Nga pháo kích vào trung tâm Caritas Kherson. Tư Pháp Quốc Tế: Tội ác chiến tranh Nga cao như núi

Tin thế giới

Tin thế giới

Theo báo cáo của Caritas Ukraine, hôm thứ Sáu 18 tháng 11, nhóm cứu trợ của Caritas đã đáp chuyến xe lửa đầu tiên rời thủ đô Kyiv của Ukraine để đến thành phố Kherson mới được tái chiếm.
1. Đức Giám Mục Subianto Bunjamin được bầu làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Indonesia

Đức Cha Antonius Subianto Bunjamin. Giám Mục Địa phận Bandung đã được bầu làm chủ tịch mới của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Indonesia, gọi tắt là KWI. Đức Giám Mục Paskalis Bruno Syukur Địa phận Bogor trở thành tân Tổng thư ký.

Cuộc bầu cử hôm thứ Sáu đánh dấu thời điểm đổi mới của Giáo Hội Công Giáo ở Indonesia. Trên thực tế, vào đầu tháng này, trong lễ tấn phong cho Đức Cha Valentinus Saeng với tư cách là tân giám mục của Sanggau, vị Chủ tịch sắp mãn nhiệm của KWI, là Đức Hồng Y Ignatius Suharyo, nói rằng ngài mong đợi “các giám mục hàng đầu sẽ trao quyền cho những người trẻ hơn, vì hầu hết chúng ta hiện nay trên 70.”

Đức Tổng Giám Mục Bunjamin năm nay 54 tuổi. Sau khi theo học tại tiểu chủng viện ở Mertoyudan, ngài lấy bằng tiến sĩ thần học và phục vụ với tư cách là tu sĩ Dòng Thánh Giá trước khi trở thành giám mục của Bandung.

Đức Tổng Giám Mục Syukur, 60 tuổi, đứng đầu Dòng Anh em Hèn mọn ở Indonesia, ngài cũng từng làm việc tại văn phòng trung ương của Dòng Anh em Hèn mọn ở Rôma.

Cả hai vị giám chức đều đến từ Tây Java.

Đức Tổng Giám Mục Bunjamin là tổng thư ký của KWI trong tám năm qua. Trong thời gian này, ngài đã thể hiện khả năng giải quyết ngay cả những tình huống khó khăn nhất đối với Giáo hội địa phương, bao gồm cả việc hai giám mục từ chức, liên quan đến nhiều vụ tai tiếng khác nhau.

Lần thứ hai trong lịch sử của Giáo Hội Công Giáo Indonesia, cuộc họp thường niên của KWI được tổ chức tại Hội trường Hội nghị Bumi Silih Asih, thuộc sở hữu của Giáo phận Bandung, vì trụ sở chính ở Menteng, trung tâm Jakarta, vẫn đang được xây dựng.

Cuộc họp sẽ kết thúc bằng một Thánh lễ để tất cả các giám mục có cơ hội gặp gỡ cộng đồng địa phương.
Source:Asia News

2. Nga pháo kích vào trung tâm Caritas Ukraine ở Kherson, 5 người bị thương

Theo báo cáo của Caritas Ukraine, hôm thứ Sáu 18 tháng 11, nhóm cứu trợ của Caritas đã đáp chuyến xe lửa đầu tiên rời thủ đô Kyiv của Ukraine để đến thành phố Kherson mới được tái chiếm.

Chẳng may, khi cư dân Kherson đang nhận các phẩm vật cứu trợ tại thị trấn Bilozerka trong vùng Kherson, người Nga đã pháo kích vào địa điểm này, khiến 5 người bị thương.

Không có ai trong các nhân viên của Caritas Ukraine bị thương tích.

Tưởng cũng nên nhắc lại, hôm 15 tháng Ba, bảy người tại một trung tâm Caritas ở thành phố Mariupol bị bao vây của Ukraine, đã thiệt mạng khi xe tăng của quân Nga bắn thẳng vào trụ sở của Caritas Mariupol giết chết hai nhân viên và năm thành viên gia đình của họ đang tìm kiếm nơi ẩn náu trong tòa nhà.

Tetiana Stawnychy, chủ tịch Caritas Ukraine, cho biết: “Chúng tôi cần sự đoàn kết và lời cầu nguyện của các bạn cho gia đình các nạn nhân, cho cộng đồng Caritas Mariupol và cộng đồng Caritas Ukraine.”

Aloysius John, tổng thư ký của Caritas Internationalis, bày tỏ sự thất vọng trước những cái chết.

Ông nói: “Tin tức bi thảm này khiến gia đình Caritas của chúng tôi vô cùng kinh hoàng và sốc. Chúng tôi đau buồn và hiệp nhất trong nỗi đau khổ của các gia đình và các đồng nghiệp Caritas Ukraine, những người đang phải sống trong một thảm kịch.”

3. Giám mục Hương Cảng nói rằng Luật An ninh Quốc gia phải xác định ranh giới rõ ràng

Đức Cha Stêphanô Châu Thủ Nhân (Stephen Chow, 周星馳) của Hương Cảng cho biết trong một cuộc phỏng vấn với một tạp chí của một trường đại học Dòng Tên địa phương mà ngài từng lãnh đạo trước đây, rằng luật an ninh quốc gia đã gieo rắc “sự nhầm lẫn về những gì có thể nói và những gì không thể nói”.

Được bổ nhiệm vào tháng 12 năm 2021 với tư cách là người đứng đầu Giáo phận có tầm vóc chiến lược cao đối với Giáo Hội tại Trung Hoa, ngài giải thích rằng bản chất không rõ ràng của luật an ninh được thông qua vào năm 2020, đặc biệt là việc thiếu “lằn ranh đỏ” về những gì được và không được nói, đã ảnh hưởng xấu đến công việc của những người cố gắng chữa lành những vết thương trong xã hội Hương Cảng.

Nhắc lại việc Giáo hội đã không thụ động như thế nào trong các cuộc biểu tình năm 2019 khiến Bắc Kinh siết chặt hơn, ngài nhấn mạnh rằng bây giờ cần phải dành thời gian để lắng nghe các bên đối lập và phân định. Ngài nhấn mạnh: “Cuộc khủng hoảng lớn nhất của Hương Cảng hiện nay là các nhóm khác nhau chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng họ. Ngài giải thích rằng ngài hy vọng sẽ gặp Đặc Khu Trưởng của Hương Cảng, là Gioan Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu, 李家超), một người Công Giáo và là cựu sinh viên của trường đại học Dòng Tên mà ngài phụ trách. Cho đến nay, Lý Gia Siêu được tường trình là đang trong tiến trình kiếm điểm với Tập Cận Bình đã từ chối không gặp ngài.

Ngài cũng bình luận về việc gia hạn thỏa thuận vào tháng trước giữa Trung Quốc và Tòa thánh, bày tỏ hy vọng rằng việc nối lại quan hệ hữu nghị này sẽ cho phép ngài gặp gỡ các giám mục từ Đại lục, và nhấn mạnh rằng đây là mục tiêu của Đức Gioan Phaolô II. Đức Giám Mục cũng giải thích rằng ngài dự định thực hiện dự án vĩ đại của mình về một trường đại học Công Giáo ở Hương Cảng, mà ngài muốn đặt tên là Đại học Thánh Phanxicô.
Source:Aleteia