Chống chúc lành cho tội lỗi, các GM Phi Châu bị vu khống. 10 Giám Mục Trung Quốc bị bách hại tàn tệ

Tin Giáo Hội

Tin Giáo Hội

Đức Hồng Y Fridolin Ambongo Besungu, OFM Cap, chủ tịch Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Phi Châu và Madagascar, gọi tắt là SECAM, cho biết ngài đã đích thân chạm trán Cha Radcliffe tại Thượng Hội Đồng Về Tính Đồng Nghị để hỏi tại sao ngài viết như thế.
1. Hồng Y Ambongo cho biết: Cha Radcliffe phủ nhận việc đưa ra những phát biểu về các giám mục Phi Châu và vấn đề đồng tính luyến ái.

Trong một diễn biến gây kinh ngạc, tờ Quan Sát Viên Rôma đã đăng một bài được cho là của Cha Timothy Radcliffe, dòng Đa Minh, một nhân vật gây tranh cãi vì ủng hộ những người đồng tính và hô hào những thay đổi cấp tiến trong Giáo Hội, nhân dịp ngài vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô vinh thăng Hồng Y trong công nghị ngày 7 Tháng Mười Hai, sắp tới.



Bài báo chỉ trích mạnh mẽ tuyên bố chống lại Tuyên ngôn Fiducia Supplicans của các Giám Mục Phi Châu và cho rằng các Giám Mục Phi Châu hành động vì tiền, vì áp lực của Nga và từ những người Tin lành.

Đức Hồng Y Fridolin Ambongo Besungu, OFM Cap, chủ tịch Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Phi Châu và Madagascar, gọi tắt là SECAM, cho biết ngài đã đích thân chạm trán Cha Radcliffe tại Thượng Hội Đồng Về Tính Đồng Nghị để hỏi tại sao ngài viết như thế. Tuy nhiên, thật là ngỡ ngàng khi vị linh mục sắp được làm Hồng Y tuyên bố rằng ngài không hề viết bài báo đó. Bài báo đó không chỉ được đăng một lần trên tờ Quan Sát Viên Rôma của Tòa Thánh mà đăng tổng cộng 3 lần trên các tạp chí có uy tín khác.

Hãng tin Catholic World News ngày 23 tháng 10 năm 2024, có bài tường trình nhan đề “Cardinal-designate Radcliffe denies making published remarks about African bishops and homosexuality, Cardinal Ambongo says”, nghĩa là “Đức Hồng Y Ambongo nói rằng Hồng Y được chỉ định Radcliffe phủ nhận đã công bố các nhận xét về các Giám Mục Phi Châu và đồng tính luyến ái”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Hồng Y được chỉ định Timothy Radcliffe, OP, đã phủ nhận việc đưa ra một tuyên bố, được công bố ba lần dưới tên của ngài, trong đó cho rằng những lo ngại của các giám mục Phi Châu về vấn đề đồng tính luyến ái xuất phát từ áp lực của những người theo đạo Tin lành, Mạc Tư Khoa và người Hồi giáo, vị giám mục hàng đầu của Phi Châu cho biết tại một cuộc họp báo của Vatican.

Thực vậy, Hồng Y Fridolin Ambongo Besungu, OFM Cap, chủ tịch Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Phi Châu và Madagascar, gọi tắt là SECAM, đã kể lại lời phủ nhận đáng ngạc nhiên của Hồng Y được chỉ định Radcliffe tại cuộc họp báo của thượng hội đồng vào ngày 22 tháng 10.

Trong một bài báo được công bố vào ngày 12 tháng 10 trên trên tờ Quan Sát Viên Rôma, Cha Radcliffe đã nhiều lần phản đối những tuyên bố của Đức Hồng Y Ambongo và liên kết những lo lắng của các giám mục Phi Châu về vấn đề đồng tính luyến ái với áp lực tài chính “mạnh mẽ” từ những người theo đạo Tin lành Mỹ, từ Mạc Tư Khoa và từ người Hồi giáo.

