận mình, có quyền và có bổn phận yêu cầu. 
 
 “Tuy nhiên, để cho việc cử hành đáp ứng các qui tắc và tinh thần của Phụng Vụ Thánh, Qui Chế Tổng Quát này và Lễ Qui đưa ra vài thích ứng và thích nghi, được giao cho sự phán đoán của Giám Mục giáo phận hay Hội Ðồng Giám Mục.
 
 “387. Giáo Mục giáo phận, với tư cách là đại tư tế của đoàn chiên mình, từ ngài xuất phát và tuỳ thuộc một cách nào đó sự sống của các tín hữu mình trong Chúa Kitô, có nhiệm vụ cổ võ, điều phối và canh phòng đời sống phụng vụ trong giáo phận mình. Trong Qui Chế Tổng Quát này, ngài được giao cho việc điều phối kỷ luật về đồng tế (x. số 202), ban hành các qui tắc về phận vụ trợ giúp vị tư tế nơi bàn thờ (x. số 107), về việc phân phát rước lễ dưới hai hình (x. số 284), về việc xây dựng và bố trí thánh đường (x. các số 291-294). Nhưng trên hết ngài có bổn phận phát triển tinh thần phụng vụ thánh nơi các linh mục, phó tế và giáo dân.
 
 “388. Các thích nghi, được nói đến sau đây, cần được xác định với sự điều hợp rộng lớn bên trong Hội Ðồng Giám Mục, chiếu theo luật.
 
 “389. Trước hết, các Hội Ðồng Giám Mục có thẩm quyền cho soạn thảo và phê chuẩn bản dịch Sách Lễ Rôma trong tiếng địa phương để được dùng trong lãnh thổ mình, sau khi được Toà Thánh công nhận.
 
 Sách Lễ Rôma phải được phát hành toàn bộ trong bản Latinh hay trong bản dịch địa phương được phê chuẩn cách hợp pháp.
 
 “390. Các Hội Ðồng Giám Mục qui định các thích nghi và, sau khi được Toà Thánh công nhận, được đưa vào Sách Lễ. Việc thích nghi được làm trong những điều được cho phép trong Quy Chế Tổng Quát này và trong Lễ Qui Rôma, tức là:
 
 - Cử chỉ và điệu bộ thân thể của các tín hữu (xem trên, các số 24, 43);
 
 - Cử chỉ tôn kính đối với bàn thờ và sách Tin Mừng (xem trên, số 273);
 
 - Các bản văn bài ca nhập lễ, chuẩn bị lễ phẩm và hiệp lễ (xem trên, các số 48, 74, 87);
 
 - Các bài đọc lấy từ Thánh Kinh trong những dịp đặc biệt (xem trên, số 362);
 
 - Hình thức trao bình an (xem trên, số 82);
 
 - Cách thức rước lễ (xem trên, các số 160-161, 284);
 
 - Chất liệu chế tạo bàn thờ và các vật dụng thánh, nhất là các bình thánh, và chất liệu, hình thức và màu sắc các phẩm phục phụng vụ (xem trên, các số 301, 329, 332, 342, 345-346, 349).
 
 “Các Hướng Dẫn và Huấn Thị mục vụ, mà Hội Ðồng Giám Mục xét là cần thiết, có thể được đưa vào Sách Lễ Rôma, ở chỗ thích hợp, sau khi được Toà Thánh công nhận.
 
 “391. Các Hội Ðồng Giám Mục phải lo sao cho bản dịch các bản văn Thánh Kinh dùng trong cử hành Thánh Lễ, được thực hiện với sự cẩn thận đặc biệt. Thật vậy, người ta trích từ Thánh Kinh các bài để đọc và để dẫn giải trong bài giảng, cũng như những thánh vịnh để hát. Cũng nhờ gợi hứng từ Thánh Kinh mà xuất phát các kinh, lời nguyện, công thức phụng vụ, đồng thời những động tác và các biểu hiệu cũng nhận lấy ý nghĩa từ Thánh kinh. 
 
 "394. Mỗi giáo phận nên có lịch của mình và phần riêng các Lễ. Về phần mình, Hội Ðồng Giám Mục nên làm một lịch riêng, hay cùng với những Hội Ðồng Giám Mục khác, đưa ra một lịch có thẩm quyền lớn hơn, sau khi được Toà Thánh chấp thuận.
 
