Chúc lành và báng bổ - Nhận định của Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller

Chúc lành

Chúc lành

Chủ nghĩa bài Công Giáo từ lâu đã ghi dấu trong nền văn hóa Đức ở nền tảng, cũng như sự thù địch ngu xuẩn đối với Đức Giáo Hoàng là người kế vị Thánh Phêrô.

Trong một cử chỉ được xem là nổi loạn chống lại Tòa Thánh, hôm 10 tháng 5, hơn một trăm linh mục Công Giáo trên khắp nước Đức, và cả các Giám Mục Đức, bao gồm cả Giám Mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, đã chủ sự các buổi chúc lành cho các kết hiệp đồng tính. Diễn biến này được xem là một hành động nổi loạn chống lại một tuyên bố của Bộ Giáo Lý Đức Tin hồi tháng Hai, theo đó Giáo Hội không thể chúc lành cho tội lỗi.

Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller, nguyên tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin có bài nhận định sau đăng trên tờ First Things ngày 24 tháng 5.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Blessing and Blasphemy -

by Gerhard Ludwig Müller

Chúc lành và báng bổ


Vào ngày 10 tháng 5, hơn một trăm linh mục Công Giáo trên khắp nước Đức đã thực hiện các buổi ban phép lành cho các kết hiệp đồng giới. Đây là phản ứng của họ đối với một tuyên bố vào tháng Hai của Bộ Giáo lý Đức tin tái khẳng định rằng Giáo hội không thể chúc lành cho các kết hiệp như vậy. Về mặt thần học, việc dàn dựng các chúc lành giả tạo cho các cặp nam hoặc nữ đồng tính luyến ái là một sự báng bổ - một chế giễu đối với sự thánh thiện của Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã viết thư cho các tín hữu thành Thêsalônica rằng Thiên Chúa không muốn gì khác hơn là “anh em nên thánh, tức là xa lánh gian dâm, mỗi người hãy biết lấy cho mình một người vợ để sống cách thánh thiện và trong danh dự, chứ không buông theo đam mê dục vọng như dân ngoại, là những người không biết Thiên Chúa” (1 Tx 4: 3–5).

Nơi hợp pháp và thiêng liêng cho sự kết hợp thể xác của người nam và người nữ là hôn nhân, hay bí tích phu phụ tự nhiên. Bất kỳ hoạt động tình dục được lựa chọn tự do nào ngoài hôn nhân đều là vi phạm nghiêm trọng thánh ý của Thiên Chúa (Dt 13: 4). Tội lỗi chống lại sự khiết tịnh thậm chí còn lớn hơn nếu cơ thể của một người cùng giới tính là công cụ để kích thích ham muốn tình dục. “Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình. Chẳng lẽ anh em không biết rằng thân thể của anh em là một đền thờ của Chúa Thánh Thần sao?” (1 Cr 6:18-19).

Những tội lỗi nghiêm trọng chống lại Mười Điều Răn, được tóm tắt trong điều răn yêu mến Thiên Chúa và người lân cận, sẽ làm mất đi ân sủng thánh hóa và sự sống đời đời, nếu chúng ta không ăn năn những tội lỗi đó trong lòng, xưng tội với linh mục và lãnh nhận ơn xá giải giao hòa chúng ta với Thiên Chúa và Giáo hội. “Anh em đừng lầm. Những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, truỵ lạc, kê gian, những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp” (1 Cr 6: 9-10).

Trong Kinh Thánh, phúc lành của Thiên Chúa lần đầu tiên được đề cập đến khi con người được tạo ra theo hình ảnh Ngài và giống Ngài. Định chế hôn nhân chia sẻ sự thật rằng sự sáng tạo của chúng ta với tư cách là những người nam và người nữ (St 1:27) thể hiện sự tốt lành tự bả chất của Thiên Chúa. Khi một người nam và một người nữ tự do đồng ý và trong hôn nhân trở thành “một xương một thịt” (St 2:24; Mt 19: 5), lời hứa của Thiên Chúa ngay từ thuở ban đầu sẽ áp dụng cho họ: “Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: ‘Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều’” (St 1:28).

