Có nên cung cấp vũ khí cho Ukraine hay không? Ý kiến của Thủ tướng Scholz, và Tiến sĩ George Weigel

Tin thế giới

Tin thế giới

Đức Thánh Cha nhận định rằng: “Rất tiếc là trong những năm qua, người ta không xây dựng trên niềm hy vọng mới ấy, nhưng trên những lợi lộc riêng, và trên sự nghi kỵ đối với người khác. Và thế là, thay vì phá đổ các bức tường, người ta dựng lên bao nhiêu bức tường khác.
1. Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi cuộc gặp gỡ cầu nguyện hòa bình tại Berlin

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi tín hữu và những người thiện chí đừng cam chịu chiến tranh, nhưng hãy dám táo bạo, can đảm dấn thân cho hòa bình.



Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây, trong sứ điệp gửi các tham dự viên cuộc gặp gỡ quốc tế cầu nguyện cho hòa bình, do Cộng đồng thánh Egidio tổ chức, từ ngày 10 đến chiều ngày 12 tháng Chín vừa qua, tại Berlin, thủ đô Đức, với sự tham dự của các vị lãnh đạo tôn giáo, nhiều nhân vật chính trị và xã hội. Hàng ngàn người đã có mặt tại buổi kết thúc, diễn ra tại Cổng Brandenburg, nơi đánh dấu sự sụp đổ của Bức tường Berlin, mở ra những viễn tượng mới: tự do cho các dân tộc, đoàn tụ các gia đình, hy vọng một nền hòa bình mới cho xã hội sau chiến tranh lạnh.

Đức Thánh Cha nhận định rằng: “Rất tiếc là trong những năm qua, người ta không xây dựng trên niềm hy vọng mới ấy, nhưng trên những lợi lộc riêng, và trên sự nghi kỵ đối với người khác. Và thế là, thay vì phá đổ các bức tường, người ta dựng lên bao nhiêu bức tường khác. Từ bức tường tới chiến hào, thật là ngắn ngủi. Ngày nay, chiến tranh vẫn còn tàn phá tại quá nhiều nơi trên thế giới và tại Âu châu là nơi đất nước Ukraine, một cuộc xung đột kinh khủng, không có dấu hiệu kết thúc, với chết chóc, người bị thương, đau thương, tản cư và tàn phá.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Đứng trước tình trạng đó, ta không thể cam chịu. Cần một cái gì hơn nữa, cần thái độ can đảm, táo bạo hòa bình. Đó cũng là trọng tâm cuộc gặp gỡ của anh chị em. Óc thực tiễn vẫn không đủ, những cứu xét chính trị, những khía cạnh chiến lược hiện nay không đủ, cần cái gì hơn nữa, vì chiến tranh đang tiếp diễn, cần can đảm dấn thân cho hòa bình, cần thay đổi, mặc dù có những chướng ngại và khó khăn khách quan.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Sự táo bạo hòa bình đặt câu hỏi cách riêng cho các tín hữu, nơi họ, sự táo bạo ấy biến thành kinh nguyện, để khẩn cầu Trời Cao điều mà dường như không thể đạt được trên trái đất. Sự kiên trì cầu nguyện là hình thức đầu tiên của sự táo bạo... Chúng ta đừng sợ trở thành những người đầu tiên ăn xin hòa bình, hiệp với các anh chị em thuộc các tôn giáo khác và tất cả những người không cam chịu sự không thể tránh được của các cuộc xung đột. Tôi hiệp với anh chị em trong việc cầu nguyện cho sự chấm dứt các chiến tranh và chân thành cám ơn anh chị em vì những gì anh chị em đang làm”.

Và Đức Thánh Cha kết luận:”Cần tiến bước để vượt qua bức tường bất khả, được dựng lên trên những lý lẽ có vẻ không thể phi bác được, trên ký ức bao nhiêu đau khổ quá khứ và những vết thương sâu đậm đã phải chịu. Đó thực là điều khó khăn, nhưng không phải là không thể. Không gì là bất khả đối với các tín hữu, đang sống sự táo bạo của kinh nguyện hy vọng. Và đó cũng không được trở thành điều bất khả đối với các nhà chính trị, đối với các vị hữu trách và các nhà ngoại giao. Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình, không mệt mỏi, tiếp tục gõ cửa, với tinh thần khiêm tốn và kiên trì, gõ cánh cửa luôn mở rộng của con tim Thiên Chúa và những cánh cửa của con người. Chúng ta hãy cầu xin cho những con đường được mở ra, nhất là cho Ukraine yêu quý đang chịu đau thương”.

2. Thủ tướng Scholz nói tại cuộc họp của Cộng Đồng Sant'Egidio ở Berlin “vì hòa bình công chính cho Ukraine mà cung cấp vũ khí”

“Đức ngày nay là một quốc gia dang rộng bàn tay với niềm tin sâu sắc nhất đối với những ai mạnh dạn tìm kiếm hòa bình”. Điều này đã được Thủ tướng liên bang Đức, Olaf Scholz nói hôm 12 Tháng Chín tại diễn đàn “Sự táo bạo của hòa bình”, cùng với chủ tịch Sant'Egidio Marco Impagliazzo, vào ngày cuối cùng của cuộc họp quốc tế do Sant'Egidio thúc đẩy ở Berlin.

