Hướng dẫn thực hành để nhận được Ơn Toàn Xá trong tháng 11. Có những kẻ thích làm đầy tớ của Satan

Tin Giáo Hội

Tin Giáo Hội

Đầu tiên, Tòa Ân Giải Tối Cao nhắc lại các điều kiện luật định để được ơn toàn xá là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi. Bước đầu tiên, và quan trọng nhất, là quý vị và anh chị em phải dốc lòng từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi. Ngay khi có thể, xin đi xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha.
1. Hướng dẫn thực hành để nhận Ơn Toàn Xá nhường cho các linh hồn trong tháng 11

Trong tháng 11, Giáo Hội rộng ban các Ơn Toàn Xá cho chúng ta để nhường cho các linh hồn. Đây là thời thuận tiện để chúng ta giúp các bậc cha mẹ, ông bà, thân bằng quyến thuộc đã ra đi trước chúng ta. Xin anh chị em bớt chút thời gian làm các việc đạo đức sau để nhận được Ơn Toàn Xá nhường cho các linh hồn, theo chỉ dẫn của Tòa Ân Giải Tối Cao.



Đầu tiên, Tòa Ân Giải Tối Cao nhắc lại các điều kiện luật định để được ơn toàn xá là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi. Bước đầu tiên, và quan trọng nhất, là quý vị và anh chị em phải dốc lòng từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi. Ngay khi có thể, xin đi xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha.

Bước thứ hai, là anh chị em làm một trong các phương cách sau:

Cách thứ nhất:

Sách Cẩm nang Ơn Xá quy định anh chị em viếng nghĩa trang từ ngày 1 đến ngày 8 tháng 11. Tuy nhiên, ở một số địa phương có thể có những quy định tránh tập trung đông người, trong các trường hợp như thế, Tòa Ân Giải Tối Cao cho phép viếng nghĩa trang trong suốt tháng 11.

Cách thứ hai:

Viếng nhà thờ, hay nhà nguyện cũng được trong ngày lễ các linh hồn, hay trong ngày lễ các Thánh, hay trong Chúa Nhật 3 tháng 11, và đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin Kính. Nếu vì những ngăn trở chính đáng không thể viếng nhà thờ hay nhà nguyện trong 3 ngày nêu trên thì có thể viếng bất cứ ngày nào trong tháng 11.

Cách thứ ba:

Những người già, người bệnh và tất cả những người vì lý do nghiêm trọng không thể rời khỏi nhà mình, hay do những hạn chế được áp đặt bởi các cơ quan có thẩm quyền nhằm tránh việc tụ tập đông đảo các tín hữu ở những nơi linh thiêng, anh chị em vẫn nhận được Ơn Toàn Xá nếu hiệp nhất về mặt tinh thần với tất cả các tín hữu khác. Cụ thể, anh chị em cầu nguyện trước tượng ảnh Chúa Giêsu, Đức Trinh Nữ Maria, đọc những kinh nguyện sốt sắng dành cho người chết, ví dụ như Kinh Sáng và Kinh Chiều từ Sách Thần Vụ dành cho người quá cố, hay lần Chuỗi Mân Côi, hay đọc Kinh Lòng Chúa Thương Xót, hay những kinh nguyện khác cho những người đã qua đời, hay dành thời gian để suy gẫm một trong những đoạn Phúc âm được đề nghị trong Phụng vụ dành Người Quá Cố, hoặc thực hiện công việc của lòng thương xót, dâng lên Chúa những nỗi đau và những khó khăn của cuộc đời mình.

2. Tại sao chúng ta sợ chết, phân tích của Đức Bênêđíctô thứ 16

Nhân tháng các linh hồn, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em một phân tích rất sâu sắc của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nhân ngày lễ các đẳng linh hồn 2 tháng 11, 2011.

Trong bài huấn dụ tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục, ngài đã gợi lên vài tư tưởng liên quan tới cái chết và cuộc sống mai sau. Ngài phân tích những lý do chúng ta sợ chết và nhấn mạnh rằng đối với các tín hữu Kitô cái chết phải được soi sáng bởi sự phục sinh của Chúa Kitô, và ngày lễ kính các đẳng linh hồn phải là dịp để họ canh tân niềm tin nơi cuộc sống vĩnh cửu.

