Video: Giáo Hội Năm Châu 17/07/2017: Tương lai của các tín hữu Kitô Iraq

Giáo Hội Năm Châu

Giáo Hội Năm Châu

Năm phụ nữ và hai người đàn ông đã bị giết chết khi chiếc xe buýt chở họ rơi vào một vụ chạm súng giữa các chiến binh Hồi giáo và cảnh sát. Ba mươi người hành hương khác bị thương trước khi chiếc xe buýt này được kéo ra khỏi hiện trường.

1. Lại thêm một linh mục Mễ Tây Cơ bị sát hại

Một linh mục Mễ Tây Cơ đã bị sát hại vào ngày 5 tháng 7. Đây là linh mục Công Giáo thứ 18 bị giết ở Mễ Tây Cơ trong sáu năm qua.


Xác của Cha Luis Lopez Villa được phát hiện tại nhà xứ của ngài thuộc tổng giáo phận Mexico City. Người ta tìm thấy ngài bị trói và có nhiều vết thương do dao đâm vào ngực và cổ. Những người hàng xóm tin rằng những kẻ tấn công ngài đã đột nhập vào nhà thờ giáo xứ ăn cắp đồ trước khi tấn công cha ngay trong nhà xứ.

Đức Hồng Y Norberto Rivera của thành phố Mexico đã lên án vụ giết hại này và yêu cầu cảnh sát nhanh chóng tìm ra hung thủ.

Trong 18 vụ giết hại các linh mục trong vòng 6 năm qua, cảnh sát chẳng bao giờ tìm ra bất cứ một tên tội phạm nào.

Tưởng cũng nên nhắc lại là trong một diễn biến gây tranh cãi tại Mễ Tây Cơ, đầu năm nay, một Giám Mục Mễ Tây Cơ đã gặp các tên trùm băng đảng nhằm “xin tha mạng” cho các linh mục của ngài.

Đức Cha Salvador Rangel Mendoza của giáo phận Chilpancingo-Chilapa trong bang Guerrero đã nhờ những người trung gian sắp đặt một cuộc gặp gỡ với các tên trùm băng đảng, sau khi nghe tin một số linh mục của ngài đã bị đe dọa giết hại. Ngài tường thuật rằng đã nói với tên này rằng “với cái chết chúng ta sẽ không thể giải quyết được bất cứ điều gì.”

Trả lời cho những chất vấn là tại sao ngài không nhờ cảnh sát bảo vệ lại phải hạ mình năn nỉ bọn du đảng mua bán ma tuý, Đức Cha Rangel giải thích: “Hầu hết bang Guerrero đều đã nằm trong tay bọn buôn ma túy. Ở đây làm gì có cảnh sát và luật pháp!”

2. Tuyên bố chung của các Giám Mục Mỹ và châu Âu về vũ khí hạt nhân

Các giám mục Công Giáo ở Mỹ và châu Âu đã cùng ký vào một tuyên bố chung kêu gọi việc loại bỏ hệ thống vũ khí hạt nhân khắp thế giới.

Tuyên bố có tiêu đề “Giải trừ quân bị hạt nhân: Tìm kiếm an ninh cho nhân loại” đã được công bố hôm 06 tháng 7, kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra một “chiến lược đáng tin cậy, có thể kiểm chứng, và phải được thi hành” nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. 

Các giám mục kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ cần nhận ra sự cấp bách của việc giải trừ hạt nhân vì theo các Giám Mục - “viễn cảnh lan tràn vũ khí hạt nhân đang được đi kèm với sự lây lan nhanh chóng chủ nghĩa khủng bố.” 

Các ngài đặc biệt lưu ý rằng các quốc gia phi hạt nhân ngày nay đang mất dần niềm tin và kiên nhẫn trước vì có quá ít các tiến bộ trong nỗ lực kiềm chế sự lây lan của vũ khí hạt nhân.

Các ngài nói: “Khả năng lạm sát bừa bãi và mức độ tàn phá kinh hoàng của vũ khí hạt nhân, buộc các nhà lãnh đạo thế giới phải chấm dứt chính sách dùng hạt nhân để răn đe”.