Thiên Chúa đã xác định số lượng những người, bởi công việc sáng tạo của cha mẹ họ, sẽ được sinh ra trong cuộc sống này, và là những người, với tư cách là những cá nhân độc nhất, được tiền định “theo thánh ý và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô.” (Ep 1: 5). Mỗi cá nhân được cha và mẹ sinh ra và nâng niu là một sự mặc khải về vinh quang của Thiên Chúa, và điều này cho thấy rằng sự khác biệt được tạo ra giữa nam và nữ và sự hiệp thông trong hôn nhân của họ là những phước lành cho họ, cho Giáo hội của Thiên Chúa Ba Ngôi, và cho tất cả nhân loại.

Lời chúc hôn phối của linh mục trong nghi thức hôn nhân Công Giáo kêu cầu lòng nhân lành được bày tỏ của Thiên Chúa và cầu xin ơn trợ giúp của Người trong lời cầu nguyện chuyển cầu của Giáo hội (ex opere operantis). Điều đó cũng thông báo cho đôi vợ chồng ân sủng thánh hóa của hôn nhân thông qua lời thề vợ chồng của họ (ex opere operato). Đây là lý do tại sao tiềm năng về thể xác và tinh thần cho sự sống trong hành vi vợ chồng và sự cởi mở của hành vi ấy đối với con cái, là những người mà Thiên Chúa muốn bày tỏ vinh quang và ơn cứu rỗi của Ngài, không chỉ tự nó là tốt và không phải là tội lỗi, mà còn là một hành động sinh sản có công, được tính vào cuộc sống vĩnh cửu (x. Thomas Aquinas, Bình luận về 1 Cr 7, lectio 1; Summa Contra Gentiles IV, Cap. 78).

Lời chúc hôn phối được liên kết chặt chẽ với hôn nhân như một định chế cho sự sáng tạo và là một bí tích do Chúa Kitô thiết lập. Lời chúc hôn phối là lời cầu nguyện mạnh mẽ của Giáo hội dành cho cô dâu và chú rể để họ có thể tham gia vào ơn cứu rỗi: để hôn nhân của họ có thể xây dựng Giáo hội và thúc đẩy thiện ích của vợ chồng, con cái và xã hội (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium 11).

Lời chúc hôn phối không giống như các phúc lành và các cử hành thánh hiến khác. Nó không thể tách rời khỏi mối liên hệ cụ thể của nó với bí tích hôn nhân; và không được áp dụng cho các mối quan hệ đối tác chưa kết hôn, hoặc tệ hơn, bị lạm dụng để biện minh cho những kết hợp tội lỗi.

Tuyên bố của Bộ Giáo lý Đức tin vào ngày 22 tháng Hai đơn giản bày tỏ điều mà mọi tín hữu Công Giáo đã được hướng dẫn về những điều cơ bản trong đức tin mà chúng ta đều biết: Giáo hội không có thẩm quyền chúc lành cho các kết hiệp cùng giới tính.

Thật khó tin khi các giám mục và các nhà thần học đột nhiên nhấn mạnh vào sự cấp bách mục vụ trong việc chúc lành cho các cặp đồng tính luyến ái ở những khu vực mà trong nhiều tháng qua các tín hữu đã bị tước mất sự an ủi và ân sủng của các bí tích trong thời kỳ coronavirus. Sự kiện này cho thấy nền tảng giáo lý, luân lý và phụng vụ đã chìm xuống thấp đến mức nào. Trong khi các giám mục thản nhiên cấm tham dự Thánh lễ, cấm thăm viếng người bệnh và cấm đám cưới trong nhà thờ vì nguy cơ lây nhiễm bệnh, thì họ lại tuyên bố rằng cần phải chúc lành khẩn cấp cho các cặp đồng tính. Thật khó tin biết chừng nào.

