Bẩy chữ giải thích đầy đủ phương thức của Đức Phanxicô

Pope Francis

Pope Francis

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhanh chóng biến đổi hình ảnh Đạo Công Giáo kể từ ngày được bầu làm giáo hoàng cách nay hai năm. Theo romereports.com, sau đây là 7 chữ có thể mô tả đầy đủ triều giáo hoàng có tính cách mạng của ngài.

Dịu dàng

Dịu dàng là phong cách chính của ngài, là chất liệu làm dịu các cử chỉ của ngài. Ngài muốn biến thế giới thành một nơi nhân đạo hơn nhờ hành xử một cách dịu dàng.

Ngài nhấn mạnh: “Và nhớ phải mạnh mẽ, nhưng với sự dịu dàng”. “Một cách dịu dàng”.

Ra đi

Có thể coi "Niềm Vui Tin Mừng" là tuyên ngôn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Nó là lời mời gọi tha thiết mọi người Công Giáo hãy rời bỏ nơi êm ấm và mạnh dạn ra đi gieo vãi sứ điệp Chúa Kitô.

"Cha muốn việc hành động. Ở đây sẽ có chuyện ồn ào, cha hoàn toàn chắc chắn như thế. Ở đây, ở Rio (de Janeiro) này, sẽ có nhiều tiếng ồn ào, không còn hoài nghi chi nữa. Nhưng cha muốn chúng con làm cho chúng con được nghe thấy ngay tại các giáo phận của chúng con, cha muốn tiếng ồn ào ấy bay xa, Cha muốn Giáo Hội ra ngoài đường phố, cha muốn chúng ta đề kháng mọi chuyện có tính thế gian, mọi chuyện có tính tĩnh tại, ấm cúng, mọi chuyện có liên quan đến giáo sĩ trị, mọi chuyện có thể đóng kín chúng ta lại với chính mình. Các giáo xứ, các trường học, các định chế được tạo ra để ra đi… Không ra đi, chúng sẽ trở thành một cơ quan phi chính phủ, và Giáo Hội không thể là một cơ quan phi chính phủ”

Vứt bỏ

Đức Giáo Hoàng Phanxicô hay tố cáo sự tàn ác của một xã hội “vứt bỏ”, chuyên vứt bỏ những người yếu thế nhất: trẻ em, người nghèo, người bệnh và người cao niên:

"Tôi hỏi một người đàn bà, ‘con cái bà có tới thăm bà không?’ Bà trả lời, ‘có, có, chúng có tới thăm’. Lần cuối cùng chúng tới thăm là khi nào? Bà bảo ‘Lễ Giáng Sinh vừa rồi’. Chúng ta đang ở tháng Tám! Tám tháng không có con cái tới thăm. Tám tháng bị bỏ rơi! Tội trọng đó. Hiểu chưa?”

Các khu ngoại vi

Chiến lược chính trị địa dư của Giáo Hội cũng đã thay đổi dưới triều đại Đức Phanxicô. Cuộc tông du đầu tiên của ngài là viếng Lampudesa, hòn đảo nơi nhiều di dân tới Âu Châu cặp bến. Nước Âu Châu đầu tiên ngài tới thăm là Albania. Và cuộc tông du Châu Mỹ La Tinh đầu tiên gồm các cuộc dừng chân tại Bolivia, Paraguay và Ecuador.

Ngài cũng đã chọn các vị Hồng Y từ Haiti, Tonga và Burkina Faso, những nước rất ít có đại diện hay chẳng có tí đại diện nào tại Vatican cả.

Để hiểu thực tại, ngài bảo ta phải đi tới những khu ở bên lề thành phố hay tới những khu ngoại vi của thế giới.

Nước mắt

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho rằng nước mắt là đáp ứng duy nhất có giá trị đối với nỗi đau của người khác. Nó là cách ngài tố cáo sự dửng dưng đã trở thành hoàn cầu.

"Tôi mời gọi từng người trong anh chị em tự hỏi mình: ‘Tôi đã học cách khóc chưa, khóc như thế nào chưa? Tôi đã học cách khóc cho một ai đó bị đẩy qua một bên chưa? Tôi đã học cách khóc cho một ai đó mắc nan đề về ma túy chưa? Tôi đã học cách khóc cho một ai đó bị lạm dụng chưa?”

Từ bi

Lòng từ bi của Chúa sẵn sàng dành cho bất cứ ai thống hối, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục nhắc đi nhắc lại điều đó. Ngài mời gọi chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi xin được lượng từ bi của Thiên Chúa thương xót.

Thiên Chúa hiểu chúng ta. Người chờ đợi chúng ta. Người không mệt mỏi tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta thống hối và chạy tới với Người với một trái tim thực sự rộng mở.

Đừng bao giờ quên điều này: Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho ta. Ta mới là người mỏi mệt, không chịu xin Người tha thứ.

Niềm vui

Đức Phanxicô đề xuất một lối sống mới, bắt nguồn từ sự đơn sơ và tốt bụng hàng ngày. Nó đã tạo nên cả một suối nguồn hân hoan chung quanh ngài.

"Hãy làm chứng cho niềm vui được gặp Chúa Giêsu, vì tôi cho rằng mọi cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu đều thay đổi cuộc sống (ta), và cũng làm ta tràn trề niềm vui, một niềm vui phát xuất từ bên trong. Chúa là như thế đó”.

Niềm vui tỏa khắp cuộc đời Đức Phanxicô, nó hiển hiện tại mọi cuộc xuất hiện của ngài.

Tác giả bài viết: Vũ Văn An

Nguồn tin: vietcatholic