Chứng nhân thời đại: Bác sĩ Takashi Nagai

Chúa Giêsu tử nạn

Chúa Giêsu tử nạn

Ông tìm thấy có những liên hệ huyền bí trong thánh ý của Thiên Chúa. Hôm đó sương mù dày đặc, các phi công được lệnh thả bom xuống nhà máy Mitsubishi nhưng họ đã thả lầm ngay lên nóc nhà thờ Đức Bà Vô nhiễm Nguyên Tội Urakami và chiến tranh cũng đã kết thúc vào ngày 15 tháng 8 ngày lễ Đức Mẹ lên Trời.

Buổi sáng ngày 9 tháng 8 năm 1945, bác sĩ Takashi Nagai đang làm việc trong văn phòng tại Trung tâm Y tế ở Nagasaki, Nhật bản. Khỏang 11 giờ sáng, ông thấy một tia chớp đỏ rực kinh khủng, tiếp theo là tối tăm mịt mùng bao phủ tất cả vạn vật, cùng một lúc ông nghe tiếng sụp đổ của tòa nhà và thế giới chung quanh. Đó là tiếng nổ của trái bom nguyên tử được thả xuống thành phố Nagasaki, trái bom đã rơi ngay trên nóc nhà thờ chánh tòa Urakami cách Trung Tâm Y tế nơi ông đang làm việc khoảng nửa dặm. Sau khi bò ra khỏi đống gạch vụn, các vết thương được băng bó qua loa, ông liền bắt tay vào việc chạy chửa những nạn nhân đang hấp hối. Nhìn thấy cảnh tượng khủng khiếp ông đoán nạn nhân có thể trên vài ngàn người nhưng sự thật còn khủng khiếp hơn dự đoán của ông nhiều; có hơn tám mươi ngàn người chết và vô số người bị thương.
 
 Những ngày kế tiếp thật là rùng rợn, ông đã chứng kiến những đau khổ và những tuyệt vọng của nạn nhân, họ đã đau khổ đến cùng cực. Sức nóng thiêu đốt tất cả, trên các đường phố đầy bụi phóng xạ, những nạn cháy đen nằm la liệt, những người sống sót như những bóng ma, mặt mày cháy đen hoặc lở lói kêu than, khóc lóc, cầu xin một chút nước cho qua cơn khát tàn bạo. Hai người con trai của bác sĩ đã sống sót nhưng ông đã tìm thấy vợ ông cháy thành than trong đám tro tàn của căn nhà, trong tay bà đang nắm chặt chuổi tràng hạt Mân côi.
 
 Trước hoàn cảnh đó bất kỳ ai cũng có những phản ứng hận thù oán trách Trời Đất và thất vọng ê chề. Nhưng bác sĩ Takashi Nagai là một người Công giáo mộ đạo đã hiến dâng mọi đau khổ lên Thiên Chúa với tất cả tấm lòng biết ơn sâu xa vì ông nghĩ rằng thành phố Nagasaki là một thành phố phần đông dân cư là người Công giáo nên đã được chọn để làm cuộc lễ toàn thiêu hầu đền tội cho nhân loại.
 
 Khi các vị Thừa sai đến đây truyền giáo, thành phố Nagasaki trở thành Trung Tâm Công giáo Nhật bản, và trong lịch sử đã có nhiều đấng tử đạo đã đổ máu ra trên thành phố này. Những cảnh tượng những ngưòi Công giáo bị treo trên thập giá dọc theo bờ biển vẫn còn in sâu đậm trong tâm trí người dân, nên khi sự dữ xẩy ra họ có ý nghĩ là máu họ được chảy ra để đền tội. Nagai đã viết: “Phải chăng Nagasaki được chọn như con chiên vô tội làm của lễ toàn thiêu trên bàn thánh hầu đền tội cho mọi quốc gia đang chém giết lẫn nhau trong Đệ nhị Thế chiến.”
 
