Hiện tượng lạ lại xuất hiện ở Ý. Thành phố thứ hai ở Mỹ công nhận các mối quan hệ đa phu, đa thê

Tin thế giới

Tin thế giới

Là quê hương của Đại học Harvard, Cambridge là thành phố thứ hai trong tiểu bang, sau thành phố lân cận Somerville, đã công nhận hợp pháp chế độ đa thê và đa phu.
1. Hiện tượng lạ lại xuất hiện ở Ý

Hình ảnh quay được cho thấy hai con cá heo ở kênh đào Giudecca gần Quảng trường Vương Cung Thánh Đường Thánh Máccô. Giudecca là một trong những con kênh chính chạy qua thành phố.

Các thành viên lực lượng tuần duyên và thuyền cảnh sát chở các chuyên gia về động vật hoang dã đã được nhìn thấy đang tìm kiếm những con cá heo gần lưu vực cạnh Quảng trường nhà thờ.

Vùng Veneto xung quanh Venice đã là ‘vùng đỏ’ trong tuần qua cùng với phần lớn nước Ý. Các hạn chế nghiêm ngặt sẽ được áp dụng cho đến ngày 6 tháng 4, sau Lễ Phục sinh.

Vùng nước thường đen ngòm của các con kênh chạy ngang dọc thành phố đã trở nên sạch hơn do lưu lượng tàu thuyền giảm. Có thể đây là lý do chính thu hút các con cá heo này, hơn là các đồn đoán mang nhiều tính chất giật gân trên báo chí Ý.
Source:Reuters

2. Thành phố thứ hai của Hoa Kỳ công nhận các mối quan hệ đa phu, đa thê

Thành phố Cambridge, Massachusetts đã xác định lại quan hệ đối tác trong gia đình để công nhận các mối quan hệ đa phu, đa thê.

Là quê hương của Đại học Harvard, Cambridge là thành phố thứ hai trong tiểu bang, sau thành phố lân cận Somerville, đã công nhận hợp pháp chế độ đa thê và đa phu.

Trong cuộc họp ngày 8 tháng 3, hội đồng thành phố Cambridge đã bỏ phiếu để xác định lại “quan hệ đối tác trong gia đình”, mà trước đây được định nghĩa là hai người một nam, một nữ chưa kết hôn sống cùng nhau.

Định nghĩa mới mở rộng định nghĩa cho “hai hoặc nhiều người không cùng huyết thống” có mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau, quan tâm và cam kết và có ý định duy trì mối quan hệ như vậy và coi mình là một gia đình”.

Hội đồng cũng loại bỏ yêu cầu rằng những người trong quan hệ đối tác trong gia đình phải sống cùng nhau, cũng như điều khoản rằng những người trong quan hệ đối tác trong gia đình phải nộp bằng chứng cho thành phố về mối quan hệ của họ như một gia đình.

Somerville, giáp với Cambridge, đã mở rộng định nghĩa về quan hệ đối tác trong nước để bao gồm các mối quan hệ đa phu và đa thê vào tháng 7 năm 2020, đây là thành phố đầu tiên tại Hoa Kỳ làm như vậy. Cả hai thành phố đều gần với Boston.

Các học giả Công Giáo, bao gồm Giáo sư Robert George của Đại học Princeton, đã nói trong những năm gần đây rằng việc xác định lại hôn nhân có thể dẫn đến sự sụp đổ của thuật ngữ này hoàn toàn, khi mọi người đặt câu hỏi tại sao hôn nhân lại phải đòi hỏi sự độc quyền, lâu dài và chung thủy về tình dục. George cũng lưu ý rằng trong một xã hội đã bác bỏ ý tưởng về sự bổ sung giới tính, người ta đánh mất đi cơ sở hợp lý để bác bỏ ý tưởng đa phu và đa thê.

Ryan Anderson, hiện là chủ tịch của Trung tâm Chính sách Công và Đạo đức, nói với CNA vào năm ngoái rằng ông không ngạc nhiên trước những nỗ lực mới nhất nhằm xác định lại hôn nhân bao gồm nhiều người.

