Chia sẻ và thảo luận về "tình yêu nam nữ"" cho giới sinh viên Công giáo

tình yêu nam nữ

tình yêu nam nữ

Các sinh viên Công Giáo đang học tại một thành phố miền Trung Việt Nam, nhắn nhủ nhau đến nghe chia sẻ và cùng nhau thảo luận về “Tình Yêu Nam Nữ”, một chủ đề hẫp dẫn và ngọt ngào, nhưng cũng đầy nhức nhối và đắng cay đối với một thời sinh viên, một thời trai trẻ.

Khoảng 350 sinh viên quy tụ về nhà thờ Thánh Phanxicô ở đường Nguyễn Tri Phương thành phố Huế để nghe một chuyên viên Tâm lý nổi tiếng, Nữ Tu Trần Thị Giồng từ thành phố Saigon ra nói chuyện và cùng thảo luận với họ.
 
 Không biết có phải vì khả năng nói chuyện hấp dẫn và lý thú của người Nữ Tu gốc Huế này, hay là vì đề tài “Tình Yêu” đã làm cho các sinh viên lắng nghe cách tỉnh táo và hứng khởi. Họ ngồi chăm chỉ nghe hàng tiếng đồng hồ mà không biết mệt mỏi. Phải chăng đề tài “Tình Yêu Nam Nữ” đang là mối tơ vò trong họ? Họ muốn tìm kiếm một con đường tình yêu đi đến hạnh phúc. Họ muốn phân biệt rõ ràng rằng: đâu là Tình Yêu Lành Mạnh và đâu là Tình Yêu Lầm Lạc.
 
 Trong phần nói chuyện, Chị Giồng đã thẳng thắn nhấn mạnh khi nói với các sinh: “Các bạn không nên đùa cợt với tình yêu, không nên thử nghiệm tình yêu”. Chị giải thích rằng, mục đích của tình yêu đôi lứa là đi đến hôn nhân hạnh phúc. Nếu chúng ta đùa cợt hoặc thử nghiệm tức là chúng ta đã đùa cợt với cả cuộc đời của mình và đang làm một thử nghiệm bên bờ vực thẳm.
 
 Chị Giồng đang là giảng viên của nhiều trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, đã có nhiều cuộc tiếp xúc và nói chuyện với nhiều thành phần trong đạo ngoài đời, kể cả những người làm chính trị. Chị nói: “Trong tình yêu, chúng ta phải giành cho nó một thời gian nhất định, không vội vàng. Phải biết hãm lại, đừng vội ‘cho đi’ dù là một chút. Phải cẩn thận và phải biết làm cho tình yêu của mình ‘lớn lên’”.
 
 “Trong các bạn, ai cũng mong muốn có một người yêu, một người bạn đời có giá trị, tức là người có đạo đức, có nhân bản, có học thức và sự nghiệp. Nếu muốn vậy, thì các bạn hãy bắt đầu từ chính mình, tức là phấn đấu mỗi người tự mình đạt cho được những giá trị mà mình mong muốn nơi người bạn đời của mình”, chị Giồng nói.
 
 Các sinh viên đặt ra những câu hỏi và những tình huống với chuyên viên tâm lý. Trong số các sinh viên tham dự, có nhiều bạn đang tìm hiểu ơn gọi tu trì, một bạn hỏi rằng: những người đang tìm hiểu ơn gọi tu trì thì có nên yêu không? Chị Giồng trả lời: “Nếu mình có ý định đi tu, tức là mình có ý định chọn Chúa làm bạn đời, làm gia nghiệp, làm chỗ nương thân, thì không nên yêu”. Chị Bề Trên giám tỉnh dòng Đức Bà giải thích rằng: Những người như vậy là những người rất cheo leo và dễ gục ngã, họ đang thử nghiệm và đùa cợt với tình yêu đôi lứa, trong khi đó họ không có ý định đi đến hôn nhân gia đình. Chị nói: “Những người đang tìm hiểu ơn gọi tu trì là những người phải mở rộng lòng mình để yêu hết mọi người như Chúa đã yêu, chứ không phải là tình yêu nam nữ, tình yêu của họ không được dừng lại với riêng ai, không ích kỷ, không chiếm đoạt ai và không để cho ai chiếm đoạt mình”.
 
 Các sinh viên chia thành 9 nhóm để thảo luận cũng như phân biệt tình yêu lành mạnh và tình yêu lầm lạc được thể hiện ra qua hành vi và ứng xử như thế nào. Họ thoải mái trình bày những quan điểm riêng mình, nhóm trưởng ghi lại những ý kiến đó để đúc kết vào lúc sau Thánh Lễ.
 
 Họ tham dự thánh lễ do linh mục Gioan Kim Lê Thanh Hoàng chủ sự cùng với 2 linh mục đồng tế. Trước Thánh Lễ, Cha đặc trách sinh viên đã nhắc nhớ lại biến cố của Giáo Hội trong những ngày qua, ngài đọc tiểu sử của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho các sinh viên nghe, và ngài nói: “Chúng ta hy vọng Đức Tân Giáo Hoàng Bênêđictô XVI sẽ tiếp nối Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đặc biệt quan tâm đến giới trẻ chúng ta là tương lai của Giáo Hội và xã hội”. Ngài mời gọi các sinh viên cầu nguyện cho Đức Cố Giáo Hoàng và Đức Tân Giáo Hoàng. Sau Thánh Lễ, các sinh viên cùng nhau ăn cơm tối theo nhóm ở khuôn viên sân nhà thờ.
 