 Nagai là một người trở lại đạo Công giáo. Ông sinh năm 1908 trong một gia đình Phật giáo và đã được rửa tội năm 1934. Sự trở lại của ông là do ảnh hưởng học vấn nhưng quan trọng hơn hết là gương sáng của vị hôn thê, bà thuộc một gia đình Công giáo lâu đời. Ông thích nghiên cứu về Blaise Pascal, một nhà thần học huyền bí thế kỷ thứ 17 và điều đánh động ông hơn hết là đi tìm ý nghĩa cuộc sống qua cái chết của người mẹ yêu dấu nên ông đã theo học nghề thầy thuốc. Ông theo học về quang tuyến, khi tiếp xúc với khoa học mới này ông nhuốm bịnh ung thư máu do đó ông không thể tiếp tục công việc nghiên cứu nên được đề cử làm khoa trưởng Quang tuyến X của Đại Học Nagasaki.
 
 Sau vụ bỏ bom, ông dồn tất cả sức lực vào việc nghiên cứu và chửa bệnh các nạn nhân sống sót. “Cuộc sống của con người thật quý gía, nhưng chỉ tìm cách cứu lấy thân xác mà thôi thì chưa đũ, mà phải tìm ý nghĩa đích thật của cuộc sống. Muốn tìm hiểu biến cố thê thảm này thì cần phải liên kết đến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trên thánh giá”.
 
 Ông tìm thấy có những liên hệ huyền bí trong thánh ý của Thiên Chúa. Hôm đó sương mù dày đặc, các phi công được lệnh thả bom xuống nhà máy Mitsubishi nhưng họ đã thả lầm ngay lên nóc nhà thờ Đức Bà Vô nhiễm Nguyên Tội Urakami và chiến tranh cũng đã kết thúc vào ngày 15 tháng 8 ngày lễ Đức Mẹ lên Trời. Nagai bày tỏ tư tưởng này trong buổi lễ cầu hồn ngay sau khi bị bom. Dù những ý tưởng đó không chứng cớ nhưng đã là nguồn an ủi và hy vọng cho những người sống sót:
 
 “Chúng ta đã bất tuân định luật của tình yêu. Chúng ta đã tìm thấy vui thích trong thù hận, trong việc chém giết lẫn nhau. Và bây giờ, cuối cùng chúng ta đã chấm dứt cuộc chiến phi nhân tàn bạo. Muốn có hòa bình trên thế giới không chỉ ăn năn sám hối mà đủ. Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta qua việc hy sinh đền tội… Chúng ta hãy cám tạ Thiên Chúa đã chọn Nagasaki như của lễ đền tội… Xin cho các linh hồn của những nạn nhân ra đi trong lòng thương xót của Thiên Chúa và được an nghĩ trong bình an.”
 
 Hậu quả của phóng xạ và bệnh tình cũ đã làm cho Nagai nằm liệt giường. Ông sống những chuổi ngày còn lại trong căn lều nhỏ bên cạnh nhà thờ đổ nát, suy niệm cầu nguyện, viết sách và tiếp đón những khách đến viếng thăm.
 
 “Hởi nhân loại trên thế giới, đùng bao giờ chinh chiến nữa…Vì những tai họa ghê gớm của bom nguyên tử, dân chúng Nagasaki đã thách thức và kêu gọi: “Đừng gây chiến tranh nữa! Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng và yêu thương lẫn nhau. Dân chúng Nagasaki sấp mình xuống trưóc mặt Thiên Chúa và nài xin: Lạy Chúa, xin cho Nagasaki sẽ là thành phố cuối cùng đón chịu sư ghê rợn của bom nguyên tử trong lịch sử của nhân loại…”
 
 Bác sĩ Takashi Nagai chết ngày 1 tháng 5 năm 1951 lúc 43 tuổi. Ông xin đề trên bia mộ một câu trích từ Phúc Âm thánh Luca: “Chúng tôi là những tôi tớ vô dụng, chúng tôi đã không làm gì hơn ngoài bổn phận của mình.”

Tác giả bài viết: Pt. JB Huỳnh Mai Trác