“Dĩ nhiên là nó sẽ không bao giờ dừng lại với các cặp vợ chồng đồng tính. Một khi xác định lại hôn nhân để xóa bỏ thành phần nam - nữ thì còn nguyên tắc nào đòi hỏi một vợ một chồng nữa?”
Source:Catholic News Agency

3. Các giáo sư Đức chỉ trích Vatican dám nói ‘không’ đối với việc chúc lành cho các kết hiệp đồng tính

Một bản tuyên bố được cho là của hơn 200 giáo sư thần học trong thế giới nói tiếng Đức, được soạn thảo tại Đại học Münster, đã lên tiếng chê bai phúc đáp của Bộ Giáo lý Đức tin là “thiếu chiều sâu thần học, thiếu hiểu biết về khoa chú giải Kinh Thánh và chỉ giải thích một cách giáo điều.”

“Nếu phát hiện khoa học bị bỏ qua và không được ghi nhận, như trong trường hợp của tuyên bố này, Huấn Quyền làm suy yếu thẩm quyền của mình”, tuyên bố nói.

“Văn bản được đặc trưng bởi một cử chỉ cha chú, bề trên và phân biệt đối xử với những người đồng tính luyến ái và kế hoạch cuộc sống của họ”.

Tuyên bố này mang nặng tính chất hàm hồ. Nó không chỉ ra cụ thể thế nào là “thiếu chiều sâu thần học, thiếu hiểu biết về khoa chú giải Kinh Thánh và chỉ giải thích một cách giáo điều.”

Tưởng cũng nên nhắc lại, Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, đã ban hành một “Responsum ad dubium” nghiã là một bản “phúc đáp cho một vấn đề hồ nghi” vào ngày 15 tháng 3 để trả lời câu hỏi, “Giáo hội có quyền ban phép lành cho các kết hiệp đồng tính hay không?”. CDF đã trả lời, ‘Không’, kèm theo một bản giải thích lý do rất chi tiết với các luận điểm thần học và tín lý, và có cả một bài bình luận.

Phán quyết đã được Đức Thánh Cha Phanxicô chấp thuận và truyền công bố và được ký bởi Đức Hồng Y Tổng trưởng CDF Luis Ladaria và thư ký là Đức Tổng Giám Mục Giacomo Morandi.

Văn kiện đã gây ra phản ứng mạnh ở các nước nói tiếng Đức, nơi một số giám mục đã công khai lên tiếng ủng hộ việc ban phép lành cho các kết hiệp đồng tính. Tiêu biểu nhất là Giám mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức.

Chỉ vài giờ sau khi CDF đưa ra tuyên bố này, Giám mục Bätzing nói rằng câu trả lời của CDF đối với câu hỏi về khả năng ban phép lành cho các kết hiệp đồng giới phản ánh “tình trạng giáo huấn của Giáo hội như được thể hiện trong một số tài liệu của Giáo triều Rôma”, CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, báo cáo.

Ông nói tiếp: “Tại Đức và các nơi khác của Giáo hội trên toàn thế giới, đã có những cuộc thảo luận trong một thời gian về cách thức mà giáo huấn và việc phát triển giáo lý này nói chung có thể được nâng cao với những lập luận khả thi - trên cơ sở những chân lý căn bản của đức tin và luân lý, những suy tư thần học tiến bộ, và cũng là sự cởi mở với những kết quả gần đây hơn của khoa học nhân văn và hoàn cảnh sống của con người ngày nay. Không có câu trả lời dễ dàng cho những câu hỏi kiểu này”.

Một số linh mục Công Giáo cho biết trên mạng xã hội rằng họ sẽ tiếp tục ban phép lành cho các kết hiệp đồng tính luyến ái, trong khi một số nhà thờ Công Giáo đã treo cờ cầu vồng, bao gồm cả nhà thờ chính tòa của Giáo phận Rottenburg-Stuttgart.