Trên trang 10 của ấn bản hàng ngày của tờ báo, bài báo xuất hiện dưới tiêu đề màu đỏ “Thượng hội đồng giám mục”. Trong một cột bên cạnh, các biên tập viên của tờ báo đã giải thích về lịch sử xuất bản trước đây của bài báo, giới thiệu bài báo bằng những từ sau:

Cởi mở với những tình bạn mới và bất ngờ, rời bỏ chủ nghĩa giáo sĩ trị và vùng an toàn của bản thân và mở lòng với tất cả các nền văn hóa nhân danh chủ nghĩa phổ quát của Kitô giáo. Đây là những cách mà Chúa Thánh Thần hoạt động trong Thượng hội đồng, “và mỗi cách này đều mời gọi chúng ta đến với một kiểu chết nào đó để chúng ta có thể sống”. Đây là những suy nghĩ của học giả Kinh thánh và nhà thần học Dòng Đa Minh Timothy Peter Joseph Radcliffe—người mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ tấn phong Hồng Y trong công nghị sắp tới—về tiến trình ba năm của Thượng hội đồng về tính đồng nghị, được phát biểu trong một hội nghị được tổ chức vào Thứ Sáu Tuần Thánh vừa qua tại Cao đẳng Stonyhurst, Vương quốc Anh...

Bản văn đã được chuyển thể, xuất hiện trên tạp chí tiếng Anh The Tablet vào tháng 4 năm 2024 và được Vita e Pensiero, một tạp chí hai tháng một lần của Đại học Công Giáo Thánh Tâm, tái bản trong số 4 của tháng 7/tháng 8 bằng bản dịch tiếng Ý—do Simona Plessi biên tập—mà chúng tôi sẽ công bố trên các trang của mình.

Tại cuộc họp báo ngày 22 tháng 10, nhà báo Michael Haynes đã hỏi Đức Hồng Y Ambongo về bài báo—khiến phó giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh chỉ trích nhẹ, người tuyên bố rằng bài báo không liên quan gì đến Thượng hội đồng, mặc dù tờ báo Vatican, trong tiêu đề và phần phụ, đã liên kết rõ ràng bài báo của Hồng Y được chỉ định Radcliffe với Thượng hội đồng.

“Đây không phải là chủ đề của buổi họp báo hôm nay, vì chúng ta đang nói về Thượng hội đồng,” Cristiane Murray nói, trước khi cho phép Hồng Y Ambongo trả lời câu hỏi của Haynes.

Hồng Y Ambongo trả lời:

Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải làm rõ mọi sự; nếu không, mọi người có thể nghĩ rằng chúng tôi đang che giấu điều gì đó. Chúng tôi cũng đã đọc bài báo này trong đó chúng tôi bị cáo buộc đã nhận tiền từ Nga, từ các nước vùng Vịnh và từ Hoa Kỳ, thông qua các nhà thờ Ngũ Tuần. Vì vậy, chúng tôi tự đọc bài báo đó.

Nhưng chúng tôi đang ở Thượng hội đồng, và chúng tôi tuân theo lời dạy của Cha Radcliffe, và tôi hoàn toàn không nhận ra những gì Cha Radcliffe đã nói trong bài báo mà bạn đang đề cập, và tôi có thể nói với bạn rằng hôm nay Cha Radcliffe đã đến gặp tôi trước khi chúng tôi bắt đầu vì ngài cũng chỉ mới đọc bài báo đó vào ngày hôm qua, và ngài rất sốc khi những điều như vậy có thể được viết ra để quy những điều này cho ngài. Và tôi nghĩ rằng nhiệm vụ của các bạn là làm rõ mọi điều với tư cách là nhà báo.

Cha Radcliffe chưa bao giờ nói những điều này, và điều này hoàn toàn không phù hợp với tính cách của ngài, như ngài đã nói như vậy. Ngài đã ở đó với chúng tôi, và không ai cảm thấy bị buộc tội, và tôi có thể bảo đảm với bạn rằng đây là điều hoàn toàn không đúng sự thật. Điều này không liên quan gì đến những gì Cha Radcliffe đã nói, tôi không biết ai đã viết bài báo này, nhưng tôi nghĩ rằng mục đích của bài báo này là tạo ra một sự việc, nhưng may mắn thay, điều này đã không xảy ra.

