Đức Thánh Cha: Không thể giải quyết xung đột bằng chiến tranh

Chiến tranh

Chiến tranh

Trong sứ điệp gửi đến các tham dự viên hội nghị quốc tế “Hòa bình giữa các dân tộc. 60 năm sau Pacem in Terris”, diễn ra trong hai ngày 11 và 12/5, tại Đại học Giáo hoàng Latêranô, Đức Thánh Cha nhấn mạnh các mối quan hệ giữa các quốc gia đang bị mong muốn quyền lực dẫn dắt, vì thế cần phải cải cách sâu sắc các cơ cấu đa phương để hoà bình được bảo đảm.
Mở đầu sứ điệp gửi đến hội nghị do Đại học Giáo hoàng Latêranô và Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện tổ chức, Đức Thánh Cha cho rằng, ngày nay, một sứ điệp “tích cực và mang tính xây dựng” vẫn có thể được rút ra từ thông điệp Pacem in terris - Hoà bình dưới thế của Thánh Gioan XXIII, bởi vì “hòa bình vẫn ở trong tâm hồn và trong khát vọng của toàn thể gia đình nhân loại, của mọi dân tộc và mọi người”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, chiến tranh chưa bao giờ mang lại sự nhẹ nhõm cho cuộc sống con người, chưa bao giờ có thể hướng dẫn hành trình con người trong lịch sử, cũng như chưa bao giờ có thể giải quyết những xung đột và chống đối. Trái lại, chiến tranh tạo ra sự tàn phá, mất mát, bất khoan dung, không có khả năng nhìn về ngày mai với niềm tin mới.

Vì lý do này, Đức Thánh Cha cho rằng hòa bình phải được xây dựng trên sự cam kết theo đuổi một chính sách, như đã được nêu trong Thông điệp, trên sự thật, công lý, tình yêu và tự do. Thực tế, 60 năm sau văn kiện, nhân loại vẫn chưa trân trọng hòa bình. Chính vì sự ích kỷ của một số ít và lợi ích của họ, cho thấy rằng vũ khí là giải pháp cho các vấn đề và xung đột nảy sinh. Hơn nữa, nếu một mặt có các mối quan hệ quốc tế hạn chế việc sử dụng vũ lực, thì mặt khác mong muốn quyền lực, vẫn là một tiêu chí đánh giá và một yếu tố hoạt động trong quan hệ giữa các quốc gia. Và điều này thể hiện ở nhiều khu vực khác nhau với những tác động tàn phá đối với con người, cơ sở hạ tầng và môi trường tự nhiên.

Hơn thế nữa người ta còn gia tăng các nguồn lực kinh tế để trang bị vũ khí, một cuộc chạy đua đã lại “trở thành công cụ của mối quan hệ giữa các Quốc gia”, như thể hòa bình có thể tồn tại nếu chỉ được thiết lập “trên sự cân bằng về quyền sở hữu”.

Một lần nữa, Đức Thánh Cha kêu gọi “một cuộc cải cách sâu sắc đối với các cơ cấu đa phương mà các quốc gia đã tạo ra để quản lý an ninh và đảm bảo hòa bình”. Theo ngài, công bố hòa bình là chưa đủ nếu người ta không thể hành động cụ thể. Đức Thánh Cha nhắc các quốc gia nhớ rằng họ được kêu gọi phục vụ các cộng đồng, nhiệm vụ của họ là hoạt động theo phương pháp tự do và đáp ứng các yêu cầu của công lý.

Tác giả bài viết: Ngọc Yến