Nhưng các giám mục Đức khác đã hoan nghênh việc làm sáng tỏ của Vatican, bao gồm Đức Cha Rudolf Voderholzer, Giám Mục Regensburg và Đức Cha Stefan Oster, Giám Mục Passau.
Source:Catholic News Agency

4. Tình trạng vô đạo hiện tại – nhận định của Cha Robert P. Imbelli

Cha Robert P. Imbelli, một linh mục của Tổng giáo phận New York, là tác giả của cuốn sách “Rekindling the Christic Imagination”, nghĩa là “Khơi dậy trí tưởng tượng về Chúa Kitô”. Hôm 19 tháng Ba, ngài đã có một bài nhận định liên quan đến các phản ứng chống báng tuyên bố của Bộ Giáo Lý Đức Tin về việc không thể chúc lành cho các kết hiệp đồng tính.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

The Infidelity of the Present

By Fr. Robert P. Imbelli

Tình trạng vô đạo hiện tại


Không cần đến sự tinh anh sáng suốt, người ta cũng có thể dự đoán được một số phản ứng tiêu cực gây sốt đối với tuyên bố gần đây của Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, trong đó tuyên bố việc chúc lành cho các kết hiệp đồng tính là bất hợp pháp. Người ta chỉ cần nhớ lại câu châm ngôn đã cũ kỹ của Scholastics: “Quidquid pititur ad modum receiveris recitur” - “bất cứ thứ gì nhận được đều đã được tiếp nhận tùy theo khả năng của người nhận”.

“Phương thức tiếp nhận” thống trị hiện nay đã được nhà văn quá cố Philip Rieff phác họa vào giữa những năm chuyển đổi văn hóa vào thập niên 1960 trong cuốn sách “The Triumph of the Therapy” – “Sự Khải Hoàn của Liệu Pháp [Tuỳ Cơ Ứng Biến]”, một cuốn sách mang tính tổng kết và tính tiên tri. Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa bị thống trị bởi tính chủ quan và duy cảm xúc, mà hàng ngày bánh mì của nó là việc công bố long trọng “câu chuyện của tôi”, “sự thật của tôi”, và “vùng thoải mái của tôi”. Phản ứng phổ biến đối với tuyên bố của CDF là sự than van vì “bị tổn thương” chỉ đưa ra cho chúng ta một sự xác nhận cho luận điểm của Rieff.

Trong một nền văn hóa như vậy, khi CDF đề cập đến những biểu thức như “sự thật của các nghi thức phụng vụ”, “chính bản chất của các á bí tích”, “đòi hỏi một cách khách quan”, thì những biểu thức như thế chắc chắn sẽ vấp phải trở ngại. Và lời tuyên bố dám kết luận với khẳng định đanh thép rằng “Thiên Chúa không bao giờ ngừng chúc phúc cho mỗi người con lữ hành của Ngài trên thế giới này... Nhưng Ngài không và không thể ban phước cho bất kỳ tội lỗi nào” chỉ là một tai tiếng trong tâm trí của nhiều người.

Điều quan trọng là phải nhận ra rằng phản ứng của CDF thừa nhận mối quan tâm mục vụ thực sự của nhiều người ủng hộ việc chúc lành đó. CDF đánh giá cao mong muốn “chào đón và đồng hành” với các cá nhân khi họ trưởng thành trong đức tin. Tuy nhiên, không giống như một số người nói một cách dễ dàng thoải mái về “sự đồng hành”, tuyên bố này nêu bật rất rõ ràng về mục tiêu của sự đồng hành và nội dung của đức tin: đó là sự thánh khiết mà tất cả những người đã chịu phép rửa tội đều được mời gọi - một sự thánh khiết được Chúa Giêsu Kitô thể hiện và kích hoạt. Và, mặc dù không được trích dẫn rõ ràng, lời khuyến khích của Thánh Phaolô đối với các tín hữu thành Rôma có thể đã được sử dụng như lời khuyến cáo của tuyên bố: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12: 1–2).