Trong bài báo tiếp theo về cuộc họp báo ngày 22 tháng 10, tờ Quan Sát Viên Rôma đã tóm tắt ngắn gọn những phát biểu của Đức Hồng Y Ambongo và nhắc lại lịch sử xuất bản của bài báo được xuất bản ba lần dưới tên của Hồng Y được chỉ định Radcliffe. Lorena Leonardi và Edoardo Giribaldi đã tường thuật:

Một câu hỏi khác sau đó liên quan đến suy nghĩ của nhà thần học Timothy Radcliffe, được xuất bản trên The Tablet vào tháng 4, được dịch sang tiếng Ý trong ấn bản tháng 7 của tạp chí Vita e pensiero và được tái bản trên tờ báo của chúng tôi vào ngày 12 tháng 10 năm ngoái, trong đó ngài đã trích dẫn một “áp lực mạnh mẽ từ những người theo đạo Tin lành, với tiền của Mỹ; từ Chính thống giáo Nga, với tiền của Nga; và người Hồi giáo, với tiền từ các nước vùng Vịnh giàu có” mà “các giám mục Phi Châu” sẽ phải chịu. “Tôi không nhận ra Cha Radcliffe chút nào trong những gì đã viết”, Đức Hồng Y nói Ambongo Besungu, tường thuật về một cuộc họp mà nhà thần học này cho biết ngài “bị sốc” trước việc công bố “những thứ kiểu này được cho là của ngài. Cha Radcliffe không bao giờ nói như vậy”, vị Hồng Y người Phi Châu này nhắc lại.

Vatican News, hãng thông tấn của Bộ Truyền thông, đã đăng lại bằng tiếng Anh hầu hết bài báo của trên tờ Quan Sát Viên Rôma về cuộc họp báo, nhưng đã bỏ qua đoạn dành riêng cho những nhận xét của Hồng Y Ambongo về Hồng Y được chỉ định Radcliffe—gợi ý một nỗ lực có thể nhằm kiểm soát thiệt hại. Vatican News cũng đã xóa đoạn văn trong phạm vi đưa tin bằng tiếng Đức và tiếng Bồ Đào Nha về cuộc họp báo, nhưng vẫn giữ nguyên trong phạm vi đưa tin bằng tiếng Pháp, tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nha.

2. Năm thứ ba liên tiếp Tòa Ân Giải tổ chức buổi huấn luyện “Cử hành Bí tích Giải tội hôm nay”, dành cho tất cả các tín hữu, đặc biệt là giáo dân.

Sáng kiến này nhằm mục đích là một cơ hội để giải quyết một số khó khăn mà người ta có thể gặp phải khi đến tòa giải tội và tái khám phá vẻ đẹp giải phóng của cuộc gặp gỡ bí tích với Chúa Cha nhân từ, cũng như qua chứng từ của những người đã trực tiếp trải nghiệm niềm vui được tha thứ.

Hội thảo đã diễn ra vào Thứ Năm ngày 24 và Thứ Sáu ngày 25 tháng 10 năm 2024 tại Palazzo della Cancelleria. Việc tham gia, miễn phí, có thể diễn ra trực tiếp hoặc từ xa (thông qua liên kết tới kênh YouTube của Bộ Truyền thông). Trong cả hai trường hợp, những người có ý định tham gia phải ghi danh bằng cách điền vào mẫu ghi danh trên trang web của Tòa Ân Giải Tối Cao.

3. Khi Thượng Hội đồng có sự tham gia của các thành viên Trung Quốc, David Alton của Anh đã thu hút sự chú ý đến cuộc đàn áp tôn giáo tại Hoa Lục

Một thành viên Công Giáo hàng đầu của Thượng viện Anh đang thu hút sự chú ý đến cuộc đàn áp Giáo hội ở Trung Quốc.

Ngài David Alton cho biết trong một tuyên bố rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh đang tấn công vào mười giám mục sau khi họ phản đối Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, là tổ chức do Đảng Cộng sản Trung Quốc dựng nên nhằm ép buộc các thành viên phải cam kết độc lập khỏi Tòa thánh và “uốn nắn giáo lý Kitô giáo cho phù hợp với học thuyết của cộng sản Trung Quốc”.