 “Khi làm việc này, phải duy trì hết sức ngày Chúa Nhật sao cho các lễ kính, và các cử hành khác không được lấn át ngày Chúa Nhật, trừ phi thật sự là rất quan trọng. Cũng lo sao đừng để năm phụng vụ được công nhận bởi sắc lệnh của Công Ðồng Vatican II bị che khuất bởi các yếu tố thứ yếu.
 
 “Khi làm lịch quốc gia, phải ghi các ngày Cầu Khẩn và Bốn Mùa, và có trước mắt hình thức và bản văn để cử hành những ngày này và những đặc điễm riêng khác.
 
 “Khi phát hành Sách Lễ, nên đưa những cử hành riêng cho toàn thể quốc gia hay lãnh thổ lớn hơn vào chỗ những cử hành của lịch chung, còn những cử hành riêng cho vùng hay giáo phận thì để vào phần Phụ Lục đặc biệt.
 
 “395. Sau cùng, nếu sự tham dự của các tín hữu và lợi ích thiêng liêng của họ đòi hỏi có những thay đổi và thích nghi sâu rộng hơn, hầu cử hành thánh đáp ứng với não trạng và truyền thống của các dân tộc khác nhau, các Hội Ðồng Giám Mục có thể đề nghị chúng lên Toà Thánh, theo đúng qui tắc của số 40 Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, để sau khi được Toà Thánh chấp thuận, thì đưa vào, nhất là đối với các dân tộc vừa mới được rao giảng Tin Mừng. Nên cẩn thận tuân giữ những qui tắc đặc biệt được đưa ra trong Huấn Thị "Phụng Vụ Rôma và hội nhập văn hoá" (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang). 
 
 Huấn thị của Tòa thánh, Redemptionis Sacramentum (Bí Tích Cứu Độ), năm 2004, có những điều sau đây để nói về thẩm quyền của các Giám mục giáo phận đối với các Dòng tu hội và các đoàn thể khác:
 
 "[23] Các tín hữu “phải gắn bó với Giám Mục như Giáo Hội gắn bó với Chúa Giêsu-Kitô và như Chúa Giêsu-Kitô gắn bó với Chúa Cha, để mọi sự đều hòa hợp trong sự hiệp nhất và trở nên phong phú cho vinh quang Thiên Chúa”. Tất cả, kể cả các thành viên của các Hội Dòng thánh hiến và Tu Hội tông đồ, cũng như các đoàn thể và các phong trào thuộc giáo hội, phải phục tùng quyền của Giám Mục giáo phận về tất cả những gì liên quan đến Phụng Vụ, ngoại trừ những quyền đã được nhượng cho họ một cách hợp pháp. Như vậy, Giám Mục giáo phận có quyền và có bổn phận quan tâm giám sát về mặt phụng vụ, và, với danh nghĩa này, ngài viếng thăm các nhà thờ và nhà nguyện nằm trên lãnh thổ của ngài, kể cả những nhà thờ, nhà nguyện được xây dựng và điều khiển bởi các thành viên của các hội nói trên, nếu các tín hữu thường ngày lui tới” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).
 
 Điều gì đúng về các quy chế, do Giám mục giáo phận ban hành, sẽ áp dụng như nhau cho các quy chế do Hội Đồng Giám mục ban hành, vì chúng được Toà Thánh chuẩn thuận rõ ràng.
 
 Ngoại lệ được đề cập ở trên về "các quyền đã được nhượng cho họ một cách hợp pháp” sẽ đề cập đến một loạt các khả năng của các đặc quyền đặc biệt được ban cho các Dòng tu hội. Chúng có thể bao gồm các năng quyền đặc biệt trong Bí tích Hòa giải, một niên lịch phụng vụ đặc biệt bao gồm các thánh của Dòng tu hội, và ngay cả một nghi lễ phụng vụ riêng của họ, chẳng hạn như nghi lễ Đaminh, vốn có thể được sử dụng bởi các thành viên của Dòng Thuyết Giáo (OP).
 