Tuyên bố của CDF, mặc dù xem ra như tập trung vào vấn đề chúc phúc cho các kết hiệp đồng tính, nhưng lại có ảnh hưởng rộng rãi hơn nhiều. Tuyên bố ấy đối diện với cuộc khủng hoảng đang lan tràn trong đạo Công Giáo kể từ khi Công đồng kết thúc. Cuộc khủng hoảng đi sâu xa hơn những tương phản về “phong cách” của một giáo hoàng nào đó, hoặc sự cân bằng thích hợp cần được đề cập đến giữa “thể chế” và “đặc sủng” hay giữa “pháp lý” và “ mục vụ. “ Nó liên quan đến bản chất bí tích, là hình thức nổi bật của Nhiệm thể Chúa Kitô.

Sự can thiệp của CDF dường như là vì tình hình của Giáo hội ở Đức, nơi mà việc chúc lành cho các kết hiệp kiểu đó đang được đề cao và thực hiện, với sự khuyến khích, ngấm ngầm hoặc công khai, của một số giám mục. Nhưng bối cảnh rộng hơn là cái gọi là “Tiến Trình Công Nghị” đang được tiến hành ở đó. Các tài liệu sơ bộ của Tiến Trình Công Nghị đã làm dấy lên mối quan tâm rộng rãi rằng những gì đang diễn ra không phải là sự phát triển của đạo lý, mà là sự tương đối hóa và phá hoại đạo lý. Và điều này kết hợp quá chặt chẽ với liệu pháp tuỳ cơ ứng biến đặc trưng cho phần lớn Công Giáo phương Tây.

Cuộc khủng hoảng hiện tại của chúng ta đã được Thánh John Henry Newman dự đoán cách đây 150 năm. Trong một bài diễn văn khánh thành Chủng viện Thánh Bernard, Đức Hồng Y Newman thừa nhận rằng mọi thời đại đều có những nguy cơ riêng biệt, và Giáo hội sẽ luôn bị tàn phá do những hành vi sai trái và thất bại của các thành viên, cũng như bởi những cuộc tấn công của kẻ thù. Nhưng hiện tại ngài đã cảnh báo rằng “Kitô Giáo chưa bao giờ có kinh nghiệm về một thế giới đơn giản là phi tôn giáo” - chúng ta có thể nói đó là một thế giới của những “Nones” – tức là những người thờ ơ với tôn giáo. Và vì vậy Đức Hồng Y Newman đặt tiêu đề cho bài diễn văn của mình là “Tình trạng vô đạo trong tương lai”.

Tất nhiên, đối với Đức Hồng Y Newman, một dấu hiệu chính của cuộc khủng hoảng sắp xảy ra này là cái mà ngài gọi là “tinh thần cấp tiến trong tôn giáo”. Theo tinh thần này “những gì được mạc khải trong tôn giáo không phải là chân lý, nhưng là tình cảm và thị hiếu; không phải là một đức tin khách quan”. Điều này dẫn đến niềm tin rằng “mỗi cá nhân có quyền khi nói về những gì gây ấn tượng với sở thích của mình”. Mặc dù Đức Hồng Y Newman thừa nhận rằng tư duy này có thể mang nhiều chiêu bài khác nhau ở các quốc gia khác nhau, “đặc điểm chung và giống nhau ở mọi nơi là tính chất bội giáo” của nó.

“Bội giáo” có nhiều hình thái đa dạng, nhưng tất cả đều có một hệ quả sinh tử. Sáu mươi năm sau bài phát biểu của Đức Hồng Y Newman, H. Richard Niebuhr đã viết một cáo phó cho ngõ cụt đáng buồn của đạo Tin lành cấp tiến: “Các thừa tác viên coi mình là Chúa Kitô không có Thập tự giá đã trình bày một Đức Chúa Trời không có cơn thịnh nộ, và đã đưa những người không muốn phạm tội vào một vương quốc không có sự phán xét.” Trong Mùa Chay này, Newman và Niebuhr cung cấp một lời mời gọi tự vấn lương tâm cho tất cả những người Công Giáo.
Source:First Things