Phiên họp Lục Địa Châu Đại Dương về tính Đồng Nghị tại Suva, Fiji

Suva, Fiji

Suva, Fiji

Trên trang mạng của văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội Đồng, Sơ Bernadette Mary Reis, fsp, có bài tường thuật về Phiên họp của châu Đại dương tại Suva, Fiji về Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới về Tính Đồng nghị.
Thực vậy, Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Công Giáo Châu Đại Dương (FCBCO) đã tổ chức Phiên họp cấp Lục địa tại Suva, Fiji. Liên đoàn này bao gồm các Hội đồng Giám mục New Zealand, Papua New Guinea và Quần đảo Solomon, Úc và Thái Bình Dương. Tiến trình Thượng hội đồng đã được hướng dẫn bởi một Ủy ban điều hành gồm tám giám mục, một nhóm làm việc thần học gồm năm thành viên và một Lực lượng đặc nhiệm gồm chín thành viên, có liên hệ chặt chẽ với trụ sở Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Công Giáo Châu Đại Dương ở Suva.

Diễn trình Giai đoạn Lục địa do Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Công Giáo Châu Đại Dương thực hiện bao gồm:

- Diễn trình biện phân tài liệu trong từng thực thể tạo nên Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Công Giáo Châu Đại Dương (27/11 – 09/12)

- Họp nhóm Biện phân và Soạn thảo gồm 20 thành viên để cầu nguyện, suy tư và tổng hợp tài liệu đã nộp (9-13/01)

- Phiên họp ở Suva sẽ bao gồm hai buổi thảo luận biện phân về bản thảo tổng hợp do Nhóm Biện phân và Soạn thảo thực hiện vào tháng 1 (5-10 tháng 2)

Phiên họp tại Suva bắt đầu vào Chúa nhật với Thánh lễ cử hành tại Nhà thờ Thánh Tâm, sau đó là nghi lễ chào đón truyền thống của người Fiji. Cuối ngày Chúa Nhật, Đức Hồng Y Michael Czerny, Tổng trưởng Bộ Cổ vũ Sự Phát triển Con người Toàn diện, và Đức Tổng Giám Mục Loy Chong, Chủ tịch Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Công Giáo Châu Đại Dương, chào đón những người tham dự và giải thích những gì họ có thể mong đợi trong tuần.

Sơ Reis cũng cho biết: Vào giữa tháng 3, bản dự thảo sửa đổi của Đệ trình Châu Đại Dương được soạn thảo tại Phiên họp Suva sẽ được xem xét, thảo luận và xác minh bởi các thành viên Điều hành của Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Công Giáo Châu Đại Dương, các thành viên của Lực lượng Đặc nhiệm Châu Đại Dương và Nhóm Soạn thảo Phân tích. Dự thảo cuối cùng sau đó sẽ được đệ trình lên Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng trước ngày 31 tháng Ba. Đệ trình này, cũng như sáu đệ trình từ các Châu lục khác, sau đó sẽ tạo thành cơ sở của Tài liệu làm việc sẽ được thảo luận tại Phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng vào tháng 10.

Đức Hồng Y Grech truyền đạt phép lành từ của Đức Thánh Cha cho Phiên họp Suva về Thượng hội đồng

Sơ Reis cũng tường trình rằng, trong một thông điệp video gửi hôm Chúa nhật tới Phiên họp Lục địa ở Suva, Đức Hồng Y Grech nhắc lại rằng đây là một kinh nghiệm về “việc thực hành biện phân của Giáo hội dựa trên niềm xác tín rằng Thiên Chúa đang hoạt động trong lịch sử thế giới, và cụ thể trong những biến cố và hoàn cảnh mà dân Chúa đang sống ở mỗi châu lục”.

Nhân dịp này, Đức Hồng Y Mauro Grech nói rằng ngài đồng hành cùng hội nghị với những lời cầu nguyện của mình và chuyển “phước lành từ phụ” của Đức Thánh Cha Phanxicô.

“Thật vinh dự và đặc ân khi tôi có thể nói chuyện với các Giáo hội ở Châu Đại Dương”, Đức Hồng Y Grech bắt đầu thông điệp video của ngài như thế. Ngài lưu ý rằng bản chất của Hội đồng Lục địa ở Suva là “để suy tư, để nhận thức về những gì dân Chúa đang nói liên quan đến một Giáo hội đồng nghị”.

Ngài cảm ơn những người tham gia Phiên họp về việc làm của họ, mà ngài nói là “tạo điều kiện cho toàn thể Giáo hội tiếp tục con đường mà ở rất nhiều nơi trên thế giới đang đổi mới sức sống của dân Chúa và trên hết là động lực cho sứ mệnh loan báo Tin Mừng mà Chúa đã ủy thác cho mỗi người chúng ta một cách cá nhân, nhưng trên hết là cho tất cả mọi người, cùng với nhau”.