Đức Bênêđíctô thứ 16 nói:

Trong thế giới bị tục hóa của chúng ta, đức tin dường như khó lý giải được. Chúng ta đối diện với một chủ nghĩa vô thần “thực tiễn”. Đó là một xu hướng nghĩ và sống như thể Thiên Chúa không hề hiện hữu. Tuy nhiên, một khi chúng ta loại bỏ Thiên Chúa khỏi cuộc sống của mình, chúng ta bị giản lược lại vì nhân phẩm cao nhất của chúng ta hệ tại nơi việc được tạo thành bởi Thiên Chúa và được mời gọi sống hiệp thông với Ngài.

Trong tư cách là các tín hữu, chúng ta cần trao ra các lý do thật thuyết phục cho đức tin và niềm hy vọng của chúng ta. Chúng ta có thể tìm thấy những lý do như thế trong chính trật tự và vẻ đẹp của tự nhiên, là điều nói lên Đấng Tạo Hóa của nó; và trong lòng khao khát sự hiện diện đời đời, là điều chỉ tìm được sự thỏa mãn trong Chúa mà thôi; cũng như trong đức tin là điều soi sáng và chuyển hóa cuộc sống chúng ta qua sự kết hiệp hàng ngày với Thiên Chúa.

Ngài nói tiếp rằng:

Cái chết thường là một đề tài cấm kỵ trong xã hội của chúng ta, và người ta thường liên tục cố ý lấy khỏi tâm trí chúng ta ý tưởng về cái chết. Nhưng, cái chết liên quan tới từng người trong chúng ta, liên quan tới con người thuộc mọi thời đại và mọi nơi chốn. Chính trước mầu nhiệm ấy chúng ta tất cả tìm kiếm một cái gì đó mời gọi chúng ta hy vọng, cả khi một cách vô thức, một dấu hiệu trao ban ủi an cho chúng ta, mở ra mở một chân trời nào đó, cống hiến một tương lai nào đó. Thật ra, con đường của cái chết là một con đường của niềm hy vọng, và bước đi trong các nghĩa trang cũng như đọc những gì viết trên các nấm mồ là bước đi trên một con đường được ghi dấu bởi niềm hy vọng của sự vĩnh cửu. Thế nhưng tại sao chúng ta lại cảm thấy sợ hãi trước cái chết?

Có nhiều câu trả lời: chúng ta sợ hãi trước cái chết, bởi vì chúng ta sợ hãi sự hư vô, sợ hãi cuộc ra đi về một cái gì mà chúng ta không hiểu và không quen hiết. Và khi đó trong chúng ta có ý thức khước từ, bởi vì chúng ta không thể chấp nhận rằng những gì là xinh đẹp và cao cả đã được thực hiện trong toàn cuộc sống bất thình lình bị xóa bỏ và rơi vào vực thẳm hư không. Nhất là chúng ta cảm thấy rằng tình yêu nhắc tới và đòi hỏi sự vĩnh cửu, và chúng ta không thể chấp nhận rằng nó bị hủy diệt bởi cái chết trong một chốc lát.

Ngày nay bề ngoài, xem ra thế giới đã trở thành lý sự hơn, hay đúng hơn có khuynh hướng phổ biến cho rằng mọi thực tại đều phải được soi sáng dưới các tiêu chuẩn của khoa học thực nghiệm; và kể cả cái chết cũng phải được soi sáng không phải bằng đức tin nhưng từ các hiểu biết thực nghiệm.

Anh chị thân mến, lễ Các Thánh và lễ Tưởng niệm mọi tín hữu đã qua đời nói với chúng ta rằng chỉ có những ai thừa nhận một niềm hy vọng lớn lao trong cái chết, mới có thể sống một cuộc sống bắt đầu bằng sự hy vọng. Nếu chúng ta chỉ giản lược con người vào chiều kích hàng ngang, vào điều chúng ta có thể trực giác được một cách cảm nghiệm, thì chính cuộc sống sẽ mất đi ý nghĩa sâu xa của nó. Con người cần sự vĩnh cửu, và mỗi một niềm hy vọng khác đối với nó đều qúa ngắn ngủi, đều qúa hạn hẹp... Chỉ có thể giải thích được con người, nếu có một Tình Yêu vượt ngoài mọi sự cô đơn, kể cả sự cô đơn của cái chết, trong một sự toàn vẹn vượt ngoài không gian và thời gian. Con người chỉ có thể giải thích được và tìm thấy ý nghĩa sâu thẳm của nó, nếu có Thiên Chúa. Và chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã ra khỏi sự xa cách của Người để đến gần chúng ta; Người đã bước vào cuộc sống chúng ta và nói với chúng ta rằng: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin nơi Ta cả khi chết cũng sẽ sống; ai sống và tin nơi Ta sẽ không phải chết đời đời” (Ga 11,25-26).