Tuần trước, Alton đã đăng một bài viết của Nina Shea trên Viện Hudson với tựa đề “Mười giám mục Công Giáo bị đàn áp ở Trung Quốc”.

Alton cho biết bảy giám mục trong số này đã bị giam giữ mà không được xét xử hợp pháp, một số đã bị giam giữ liên tục trong nhiều năm hoặc nhiều thập niên, trong khi những người khác đã bị giam giữ nhiều lần, tới sáu lần kể từ khi thỏa thuận được ký kết.

Alton gọi họ là “mười giám mục phiền phức mà Vatican muốn chúng ta quên đi”.

“Tại sao? Bởi vì các ngài không chấp nhận quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc bảo họ phải tin, phải nghĩ hay phải nói gì”, ông viết.

Thành viên của Thượng viện Vương Quốc Anh đã đưa ra tuyên bố này khi Vatican chào mừng sự tham dự của các giám mục từ Trung Quốc đang tham dự Thượng hội đồng về tính đồng nghị. Giám mục Giuse Dương Vĩnh Cường (Yang Yongqiang, 杨永强) và Giám mục Vinh Sơn Chiêm Tư Lộc (Zhan Silu, 詹思祿) của Giáo phận Phúc Ninh/Mân Đông là đoàn đại biểu thứ ba tham dự Thượng hội đồng, sau Thượng hội đồng Giám mục về Thanh niên năm 2018 và phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng về tính công đồng vào năm ngoái.

Tòa thánh và Trung Quốc đã có một thỏa thuận tạm thời vào năm 2018 về việc bổ nhiệm giám mục, đã được gia hạn hai lần và dự kiến sẽ sớm được gia hạn thêm một lần nữa.

Trước thỏa thuận năm 2018, các giám mục từ Trung Quốc đại lục không thể đến Rôma để tham dự các sự kiện do Vatican tổ chức.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát đã chỉ trích Vatican vì không nêu bật cuộc đàn áp đang diễn ra đối với người Công Giáo và những tín hữu tôn giáo khác ở quốc gia chính thức theo chủ nghĩa vô thần này.

Trích dẫn bài viết của Shea, Alton cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bắt mười giám mục “bị giam giữ vô thời hạn mà không qua xét xử hợp pháp, mất tích, bị cảnh sát an ninh điều tra không giới hạn, bị trục xuất khỏi giáo phận của các ngài hoặc chịu những trở ngại khác đối với chức vụ giám mục của các vị bao gồm đe dọa, giám sát, thẩm vấn và cái gọi là cải tạo”.

Những vị này là Giám mục Vinh Sơn Quách Hy Cẩm (Guo Xijin - 郭希錦), Giám mục Augustinô Thôi Thái (Cui Tai - 崔泰), Giám mục Giả Chí Quốc (Julius Jia Zhiguo, 賈志國) Giám mục Tađêô Mã Đại Thanh (Ma Daqin, 马达钦), Giám mục Phêrô Thiệu Chúc Mẫn (Shao Zhumin, 邵竹民), Giám mục Mêchiô Thạch Hồng Trinh (Shi Hongzhen,

石鴻禎), Giám mục Giacôbê Tô Chí Dân (Su Zhimin 蘇志民), Giám mục Giuse Hình Văn Chi (Xing Wenzhi, 邢文之), Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân (Zen Ze-kiun, 陈日君) và Giám mục Giuse Trương Vĩ Trụ (Zhang Weizhu, 张伟柱).

Trong bài viết của mình, Shea cho biết kể từ chính sách Hán hóa năm 2015, “Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc đã chứng kiến sự đàn áp lớn nhất kể từ thời Mao Trạch Đông”.