Đức Hồng Y khuyến khích những người tham gia Phiên họp lớn lên trong “ý thức về ‘chúng ta’ mà chúng ta vốn là” thông qua “thái độ đồng nghị tức thông qua đối thoại, con đường duy nhất mà trên đó, chúng ta có thể phát triển với tư cách là một Giáo hội. Điều này đòi hỏi phải nói một cách can đảm và chân thành, nghĩa là hội nhập chân lý và bác ái một cách tự do nội tâm sâu xa”.

Sau đó, Đức Hồng Y Grech làm rõ rằng “lời nói thẳng thắn luôn đi kèm với sự khiêm tốn trong việc lắng nghe”, một sự cởi mở với những điều mới mẻ và sẵn sàng thay đổi quan điểm dựa trên những gì đã được lắng nghe “từ những người khác dưới ánh sáng của Lời Chúa và Huấn quyền của Giáo hội”.

“Đừng ngại nói. Đừng ngại lắng nghe, hãy cố gắng đón nhận và hiểu người khác. Ngoài ra, đừng ngại thay đổi suy nghĩ của bạn dựa trên những gì bạn nghe được.”

Ngài cũng khuyến khích họ lắng nghe “Chúa Thánh Thần, nhân vật chính thực sự của hành trình đồng nghị, vang vọng trong lời của dân Chúa”. Trên thực tế, ngài nói tiếp, Chúa Thánh Thần “sẽ chỉ cho chúng ta con đường phải theo và đồng hành với chúng ta để đi theo con đường đó”. Ngài cũng thừa nhận rằng có nhiều yếu tố của con đường đồng nghị tương tự nhau, trong khi cách thức tổ chức của mỗi con đường là khác nhau, ngài nói, một dấu hiệu “của sự phong phú và sôi nổi. Đây là cách Chúa Thánh Thần thực sự hoạt động”.

Đức Hồng Y nói, đây là những điều kiện sẽ cho phép các Phiên họp Lục địa “trở thành điều chúng phải là – một việc thực thi biện phân của Giáo hội dựa trên niềm xác tín rằng Thiên Chúa đang hành động trong lịch sử thế giới, và cụ thể là trong những biến cố và hoàn cảnh mà dân Chúa sống ở mỗi châu lục”. Các điều kiện sẽ cho phép chia sẻ “những cộng hưởng mà việc đọc Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Lục địa đã gợi ra trong mỗi Giáo hội”, hạn chế đưa ra “các quyết định để phát triển các kế hoạch”, khả năng “nhận ra những gì Thần Khí gợi ý cho các Giáo hội của mỗi châu lục”. Theo cách này, Đức Hồng Y nói, Thượng Hội Đồng Giám mục tháng 10 sẽ càng có tính kích thích hơn.

“Cũng hãy nhớ ý nghĩa sâu xa của tiến trình thượng hội đồng là thúc đẩy toàn thể Giáo hội, mọi tín hữu, tiến một bước về phía chiều sâu không thể đo lường được này, trong đó nguồn gốc đích thực của việc chúng ta cùng nhau đồng hành phát sinh”.

Để kết luận, Đức Hồng Y nhắc nhở các tham dự viên của Hội nghị tại Suva rằng “tiếng của Chúa kêu gọi sứ vụ chung, loan báo Tin Mừng của Người, và mang ơn cứu độ của Người đến một thế giới bị tổn thương đang rất cần đến nó. Tính đồng nghị hoạt động khi nó hướng đến việc phục vụ truyền giáo và do đó mang dấu ấn của niềm vui Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và cuộc sống của những ai gặp gỡ Chúa Giêsu”.

Ngài kết thúc bằng cách hứa với những người tham gia lời cầu nguyện của ngài và một lời biết ơn về “sự cam kết” của họ.

Đức Hồng Y Czerny tại Thượng Phiên họp Châu Đại Dương: 'Dám ước mơ'

Trong khi đó, Christopher Wells tường trình rằng Đức Hồng Y Michael Czerny, SJ, đã đọc diễn văn khai mạc tại Phiên họp của Liên Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Châu Đại Dương, nêu bật hai chủ đề căn bản của Phiên họp: biến đổi khí hậu và tính đồng nghị.

Thực vậy, Bộ trưởng Bộ Phát triển Con người Toàn diện, Đức Hồng Y Michael Czerny, SJ, đã khai mạc Phiên họp của Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Công Giáo Châu Đại Dương tại Fiji, vào Chúa nhật, cử hành Thánh lễ khai mạc cho Phiên họp, và sau đó đọc diễn văn khai mạc.

Phiên họp, với chủ đề “Cứu đại dương để cứu mẹ trái đất,” cũng sẽ là một phần của giai đoạn lục địa của Thượng hội đồng về tính đồng nghị.

