Cuộc họp báo đầu tiên của Giám Mục tân cử Hồng Kông

Cha Stephen Chow

Cha Stephen Chow

Bản tin của tờ The Pillar ngày 18 tháng 5 cho hay: Giám mục tân cử của Hồng Kông, Cha Stephen Chow, Dòng Tên, cho biết Giáo hội ở Hồng Kông cần phải vượt qua sự chia rẽ nội bộ và bảo tồn quyền tự do tôn giáo của mình. Cha Chow phát biểu hôm thứ Ba trong một cuộc họp báo, ngay sau khi việc bổ nhiệm ngài được Vatican công bố vào thứ Hai.

Cha Chow nói, Hồng Kông “là nơi tôi thực sự yêu mến, nơi tôi sinh ra và là nơi tôi đã lớn lên”. Vị giám mục tân cử cũng xác nhận rằng thoạt đầu ngài đã từ chối việc bổ nhiệm, trích dẫn quan điểm thoạt đầu của ngài là giám mục nên là một linh mục của giáo phận Hồng Kông.

“Một trong những mối quan tâm của tôi là giám mục giáo phận tốt hơn nên xuất thân từ [trong số] các linh mục giáo phận… và tôi không cảm thấy bản thân mình được kêu gọi làm giám mục”.

“Sau khi tôi thảo luận và biện phân với Cha Bề trên Cả của tôi ở Rome, và chúng tôi tin rằng đó không phải là lúc dành cho tôi, không phải là ơn gọi của tôi, vì vậy tôi đã nói‘ không ’. Đó là vào tháng mười hai. Không phải Mùa Chay, như một số tường thuật đã nói ”.

“Sau một vài cố gắng, chúng tôi đã nói không, việc này không dành cho tôi, và chúng tôi tin rằng ai đó từ các linh mục giáo phận nên đảm nhiệm. Dù sao thì, thực sự đây không phải là về tôi".

“Là một tu sĩ Dòng Tên, tôi phải vâng phục Đức Thánh Cha, và cuối cùng Đức Thánh Cha đã đích tay viết một điều gì đó rằng ngài đồng ý rằng tôi nên làm giám mục và tôi đã đọc lá thư - bằng tiếng Ý, nhưng tôi không biết tiếng Ý đâu nhá, nó đã được dịch cho tôi - vì vậy đối với tôi đó là một dấu hiệu, đủ là một dấu hiệu, cho thấy tôi nên đảm nhận [vai trò]".

Giáo phận đã không có người lãnh đạo thường trực trong hơn hai năm, kể từ cái chết hồi tháng Giêng năm 2019 của Đức Cha Michael Yeung Ming-cheung.

Lễ phong giám mục cho Cha Chow dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 4 tháng 12, vào cuối năm nay. Giáo phận xác nhận, cho đến lúc đó, Đức Hồng Y John Tong Hon vẫn tiếp tục trong vai trò giám quản tông tòa.

Vị giám mục tân cử thừa nhận rằng có sự chia rẽ sâu sắc giữa các cộng đồng Công Giáo khác nhau trong giáo phận, bao gồm cả các chia rẽ giữa những người Công Giáo trẻ, thường liên quan chặt chẽ với các phong trào ủng hộ dân chủ, và những người Công Giáo lớn tuổi ít háo hức với việc Giáo hội bị coi như đối kháng chính trị với chính phủ.

“Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đi với những người trẻ, đồng hành với họ bằng sự tương cảm, để chúng ta lại có thể bước đi gần nhau hơn một lần nữa”.

Khi được hỏi về ước muốn của ngài trở thành cầu nối giữa các cộng đồng khác nhau trong giáo phận, Cha Chow nói: “Bây giờ tôi phải đặt lời nói vào hành động”.

“Điều đó không dễ dàng gì, tôi đã và đang cố gắng làm điều đó, ngay cả trong các trường học”.