Chúng ta hãy nghĩ tới cảnh trên Núi Sọ và nghe lại các lời Chúa Giêsu, từ trên Thập Giá, nói với người tội phạm bị đóng đanh bên phải Người: “Tôi bảo thật anh: hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43). Chúng ta hãy nghĩ tới các môn đệ trên đường về làng Emmaus, sau khi đi một đoạn đường dài với Chúa Giêsu phục sinh, họ nhận ra Người và mau mắn trở về Giêrusalem để loan báo sự Phục Sinh của Chúa (x. Lc 24,13-35). Trong tâm trí họ vang vọng rõ ràng lời của Thầy: “Các con đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ; nếu không Thầy đã không bao giờ nói với các con: “Thầy đi dọn chỗ cho các con” (Ga 14,1-2).

Thiên Chúa đã thực sự tỏ hiện ra và có thể đạt tới được; Người đã yêu thương thế gian “đến độ ban Con Một mình, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Và trong cử chỉ tuyệt đỉnh của tình yêu của Thập Giá, bằng cách dìm mình trong vực thẳm của sự chết, Người đã thắng cái chết và sống lại Người cũng đã mở cho chúng ta cánh cửa của sự vĩnh cửu. Chúa Kitô nâng đỡ chúng ta vượt qua đêm đen của cái chết mà chính Người đã đi qua; Người là Mục Tử, và chúng ta có thể tin cậy nơi sự dẫn dắt của Người mà không sợ hãi, bởi vì Người biết rõ đường đi, cả khi có phải qua tăm tối.

Mỗi Chúa Nhật khi đọc kinh Tin Kính, chúng ta tái khẳng định chân lý này. Và khi đến thăm các nghĩa trang để cầu nguyện cho những người đã chết với lòng yêu thương trìu mến, một lần nữa chúng ta được mời gọi can đảm mạnh mẽ canh tân niềm tin của chúng ta nơi cuộc sống vĩnh cửu, còn hơn thế nữa chúng ta được mời gọi sống với niềm hy vọng cao cả và làm chứng cho niềm hy vọng đó trước thế giới: đàng sau hiện tại không có sự hư vô. Và chính niềm tin nơi cuộc sống vĩnh cửu trao ban cho kitô hữu sự can đảm yêu thương trái đất này một cách mạnh mẽ hơn nữa, và làm việc để xây dựng một tương lai, và trao ban cho trái đất một niềm hy vọng chắc chắn, đích thật.

3. Có những kẻ thích làm đầy tớ của Satan

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #141: Servants of Satan”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 141. Những đầy tớ của Satan”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Tôi luôn ngạc nhiên khi gặp những người sẵn sàng hiến thân phục vụ cho Satan. Có những người đấu tranh chống lại các chước cám dỗ nhưng chẳng may sa vào vòng xoáy tội lỗi của Satan. Nhưng cũng có những kẻ sẵn sàng đi theo nó. Đó là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Cha của những lời dối trá không mong gì hơn khi gặp những kẻ sẵn sàng đi theo nó. Satan do lòng kiêu ngạo, đã tìm cách trở thành thượng đế và muốn mọi người phục vụ mình. Vì vậy, nó đã cám dỗ Chúa Giêsu rằng: “Tất cả các nước trên thế gian này, Ta sẽ ban cho ngươi, nếu ngươi chịu sấp mình thờ lạy Ta” (Mt 4: 9).

Trong vài tuần qua, chúng tôi đã trực tiếp đụng độ với một nhóm theo giáo phái Satan. * Họ đã chiêu mộ tín đồ bằng cách đe dọa và ép buộc. Họ đã hung hăng chửi bới và thao túng các phụ nữ trẻ. Chúng tôi đã hỗ trợ một người đang dũng cảm kháng cự. Một số kẻ theo giáo phái Satan đã bị bắt, nhưng còn nhiều kẻ vẫn đang nhởn nhơ bên ngoài.