Hai chủ đề biến đổi khí hậu và tính đồng nghị là những chủ đề chính được Đức Hồng Y Czerny nhấn mạnh trong bài diễn văn khai mạc của ngài. “Biến đổi khí hậu thuộc phạm vi ‘quan tâm đến ngôi nhà chung của chúng ta’, mà ở đây [ở Châu Đại Dương] cũng có nghĩa là quan tâm đến đại dương.”

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Trong khi thừa nhận rằng đại dương là “cái nôi của sự sống” và thừa nhận sự cần thiết phải tôn trọng tạo thế, Đức Hồng Y cũng nhận ra nhiều căng thẳng ảnh hưởng đến khu vực – bao gồm việc khai thác không bền vững các nguồn tài nguyên đại dương, nạn buôn người, di cư và các cuộc cạnh tranh địa chính trị.

Ngài nói, để đối phó với những căng thẳng này, Giáo hội đề xuất “sự phát triển con người toàn diện”. Theo chân Đức Thánh Cha Phaolô VI, Đức Hồng Y Czerny đã liên kết sự phát triển toàn diện của con người với “sự sống dồi dào” mà Chúa Giêsu đã nói đến trong các Tin Mừng, và thúc giục Giáo hội chú ý đến những gì mà sự sống và sự phát triển đó đang bị đe dọa.

Giáo hội được kêu gọi không chỉ lên tiếng về sự phát triển của con người, mà còn can thiệp vào lịch sử nhân loại, “làm phong phú hiện tại bằng những điều tốt đẹp”. Ngài nói, để làm được điều này, Giáo hội phải đồng hành với mọi người, điều phải bắt đầu bằng việc lắng nghe họ.

Hành trình đồng nghị

Điều này đã khiến Đức Hồng Y Czerny suy tư về chủ đề tính đồng nghị. Ngài giải thích rằng Giáo hội phải học cách “cùng nhau bước đi” – tính đồng nghị – “điều đang đổi mới Giáo hội cho sứ mệnh của Giáo hội trong Thiên niên kỷ thứ ba.

Điều này có nghĩa là lắng nghe tất cả mọi người, bao gồm cả người dân bản địa của Châu Đại Dương. Trích lời các nhà lãnh đạo Thượng Hội đồng, Đức Hồng Y Mario Grech và Đức Hồng Y Jean Claude Hollerich, Đức Hồng Y Czerny nhấn mạnh rằng “chúng ta được kêu gọi vạch ra một lộ trình chung bắt đầu với sự đóng góp của tất cả mọi người”.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng tiến trình thượng hội đồng này phải bắt đầu bằng “sự hoán cải thực sự”, bao gồm cả việc thừa nhận “sự đồng lõa của cá nhân và tập thể chúng ta trong việc làm suy thoái môi trường của chúng ta, và những hậu quả thảm khốc của việc đó đối với các cộng đồng nghèo và bị gạt ra ngoài lề xã hội”.

“Giấc mơ chung của chúng ta”

Cuối cùng, Đức Hồng Y Czerny nhấn mạnh rằng công việc đang được thực hiện ở Châu Đại Dương không được thực hiện một cách cô lập: “Trong hành trình khám phá và biến đổi này, các bạn không ở ngoài đại dương một mình. Đức Thánh Cha Phanxicô, Giáo triều Rôma, Văn phòng Thư ký Thượng Hội đồng, Bộ Cổ vũ Sự Phát triển Con người Toàn diện đều ở bên các bạn”.

Ngài giải thích rằng công việc của các cơ quan đó, trước hết là “công nhận và hỗ trợ công việc mà các Giám mục làm cho Tin Mừng và Giáo hội”, cũng như đưa ra lời khuyên cho những nỗ lực của họ nhằm bảo đảm cho “các dân tộc có thể có cuộc sống sung mãn” trong Chúa Kitô.

Đức Hồng Y tiếp tục giải thích rằng một cách để đánh giá sự thành công của Phiên họp là hỏi họ đã học tốt như thế nào để đánh giá cao chủ đề chung của Thượng Hội đồng, và cụ thể hơn, họ đang nỗ lực thực hành tốt như thế nào khi cùng làm việc với nhau.

“Khi chúng ta tụ họp trong tuần này để lắng nghe và học hỏi lẫn nhau và nhận ra nơi nào Thần Khí đang dẫn dắt các cộng đồng của chúng ta,” Đức Hồng Y Czerny nói trong phần kết luận, “chúng ta cầu nguyện để có được sự táo bạo để mơ những giấc mơ vĩ đại cho toàn thể nhân loại, cho thế giới được tạo dựng, và cho Giáo Hội của chúng ta.”

“Chúng ta hãy chèo và chèo thuyền cùng với Chúa Giêsu Kitô của chúng ta.”

Tác giả bài viết: Vũ Văn An