“Hai năm trước, ở Hồng Kông, cộng đồng trường học của tôi bị chia rẽ nặng. Vì vậy, làm thế nào để mang lại sự hàn gắn... nó cần rất nhiều. Và tôi không nói rằng tôi từng thành công, nhưng tôi cố gắng hết sức, đồng thời lắng nghe, tương cảm, là điều thực sự rất quan trọng”.

Cha Chow cho biết hôm thứ Ba rằng Giáo hội đang và sẽ độc lập khỏi sự kiểm soát của nhà nước.

Ngài nói: “Tự do tôn giáo là nhân quyền căn bản. Chúng ta muốn nhắc nhớ điều đó trong các cuộc đối thoại của chúng ta với chính phủ, để nó không bị lãng quên”.

Trong hai năm qua, Hồng Kông đã chứng kiến các cuộc biểu tình lan rộng chống lại sự can thiệp của đại lục vào chính quyền của khu hành chính đặc biệt, bắt đầu bằng luật dẫn độ năm 2019, luật này sẽ cho phép trục xuất về đại lục các người Hồng Kông bị tố cáo mắc một số tội. Dự luật đó đã bị hủy bỏ sau nhiều năm biểu tình và bất ổn lan rộng, nhưng vào tháng 7 năm ngoái, chính quyền Bắc Kinh đã áp dụng Luật An ninh Quốc gia sâu rộng đối với Hồng Kông, kết tội hình nhiều hình thức tự do ngôn luận.

Một số người Công Giáo nổi tiếng, bao gồm doanh nhân tỷ phú và nhà xuất bản Jimmy Lai, đã bị bắt và bỏ tù vì tham gia biểu tình.

Tuy nhiên, Cha Chow xác nhận rằng ngài đã tham dự một lễ tưởng niệm công khai về vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn vào năm ngoái. Hồng Kông là lãnh thổ Trung Quốc duy nhất được phép tổ chức các biến cố như vậy. Năm ngoái, đám đông đã tụ tập gần công viên Victoria của Hồng Kông để tưởng nhớ cái chết của hàng nghìn người biểu tình, những người đã tụ tập để yêu cầu việc cải tổ chính phủ ở Bắc Kinh vào năm 1989, bất chấp các nỗ lực của cảnh sát nhằm hủy bỏ biến cố hàng năm này.

Cha Chow không cho biết liệu ngài có tham dự một biến cố tương tự trong năm nay hay không; ngài chỉ nhận định rằng điều đó còn tùy các đòi hỏi pháp lý.

Ngài nói, “Có nhiều cách để tưởng niệm: trong quá khứ, tôi đã đi dự một buổi biểu tình công cộng. Nhưng có những lúc tôi không thể đến đó. Vì vậy, tôi cầu nguyện cho Trung Quốc và cho mọi người đã chết vào năm 1989".

Cha Chow từ chối bình luận về tình hình của Giáo hội ở đại lục trong cuộc họp báo của ngài, xem ra ngài muốn nhấn mạnh rằng Giáo phận Hồng Kông là một trường hợp khác.

Ngài nói, “Tôi không nghĩ bình luận về những vấn đề này liên quan đến Trung Quốc, một điều tôi không hiểu lắm, là khôn ngoan đối với tôi. Tôi không có đủ thông tin và kiến thức".

Cha Chow nói thêm rằng ngài không "sợ" bình luận về tình hình ở đại lục nhưng nói, "Tôi tin rằng thận trọng vốn là một nhân đức”.

Trong khi đó, Selina Cheng của tờ Hong Kong Free Press, cũng tường thuật cuộc họp báo trên, cho hay: vị Giám Mục tân cử nói rằng Giáo Hội sẽ “hợp tác một cách thụ động” vào chính trị trong khi thành phố vật lộn với các hậu quả của nhiều tháng biểu tình và áp dụng luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh (xem https://hongkongfp.com/2021/05/18/new-leader-of-hong-kongs-400000-catholics-says-church-will-passive).

Tác giả bài viết: Vũ Văn An