Vì vậy, vụ tai tiếng ở Đức không chỉ liên quan đến cá nhân và lương tâm của họ. Nó cũng không chỉ báo hiệu mối nguy cho an sinh của họ ở đời tạm này và phần rỗi vĩnh cửu của họ. Thay vào đó, những gì chúng ta đang chứng kiến là sự phủ nhận có tính cách dị giáo đối với đức tin Công Giáo trong bí tích hôn nhân và phủ nhận chân lý nhân chủng học rằng sự khác biệt giữa nam và nữ thể hiện ý muốn của Thiên Chúa trong việc tạo dựng.

Chủ nghĩa bài Công Giáo từ lâu đã ghi dấu trong nền văn hóa Đức ở nền tảng, cũng như sự thù địch ngu xuẩn đối với Đức Giáo Hoàng là người kế vị Thánh Phêrô. Tinh thần người Đức có khuynh hướng đi theo chủ nghĩa lý tưởng hóa, tin rằng tinh thần và đạo đức của nó vượt quá giới hạn của những gì mang tính bí tích và hữu hình, và trên cả những hình thái được Rôma xác định nhưng bị coi chỉ là do con người tạo ra từ đầu đến cuối. Cuối cùng, tính kiêu ngạo này dẫn trở lại nơi giam cầm cơ thể và bản năng không thể cứu rỗi của nó. Vì nhiều người tin rằng “chống lại Rôma” là một dấu chỉ của sự thật, những kẻ kích động cố gắng áp đặt quan điểm của họ, ngay cả khi nó đe dọa sự hợp nhất của Giáo hội và mâu thuẫn với giáo huấn của các Tông đồ. Trộn lẫn “kinh nghiệm sống” với mặc khải có một lịch sử đáng buồn ở Đức. Dù được chấp nhận một cách ngây thơ hay tự nguyện, sự tách biệt sai lầm này thúc đẩy tinh thần Kitô hướng tới một nền ngoại giáo mới chỉ được ngụy trang mỏng manh dưới lớp áo phụng vụ Kitô Giáo.

Vào đầu những năm 1930, hàng triệu người đã bị biến thái bởi sự chống đối Giáo Hội Công Giáo, và cả sự phản đối “tính chính thống” của Giáo Hội Tin lành. Nhà tuyên truyền của Đức Quốc xã Alfred Rosenberg đã phỉ báng Giáo Hội tại Đức là chịu khuất phục trước quyền lực của Rôma và đang xiển dương “các luật lệ, mặc khải, giáo đường và tín ngưỡng ngày nay như những giáo điều cao hơn nhu cầu thiết yếu của người dân Đức đang đấu tranh cho tự do bên trong và bên ngoài”.

Trên thực tế, sự sống và chân lý là một trong Chúa Kitô (Ga 14: 6). Và tình yêu không phải là thứ làm cho ta hạnh phúc, thỏa mãn bản năng của ta, làm tê liệt ta trong chủ nghĩa hư vô, và tạm thời xoa dịu căn bệnh tâm hồn của ta. “Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha, vì mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian; mà thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi” (1 Ga 2:15-17)

Các giám mục và những nhà thần học người Đức này coi dân chúng như những kẻ ngu ngốc; họ tuyên bố có kiến thức chú giải thần bí cho phép họ giải thích những câu Kinh thánh lên án những điều trái với tự nhiên một cách nào đó lại tương thích với những khẳng định về sự kết hợp đồng giới. (Điều này được thực hiện bằng cách chia nhỏ tình yêu vợ chồng thành các khía cạnh riêng lẻ, và một số trong đó được áp dụng cho các kết hợp đồng giới.) Nhưng các luật lệ phò đồng tính được vận động bởi một nhóm đồng tính nam có trong tay hàng tỷ đô la không thể phá hủy sự thật về bản chất con người. Phúc lành của Thiên Chúa chỉ có thể được truyền đạt bởi Giáo hội của Ngài.

“Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần.” Phước lành này là sức mạnh hữu hiệu của tình yêu thương, giúp giải thoát chúng ta khỏi lòng tự ái để chúng ta có thể trở thành anh chị em với nhau, và liên kết chúng ta với nhau như con cái của Thiên Chúa. Nguyên tắc này là tối quan trọng: “Đừng dùng sự tự do của mình làm cơ hội cho xác thịt, nhưng hãy nhờ tình yêu thương mà trở thành tôi tớ của nhau” (Gal 5:13).

Cảnh tượng của những buổi chúc phúc đồng giới không chỉ đặt vấn đề về tính ưu việt của thẩm quyền giáo huấn của ngai tòa Phêrô, vốn dựa trên mặc khải, mà còn đặt câu hỏi về thẩm quyền của chính sự mặc khải của Thiên Chúa. Điều mới mẻ trong nền thần học quay trở lại với ngoại giáo này là sự khăng khăng trâng tráo tự gọi mình là Công Giáo, gây hiểu lầm rằng người ta có thể gạt bỏ Lời Chúa trong Thánh Kinh và Truyền thống Tông đồ, và coi những điều đó chỉ là quan điểm ngoan đạo và những biểu hiện của cảm xúc và lý tưởng tôn giáo có thời hạn nhất định cần phải tiến hóa và phát triển cho phù hợp với những trải nghiệm, nhu cầu và tinh thần mới. Ngày nay, chúng ta được biết rằng việc giảm lượng khí thải CO2 còn quan trọng hơn việc tránh xa những tội lỗi chết người khiến chúng ta xa cách Thiên Chúa mãi mãi.

Tiến Trình Công Nghị không được giáo luật của Giáo Hội Công Giáo công nhận. Nó được thúc đẩy bởi các định kiến chống giáo sĩ: như cho rằng các linh mục và giám mục bị ám ảnh bởi quyền lực; những người giữ lời thề độc thân thì bị cho là có xu hướng tình dục đồi bại; hay cho rằng hàng giáo sĩ cố tình ngăn cản phụ nữ khỏi các nhóm nam giới của họ và bác bỏ việc phong cho phụ nữ những danh hiệu cao trong Giáo Hội.

Vì chân lý Phúc Âm và sự hiệp nhất của Giáo hội, Rôma không được im lặng theo dõi, hy vọng rằng mọi thứ sẽ không trở nên quá tệ, hoặc cho rằng người Đức có thể được vỗ về bằng những chiến thuật khôn khéo và những nhượng bộ nhỏ. Chúng ta cần một tuyên bố rõ ràng về nguyên tắc với những hệ quả thực tế. Điều này là cần thiết để sau năm trăm năm chia rẽ, tàn dư của Giáo Hội Công Giáo ở Đức không bị tan rã, gây ra những hậu quả tàn khốc cho Giáo hội hoàn vũ.

Quyền tối thượng được trao cho Giáo hội Rôma không chỉ vì các đặc quyền của Ngai Tòa Phêrô, mà người nắm giữ có thể thực thi theo ý mình, nhưng hơn thế nữa vì nhiệm vụ nghiêm trọng của Đức Giáo Hoàng, được Chúa Giêsu giao cho ngài, là bảo vệ sự hiệp nhất của Giáo Hội hoàn vũ trong đức tin được mặc khải.

Tại Lễ Trọng kính hai Thánh Phêrô và Phaolô, Đức Giáo Hoàng Lêô Cả đã nói về thử thách về sự kiên định cần có của tất cả các Tông đồ trong cuộc Khổ nạn: “Tuy nhiên, Chúa đặc biệt quan tâm đến Thánh Phêrô và đặc biệt cầu nguyện cho đức tin của Phêrô (Lc 22:32), như thể những người khác sẽ kiên định hơn nếu lòng dũng cảm của người lãnh đạo không bị lung lay. Nơi sức mạnh của Thánh Phêrô, tất cả mọi người đều được củng cố, vì sự trợ giúp của ân sủng thiêng liêng được coi là sức mạnh ban cho Phêrô sẽ truyền qua ngài đến các Tông đồ” (Bài giảng 83: 3).
Source:First Things

Tác giả bài viết: J.B. Đặng Minh An dịch