 Như chúng ta đã thấy ở trên, luật Giáo hội xem các vật liệu dùng cho các bình thánh là sự thích ứng "vốn đòi hỏi một mức độ phối hợp rộng rãi hơn", và do đó được quyết định bởi luật riêng của Hội Đồng Giám mục. Sau khi các thích ứng này được Tòa Thánh công nhận, chúng trở thành luật phụng vụ có tính ràng buộc trong lãnh thổ quốc gia.
 
 Vấn đề này không được đưa vào thẩm quyền của Bề trên Dỏng tu hội. Đặc tính cử hành (mở ra cho các tín hữu hoặc dành riêng cho các thành viên của Dòng tu hội) không tạo ra sự khác biệt đối với việc áp dụng luật, bởi vì các tu sĩ không được miễn trừ khỏi luật chung.
 
 Mặc dù có tuyên bố này, và ngoài bất kỳ vấn đề nào về quyền phụng vụ của một Giám mục đối với các tu sĩ, câu hỏi chính xác vẫn là liệu một bình thánh, vốn phù hợp với các quy chế do một Hội Đồng Giám mục ban ra, có thể được sử dụng trong lãnh thổ của một Hội Đồng Giám mục khác, vốn không đưa ra quy chế ấy chăng.
 
 Một thí dụ về sự khác biệt đối với các bình thánh là quy chế của Hội Đồng Giám mục Hoa Kỳ và quy chế của Hội Đồng Giám mục Anh và xứ Wales. Quy chế của Hội Đồng Giám mục Anh và xứ Wales tự giới hạn vào bản dịch từ tiếng Latinh, không có sự điều chỉnh nào:
 
 "326. Trong việc lựa chọn vật liệu cho đồ vật thánh, bên cạnh những gì là truyền thống, các vật liệu khác được chấp nhận nếu theo các tiêu chuẩn hiện đại, chúng được coi là quý giá, là bền chắc và phù hợp cho việc sử dụng thánh. Hội Đồng Giám mục có quyền về vấn đề này (xem số 390).
 
 "328. Các bình thánh phải được làm bằng kim loại quý. Nếu được chế từ kim loại có thể bị rỉ sét hay kém hơn vàng, thì phía trong các bình phải được mạ vàng. 
 
 "329. Theo phán quyết của Hội đồng Giám mục, sau khi các quyết định của Hội Đồng đã được Tòa thánh chuẩn thuận, các bình thánh cũng có thể được làm từ các vật liệu rắn khác, vốn là quý giá theo ước tính chung của từng khu vực, ví dụ như gỗ mun hoặc các loại gỗ cứng khác, miễn là các vật liệu này phù hợp cho việc sử dụng thánh. Trong các trường hợp như vậy, luôn luôn ưu tiên cho các vật liệu không dễ bị phá vỡ hoặc hư hỏng. Điều này áp dụng cho tất cả các vật lưu giữ bánh thánh, như đĩa thánh, bình thánh, hộp đựng Mình Thánh, mặt nhật và các vật dụng thuộc loại này”.
 
 Về phần mình, Hội Đồng Giám mục Hoa Kỳ nói:
 
 "326. Trong việc lựa chọn vật liệu cho đồ vật thánh, bên cạnh những gì là truyền thống, các vật liệu khác có thể được chấp nhận, nếu theo não trạng của thời đại chúng ta, chúng được coi là quý giá, là bền chắc và phù hợp cho việc sử dụng thánh. Trong các Giáo Phận của Hoa Kỳ, các vật liệu này có thể bao gồm gỗ, đá hoặc kim loại, vốn là rắn chắc và phù hợp với mục đích sử dụng chúng.
 
 “327. Trong các vật dụng cần phải có để cử hành Thánh Lễ, các bình thánh phải được đặt biệt tôn trọng, và trong số đó, có chén thánh và đĩa thánh, dùng để dâng, truyền phép và rước bánh rượu.
 
 “328. Các bình thánh phải được làm bằng kim loại quý. Nếu được chế từ kim loại có thể bị rỉ sét hay kém hơn vàng, thì phía trong các bình phải được mạ vàng. 
 