Tuyên bố chung vừa được công bố đã được ký bởi các vị chủ tịch các ủy ban công lý và hòa bình của hội đồng giám mục châu Âu và Hoa Kỳ. 

3. Tòa Thánh sẽ sớm đưa ra phán quyết về trường hợp Tổng Giám Mục Anthony Apuron

Đức Tổng Giám mục Michael Byrnes đã tường trình rằng một tòa án tại Vatican sẽ sớm được mở ra để thảo luận về số phận của Đức Cha Anthony Apuron, nguyên là Tổng Giám Mục tại Guam, đã bị ngưng chức để điều ta về các cáo buộc lạm dụng tình dục.

Đức Cha Michael Byrnes nguyên là Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận Detroit đã được bổ nhiệm là Tổng Giám Mục Phó với những năng quyền đặc biệt của một Tổng Giám Mục Chính Tòa để cai quản tổng giáo phận Agaña trên đảo Guam.

Trong tổng số 155,690 dân trên đảo Guam, có 132,500 người Công Giáo chiếm tỉ lệ 85.1%. Agaña là giáo phận duy nhất trên hòn đảo này với 25 giáo xứ.

Trong cuộc họp báo ngày 6 tháng 7, Đức Tổng Giám mục Michael Byrnes nói rằng một tòa án giáo luật gồm ba vị thẩm phán sẽ được triệu tập “trong vài tuần tới để cân nhắc các bằng chứng đã được trình bày trong vụ án.”

Đức Tổng Giám mục Byrnes nói rằng nếu Đức Cha Apuron không bị buộc tội, ngài có thể được phục chức làm Tổng giám mục Agaña - một việc mà Đức Tổng Giám mục Byrnes cho rằng sẽ là một “thảm hoạ”.

Nếu Tổng giám mục Apuron bị buộc tội, Đức Cha Byrnes nói, rất khó để dự đoán hình phạt nào có thể được áp dụng. Vào năm 2014, phiên tòa giáo luật xử Đức Tổng Giám mục Jozef Wesolowski, nguyên sứ thần Tòa thánh ở Cộng hòa Dominican, đã cách chức vị này đồng thời huyền chức xuống bậc giáo dân.

4. Một vị Tổng Giám Mục Congo vẫn tin Joseph Kabila sẽ tổ chức tuyển cử

Đức Cha Marcel Utembi, Tổng giám mục của Kisangani, cho biết sau cuộc họp ngày 5 tháng 7 với Tổng thống Joseph Kabila của Cộng hòa Dân chủ Congo là ngài tin rằng cuộc tổng tuyển cử vẫn được xảy ra theo dự trù .

Đức Tổng Giám Mục Utembi cho biết tổng thống Kabila “đã không ngừng nói rằng sẽ có những cuộc bầu cử” trong năm nay, bất chấp sự chậm chạp trong việc lập kế hoạch bỏ phiếu. 

Các giám mục Công Giáo của đất nước này đang đóng vai trò trung gian trong việc hòa giải giữa chính phủ và phe đối lập. Các ngài đã kiên quyết đòi phải có bầu cử trong năm nay.

Quốc gia tại miền Trung châu Phi này đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng chính trị vì tổng thống nước này tham quyền cố vị. Tổng thống Joseph Kabila hết nhiệm kỳ vào ngày thứ Hai 19 tháng 12, năm ngoái 2016 nhưng ông tuyên bố sẽ tiếp tục nắm chính quyền và một cuộc bầu cử lại không thể được tiến hành ít nhất là cho đến sau năm 2018.

Tình trạng bất ổn - bao gồm các cuộc biểu tình và bạo động, đã diễn ra sau các cuộc buộc cho là tổng thống Joseph Kabila âm mưu duy trì quyền lực vô thời hạn.

5. Ủng hộ viên của tổng thống Nicolas Maduro tấn công tòa nhà Quốc hội

Hôm 05 Tháng Bảy- là ngày Độc Lập của Venezuela - một đám đông những người ủng hộ cho Tổng thống Nicolas Maduro đã đột nhập vào tòa nhà Quốc hội, bao vây và đánh đập các nhà lập pháp trong nhiều giờ.