Điều đặc biệt đáng lo ngại là có thể xác nhận một cách rõ rệt sự hợp tác của các thành viên giáo phái này với Satan. Họ có các kiến thức huyền bí liên quan đến mục tiêu của họ do ma quỷ cung cấp, và họ sử dụng nó để quấy rối và thao túng mọi người. Rõ ràng rằng hành động của họ cuối cùng là do những con quỷ cấp cao chỉ đạo, những hình xăm và hình ảnh được hiển thị nổi bật trên cơ thể và nơi ở của họ chứng minh cho nhận định này.

Một trong những thành viên giáo phái bị bắt đã tuyên bố đang nhận được “ân huệ tình dục” từ một gái mại dâm đã sa xuống địa ngục. Thực ra, điều này không phải là không thể. Mặc dù ma quỷ không có cơ thể và không thể quan hệ tình dục thể xác với con người, nhưng chúng có thể thao túng tâm trí con người và kích thích tình dục (xem Nhật ký # 127).

Thứ hai, chúng tôi đã gặp những phù thủy cũng có kiến thức huyền bí, những lời nguyền rủa và hành hạ con người. Họ cũng liên minh với Satan. Họ nhận được kiến thức huyền bí từ những con quỷ chỉ đạo hành động phù thủy, và làm cho lời nguyền của họ trở nên mạnh mẽ.

Thứ ba, nhóm của chúng tôi đã chạm trán với hai tay sai của Satan, không hề quen biết nhau, chúng đã đi riêng rẽ từ các tiểu bang khác để nhắm vào một cá nhân cụ thể trong khu vực của chúng tôi. Rõ ràng là họ đang thực hiện một nhiệm vụ cụ thể từ Satan và sử dụng kiến thức huyền bí của mình để tìm và quấy rối một người thánh thiện, người có năng lực làm thất bại kế hoạch của Satan. Nói về cô ấy, một trong những con quỷ đã thốt lên, “Cô ấy đang làm hỏng những nỗ lực của chúng tôi!”

Trong mỗi trường hợp này, Satan có những mục tiêu cụ thể trong tâm trí. Nó chỉ đạo các tay sai của mình thực hiện ý muốn của mình và tiếp sức cho những hành động xấu xa của chúng nhờ sự giúp đỡ của những con quỷ nhỏ hơn. Cho đến nay, các nỗ lực này của những người phục vụ Satan đều vô ích. Những cá nhân bị tấn công đã thành công đến với Chúa thật sự để được giúp đỡ. Satan cám dỗ và quấy rối, nhưng Chúa Giêsu đã cứu họ.

Nhưng tôi tớ của Satan là gì? Liệu Vua Địa Ngục có biết ơn và ban thưởng cho họ không? Satan là một kẻ rất tự ái. Nó chỉ làm những gì phục vụ cho nó; không có lòng biết ơn. Nó còn là một kẻ tàn bạo có được khoái cảm từ việc thống trị, chiếm hữu và hành hạ. Những ai phục vụ Satan trên trái đất này có thể được hứa ban cho phần thưởng lớn, nhưng cuối cùng, tất cả những gì nó có thể cung cấp cho họ là đau đớn, dằn vặt và tuyệt vọng. Satan không có gì khác để cho.

Một số tỏ ra nghi ngờ trước những tiết lộ này về tay sai của Satan. Tôi chỉ có thể nói rằng đây là những kinh nghiệm trực tiếp của chúng tôi. Một người từng bị phù thủy nguyền rủa đã nói với tôi, “Tôi sẽ không bao giờ tin điều đó cho đến khi chính tôi trải nghiệm nó.” Gia đình của các thành viên trong giáo phái Satan cũng bị choáng váng trước sự hợp tác có tổ chức giữa ma quỷ và tay sai của Satan trong việc tấn công họ.

Cá nhân tôi, tôi thất vọng khi gặp phải những người sẵn sàng phục tùng mình cho Hoàng tử bóng tối. Sao họ có thể mù quáng như vậy? Đối với những người phục vụ Satan, bất chấp những lời hứa ngược lại, họ sẽ không bao giờ có một kết thúc tốt đẹp.

*Đáng buồn thay, giáo phái Satan này nằm trong quân đội. Tôi được biết rằng giáo phái Satan là một giáo phái được công nhận trong quân đội Hoa Kỳ. Tôi không nghĩ những Người sáng lập ra Quốc gia của chúng ta lại có suy nghĩ như vậy khi họ đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo.

Source:Catholic Exorcism Exorcist Diary #141: Servants of Satan

https://www.catholicexorcism.org/post/exorcist-diary-141-servants-of-satan