“Thỏa thuận Trung Quốc-Vatican không có sự dàn xếp nào cho những người phản đối vì lý do lương tâm đối với Hội Công Giáo Yêu Nước, gọi tắt là CPCA, những người thường được gọi là giáo hội ngầm. Thỏa thuận cũng không đề cập đến việc đàn áp tôn giáo. Vatican tuyên bố rằng hiệp ước, nội dung của nó là bí mật, chỉ tập trung hẹp vào một thỏa thuận chia sẻ quyền lực cho các cuộc bổ nhiệm giám mục. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã sử dụng nó để gây áp lực buộc các giám mục Công Giáo tham gia CPCA,” Shea viết.

Bà chỉ ra rằng Bắc Kinh đã đơn phương công bố một số cuộc bổ nhiệm, rõ ràng là vi phạm thỏa thuận Trung Quốc-Vatican.

“ Vì lợi ích của 'sự thống nhất' của Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận các cuộc bổ nhiệm này sau đó. Nhưng cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với 10 giám mục trong báo cáo này là mối đe dọa thực sự đối với sự thống nhất của Giáo Hội Công Giáo”, Shea nói thêm.

Alton cũng gửi cho những người theo dõi mình một bản sao bài viết của George Weigel ngày 17 tháng 10 trên tờ Wall Street Journal về đại diện của Trung Quốc tại Thượng hội đồng.

Weigel cho biết có “một nỗ lực tàn bạo” nhằm áp đặt “Hán hóa” các cộng đồng tôn giáo, đưa họ vào sự phù hợp với “Tư tưởng Tập Cận Bình” - ám chỉ chủ tịch Trung Quốc.

“Chế độ Trung Quốc đã bổ nhiệm Giám mục Chiêm Tư Lộc vào giáo phận Mân Đông vào năm 2000. Giám mục này đã bị vạ tuyệt thông vì chấp nhận việc tấn phong giám mục mà không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng, là một tội nghiêm trọng trong Giáo Hội. Sau đó, ông đã được hòa giải với Giáo Hội vào năm 2018. Tuy nhiên, một năm sau đó đã công khai tuyên thệ “sẽ quyết tâm thực hiện việc Hán hóa tôn giáo” và “tiếp tục theo đuổi con đường phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa”, Weigel viết về một trong những người tham dự Thượng hội đồng.

Ông cũng chỉ ra rằng đại diện khác từ Trung Quốc là phó chủ tịch Hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc.

Weigel viết: “Giám mục Dương Vĩnh Cường là phó chủ tịch của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, một công cụ của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản, được thành lập năm 1957 để chia rẽ Giáo Hội Công Giáo. Vatican chưa bao giờ công nhận nhóm này là một cơ quan Công Giáo hợp pháp. Trong một lá thư gửi cho người Công Giáo Trung Quốc năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 cho biết mục đích của nhóm này ‘không phù hợp với giáo lý Công Giáo’. Vị trí của Giám mục Dương trong Hiệp hội Công Giáo Yêu nước càng làm sâu sắc thêm hố sâu ngăn cách giữa Giáo Hội do chế độ kiểm soát ở Trung Quốc và Giáo Hội thầm lặng đang bị bao vây, vốn vẫn trung thành với Rôma ngay cả khi các giáo sĩ và giáo dân của họ bị bỏ tù hoặc bị tử đạo”.

Tác giả người Mỹ – người viết tiểu sử của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II – cho biết sự tương tác giữa Vatican với Trung Quốc là “một thất bại hoàn toàn”.

Weigel cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô dường như đã đồng ý với thỏa thuận mới “vì các nhà ngoại giao của ngài đã thuyết phục ngài rằng việc ký kết thỏa thuận đó—và sau đó chào đón những người như Giám mục Chiêm và Dương vào nhóm Thượng hội đồng—là một bước tiến tới quan hệ ngoại giao toàn diện” giữa Vatican, nơi hiện đang có quan hệ với Đài Loan.

“Trong khi đó, việc theo đuổi ảo tưởng ngoại giao này đã làm im tiếng nói của Vatican thay mặt cho tất cả các tín hữu bị đàn áp ở Trung Quốc,” ông viết.

“Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài 'hài lòng với cuộc đối thoại', kết quả của cuộc đối thoại là 'tốt'. Trên thực tế, đó là một sự ô nhục”, Weigel nói.


Source:Crux