Một số nhà lập pháp và các nhà báo bị thương trong khi xô xát với những kẻ xâm nhập. Julio Borges, Chủ tịch Quốc Hội nói với các phóng viên rằng vụ tấn công này nhắm không chỉ vào các nhà lập pháp nhưng còn là chủ quyền của nhân dân Venezuela, và nền dân chủ của chúng ta”.

Quốc hội Venezuela, do phe đối lập kiểm soát, đã bị Maduro tước mất hết quyền hạn của mình. Cuộc tấn công vào cơ quan lập pháp của các ủng hộ viên của Maduro diễn ra ngay sau khi Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino của thủ đô Caracas nói rằng đất nước ngài đang trải qua một “cuộc chiến của chính phủ chống lại người dân của mình.”

Cũng trong ngày 05 Tháng Bảy, tổng thống Maduro cũng đã tổ chức diễn binh để thị oai với dân chúng.

6. Bảy người hành hương Ấn Giáo bị giết khi xe buýt của họ đi qua vùng Kashmir

Năm phụ nữ và hai người đàn ông đã bị giết chết khi chiếc xe buýt chở họ rơi vào một vụ chạm súng giữa các chiến binh Hồi giáo và cảnh sát. Ba mươi người hành hương khác bị thương trước khi chiếc xe buýt này được kéo ra khỏi hiện trường.

Đức Tổng Giám Mục Felix Machado, chủ tịch ủy ban đối thoại liên tôn của hội đồng giám mục Ấn Độ, đã lên án vụ tàn sát dã man những người hành hương này và kêu gọi chấm dứt bạo lực tôn giáo. 

Ngài nhận xét rằng “tín đồ của các truyền thống tôn giáo khác nhau đang sống trong sợ hãi, lo lắng và mất an ninh, dưới thanh kiếm của hệ tư tưởng cực đoan trong đó người ta không chấp nhận đa nguyên tôn giáo.”

7. Tương lai bất định của các tín hữu Kitô Iraq

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi nói rằng quân đội nước này đã đạt được thắng lợi trong việc quét sạch bọn khủng bố Hồi Giáo IS khỏi Mosul sau một cuộc chiến kéo dài 9 tháng.

Tuy nhiên, tương lai của các tín hữu Kitô đã trốn khỏi thành phố vào tháng 6 năm 2014 vẫn còn rất là bấp bênh. Faraj Benoît Camurat, chủ tịch Fraternité en Iraq, nói với tờ La Croix rằng “chúng tôi thật sự chưa biết liệu có những gia đình Kitô hữu nào dám tái định cư tại Mosul hay không.”

Ông nói thêm: “Họ đã phải chịu đựng nhiều chấn thương và nhiều người vẫn lo ngại sự có mặt của các nhóm cực đoan trong thành phố. Cũng không ai biết liệu các gia đình có thể thu hồi lại đất đai và nhà cửa bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS tịch thu và giao cho người khác haay không. Câu hỏi mà nhiều người tự hỏi bây giờ là liệu họ có nên trở lại Mosul hay định cư tại một thành phố khác trong vùng bình nguyên Nineveh.” 

8. UNESCO công nhận mộ của các tổ phụ tại Hebron là di sản Thế giới

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc, gọi tắt là UNESCO, đã công nhận lăng mộ của các Tổ phụ ở Hebron là di sản Thế giới, theo yêu cầu của chính quyền Palestine.

Israel đã phản đối mạnh mẽ yêu cầu này của Palestine, nhưng đa số các thành viên trong ủy ban UNESCO đã bỏ phiếu ủng hộ, thừa nhận đây là di sản thế giới trên phần lãnh thổ của Palestine.

Lăng mộ của các Tổ phụ được người Do Thái công nhận là nơi chôn cất của Ápraham, Isaac và Giacốp. Người Hồi giáo xây cất đền thờ Hồi Giáo Ibahimi ngay trên địa điểm này. Đó là cái gai trong mắt người Do Thái. Ước mong mãnh liệt của người Do Thái là tái chiếm lại được Hebron.

Nguồn tin: vietcatholic