 “329. Trong các Giáo phận của Hoa Kỳ, các bình thánh có thể được làm bằng những chất liệu khác vững bền và cao quý theo đánh giá chung của địa phương, thí dụ: ngà hay vài thứ gỗ cứng, miễn là thích hợp cho việc sử dụng thánh. Trong trường hợp này, luôn luôn nên chọn chất liệu không dễ vở hay hư hỏng. Ðiều này đặc biệt áp dụng cho các vật lưu giữ bánh thánh, như đĩa thánh, bình thánh, hộp đựng Mình Thánh, mặt nhật v.v...
 
 “330. Về chén thánh và các bình đựng Máu Chúa, phần chứa đựng phải làm bằng chất liệu không thẩm thấu. Còn phần chân thì có thể làm bằng chất khác bền chắc và xứng đáng".
 
 Cả hai văn bản trên phải được đọc trong ánh sáng của huấn thị Redemptionis Sacramentum:
 
 "[117]. Các bình thánh, dùng để đựng Mình và Máu Thánh Chúa, phải được làm hoàn toàn đúng với các quy tắc của truyền thống và của các sách phụng vụ. Theo sự phán đoán của các Hội Đồng Giám Mục, mà quyền hạn này đã được ban cho với sự Toà Thánh xác nhận (confirmatio) các hành vi của các ngài, có thể thích thời thực hiện các bình thánh bằng cách sử dụng những chất thể khác, với điều kiện là chúng phải được chắc chắn. Nhưng mà, trong mỗi vùng, đòi hỏi cách nghiêm chỉnh phải chọn lựa những chất thể mà mọi người đánh giá là quý, để tỏ sự tôn kính Chúa, và để tránh hoàn toàn, nơi mắt các tín hữu, mọi nguy cơ giảm bớt lòng tin nơi sự hiện diện thực sự của Đức Kitô dưới hình bánh và hình rượu. Như vậy, việc cử hành Thánh Lễ với bất cứ bình dùng hằng ngày hay thông thường hơn, phải được dứt khoát bài trừ, đặc biệt nếu đó là những đồ vật không có chút nào là nghệ thuật, hay chỉ là những cái giỏ thường, hay nữa là những đồ đựng bằng thuỷ tinh, đất sét, đất nung hay bằng những chất liệu khác dễ bể. Việc này cũng có giá trị đối với tất cả bình bằng kim loại hay được làm bằng những chất liệu dễ hỏng” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).
 
 Thí dụ, liệu một chén thánh bằng gỗ cứng với một cốc có mạ vàng, phù hợp với các quy chế của Hoa Kỳ, có thể được sử dụng ở Anh không?
 
 Tôi nhận định rằng điều này có thể được chấp thuận, bởi vì Hội Đồng Giám mục Hoa Kỳ đặt thành luật các thí dụ được cung cấp trong văn bản gốc tiếng Latinh, và các Giám mục Anh, trong khi không đặt thành luật, không loại trừ việc sử dụng các vật liệu được đưa ra làm thí dụ. Bởi vì cả hai vùng chia sẻ nhiều điểm tương đồng rộng lớn về văn hoá, nên sẽ không có sự khác biệt về đánh giá vật liệu, như gỗ cứng tốt chẳng hạn.
 
 Chức năng lập pháp của Hội Đồng Giám mục thường là thừa nhận các vật liệu quý giá ở địa phương. Hội Đồng Giám mục thường biết rõ nhất các vật liệu phi truyền thống nào sẽ là phù hợp, và đa số hai phần ba số lượng Giám mục thường được yêu cầu cho hình thức pháp luật này, cũng như sự chấp thuận của Tòa Thánh.
 
 Các vật liệu này có thể không được đánh giá cao trong một tình hình văn hoá khác, vì vậy, trong hầu hết các trường hợp, các vật liệu bất thường được chấp thuận trong một khu vực có thể không nên đơn thuần du nhập sử dụng ở một khu vực khác, nếu Hội Đồng Giám mục nơi ấy chưa đặt thành luật.
 
 Các vật liệu không phù hợp, như các vật liệu bị chỉ trích trong huấn thị Redemptionis Sacramentum, phải bị loại trừ ra khỏi sự sử dụng trong phụng vụ. (Zenit.org 9-1-2018)

Tác giả bài viết: Nguyễn Trọng Đa