“Ngày nay, có lẽ không ai ở Âu Châu mong muốn hòa bình nhiều như người Ukraine – ông nhấn mạnh. Mỗi ngày, họ bảo vệ tự do, quê hương, mạng sống của mình trước sự say sưa quyền lực mù quáng và đế quốc của những kẻ thống trị Điện Cẩm Linh.” Theo Scholz, “kế hoạch hòa bình mà Tổng thống Zelenskiy đang thúc đẩy trên toàn thế giới thể hiện rõ ràng niềm khao khát hòa bình này”. Đồng thời, “chúng ta phải đề phòng các giải pháp giả mạo chỉ có từ ‘hòa bình’ trong tên của chúng.”

Hoà bình mà không có tự do thì gọi là áp bức – ông nói tiếp. Hòa bình không có công lý được gọi là độc tài.

Vì lý do này, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ lời kêu gọi của Ukraine về một nền hòa bình công bằng, tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Điều đó tôn trọng các nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ và độc lập.” “Đây là lý do tại sao chúng tôi hỗ trợ những người đàn ông và phụ nữ Ukraine bảo vệ quê hương của họ. Chúng tôi cũng làm điều đó bằng cách cung cấp vũ khí cho họ.”

“Quyết định này không hề dễ dàng đối với chúng tôi – và chúng tôi không xem nhẹ nó – Thủ tướng Đức nói thêm -. Chính vì chúng tôi biết tác động của vũ khí mà chúng tôi cung cấp nên chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ và liên tục kiểm tra rất cẩn thận những gì cần thiết và những ai phải chịu trách nhiệm trong tình hình hiện tại.”

Theo Olaf Scholz, “luật pháp phải khắc phục bạo lực chứ không phải ngược lại. Bất kỳ quan điểm nào khác sẽ dẫn đến sự công nhận quy luật của kẻ mạnh nhất.” Và “chúng tôi đã biết rất rõ con đường này dẫn đến đâu qua nhiều thế kỷ bị khai thác thuộc địa và tàn phá do chiến tranh”.

“Đối với tôi, điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine thực hiện quyền tự vệ của mình chừng nào còn cần thiết. Tôi cho rằng điều đó là cần thiết không chỉ từ quan điểm chính trị và chiến lược mà còn về mặt đạo đức hòa bình”. “Bởi vì việc bảo vệ sự tồn vong của mình trước kẻ xâm lược là điều kiện tiên quyết để một Ukraine độc lập và tự do tìm thấy hòa bình và để giới lãnh đạo Nga sẵn sàng đàm phán thực sự – Thủ tướng Đức nói thêm -. “Thực tế này phải là điểm khởi đầu cho việc tìm kiếm hòa bình của chúng ta.”

Gần đây, “với sự hỗ trợ của chúng tôi và của nhiều quốc gia thân thiện khác, Ukraine đã có thể ngồi vào bàn đàm phán với các quốc gia Á Châu, Phi Châu và Mỹ Latinh, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, Ả Rập Saudi và Brazil”. Scholz nhấn mạnh: “Chúng ta hiện đang cùng nhau phát triển các khía cạnh khác nhau của công thức hòa bình ở Ukraine và các nguyên tắc cho một giải pháp hòa bình”. “Điều đó không đơn giản, cũng như do những nhận thức khác nhau mà chúng ta có về thế giới về cuộc chiến ở Nga. Nó làm mất thời gian và công sức. Thời gian, đáng tiếc là chúng ta không có, vì Nga vẫn tiếp tục ném bom, tra tấn và giết hại ở Ukraine trong thời gian này.”

Scholz kết luận: “Nhưng cho dù thời gian có cấp bách đến đâu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đúng khi mô tả công việc vì hòa bình là ‘công việc của những nghệ nhân kiên nhẫn’. Đó là một mô tả thực sự phù hợp.”

Cuối bài phát biểu của mình, Thủ tướng Scholz đã trả lời các câu hỏi của một số người tham gia diễn đàn diễn ra tại trụ sở Axica ở Pariser Platz, trước Cổng Brandenburg.

Lập trường của Thủ tướng Scholz mâu thuẫn gay gắt với lập trường của nhà sử học Andrea Riccardi, là người sáng lập Cộng đồng Sant'Egidio.

Trong một cuốn sách gần đây có nhan đề “Tiếng kêu của hòa bình” và trong sự kiện ra mắt cuốn sách này ngày 4 tháng 7, ông và các diễn giả khác đã hô hào việc chấm dứt tức khắc các viện trợ vũ khí cho Ukraine và lên án”chủ nghĩa dân tộc” dưới bất kỳ hình thức nào và tuyên bố những khái niệm như bản sắc dân tộc và biên giới là có thể thay thế được. Nói về bản sắc dân tộc và biên giới được họ mô tả là một sự khiêu khích đối với những người hàng xóm. Các diễn giả nói rằng chiến tranh luôn là sự tàn sát vô nghĩa và không bao giờ dẫn đến giải pháp. Nhưng không có sự lên án đạo đức nào đối với cuộc tấn công vô cớ của Nga vào Ukraine cũng như những hành động chiến tranh tàn bạo của nước này trong những tháng sau đó. Không ai nói bất cứ điều gì về nghĩa vụ đạo đức chính đáng của một quốc gia phải bảo vệ công dân của mình chống lại một kẻ xâm lược nguy hiểm.

Scholz, “just peace for Ukraine, that's why we supply weapons”. The chancellor at the Sant'Egidio meeting in Berlin

https://www.tracieloeterra.blog/europa/scholz-pace-giusta-per-lucraina-per-questo-forniamo-armi-il-cancelliere-allincontro-di-santegidio-a-berlino/