 Phần đúc kết được diễn ra thật nhanh gọn và dí dỏm. Mỗi nhóm có một đại diện lên để trình bày những phát hiện cụ thể về tình yêu lành mạnh và tình yêu lầm lạc của nhóm mình. Và thế là hai cột kê khai các đặc trưng của hai dạng tình yêu này cứ dài thêm qua từng bản góp ý trong tiếng cười vang của mọi người đồng tình ủng hộ. Tình yêu lành mạnh là tình yêu chân thật, quảng đại, đầy tính trân trọng, biết làm chủ, biết đình hoãn, trong sáng, làm cho lớn lên... Tình yêu lầm lạc là là tình yêu giả dối, đào mỏ, vụ lợi, lạm dụng, mù quáng, lén lút, liều lẫn, đê tiện và tác hại trên sự nghiệp học tập cũng như tương lai của người sinh viên...
 
 Chị Giồng đã đúc kết những bản góp ý lại trong một ý chính là Tình yêu lành mạnh sẽ được thể hiện qua tất cả những gì có khả năng làm cho người đang yêu lớn lên. Và ngược lại, tình yêu lầm lạc là tất cả những gì có khả năng giết chết tình yêu và huỷ hoại sự nghiệp và tương lai của một đời người. Chị Giồng khuyên các sinh viên rằng: Những ai chưa yêu thì hãy cố gắng tìm cho mình một tình yêu lành mạnh.
 
 Những ai đang yêu thì hãy dứt bỏ những gì là lầm lạc trong tình yêu, tôn trọng nhau là điều kiện cần phải có trong tình yêu hôn nhân và tình bạn, hãy quan tâm đến những ưu tư của nhau, quan tâm đến gia đình, công khai với gia đình và mọi người về tình yêu của mình.
 
 Những ai đã yêu mà đang bị suy sụp tinh thần, hãy trỗi dậy và tự tin vào chính mình, một tình yêu lành mạnh mới sẽ đến với bạn nếu bạn biết rút kinh nghiệm từ bài học của tình yêu cũ đã qua.
 
 Linh mục đặc trách giới sinh viên ở Huế cho biết mục đích của những trao đổi tìm hiểu trong lần gặp gỡ Chúa Nhật cuối tháng Tư này, là giúp cho anh chị sinh viên ý thức rõ giá trị đạo đức của Tình yêu trên con đường gầy dựng sự nghiệp. Và Chị Giồng đã thật sự giúp cho cử tọa nắm bắt được chiều sâu của chủ đề tình yêu và sự nghiệp ngay từ phút đầu của bài nói chuyện, khi nhắc cho mỗi sinh viên ghi nhận một thực tế muôn thuở của thân phận người: Không ai chết vì thất nghiệp, không ai điên vì đổi đời, ngay cả đổi một Ơn gọi, nhưng có rất nhiều người chết vì yêu và điên vì thất tình! Để minh hoạ, chị đã kể về cuộc đời của một nữ luật sư mà chị quen biết. Trước kia, là một nữ luật sư sắc sảo tự tin, chỉ sau hơn mười năm gặp lại, là một con người tiều tuỵ, mất hết nhuệ khí và không còn hành nghề nữa. Lý do là vì.. . thất tình.
 
 Linh mục Antôn Nguyễn Văn Tuyến đã không chỉ đặc biệt quan tâm đến nhu cầu thiêng liêng là công tác mục vụ cho giới sinh viên, mà ngài còn quan tâm đến nhu cầu vật chất và tinh thần cho họ. Cha Tuyến cho biết, ngài đã từng đến thăm nơi ăn chốn ở của các sinh viên trong các phòng trọ, hỏi thăm những khó khăn khi họ xa nhà, những khúc mắc trong cuộc sống của họ. Ngài cũng cố gắng tìm mọi cơ hội để sinh viên có được những bài nói chuyện bổ ích về những vấn đề quan trọng và thiết thực nhất.
 
 Cha Tuyến nói với các sinh viên trong buổi gặp gỡ này rằng, “Tình Yêu là mảng quan trọng nhất không chỉ với riêng giới trẻ mà tất cả mọi thành phần, kể cả thành phần đang trong ơn gọi tu trì. Nếu không định hình được cho bản thân mình một tình yêu lành mạnh, chúng ta sẽ khó thành đạt được trên con đường gầy dựng sự nghiệp và Ơn gọi của mình. Hy vọng rằng, qua bài nói chuyện đầy tính thuyết phục hôm nay, sinh viên Huế nhận thức rõ ràng và đúng mức về giá trị của Tình Yêu và có đủ hành trang để tiếp tục đắp xây cho mình một tình yêu lành mạnh và một sự nghiệp sáng lạn.”
 
 Cuối buổi gặp mặt, các sinh viên được hướng dẫn cầu nguyện trước Thánh Thể, giờ cầu nguyện như là cách “nghỉ ngơi” bên Chúa sau một ngày mệt nhọc. Chắc chắn họ đã tạ ơn Chúa, họ đã cầu xin rất nhiều với Chúa cho Tình Yêu và Sự Nghiệp đời họ. Họ ra về trong niềm lạc quan tin yêu để tiếp tục bước đi trong quãng đường còn lại.
 
 Huế, thủ phủ hoàng đế cổ xưa của Việt Nam, một địa danh đầy trữ tình, mộng mơ và nên thơ không chỉ cho những đôi bạn trẻ nam nữ đang yêu nhau mà còn cho tất cả những ai có trái tim biết yêu. Cảnh đẹp nơi đây rất dễ vun đắp và tạo nên nhiều cuộc tình nơi những giảng đường đại học trong một thành phố đầy màu xanh và tím; nhiều cuộc tình bên bờ sông hương êm ả; nhiều cuộc tình nơi những bức tường rêu phong cổ kính của hoàng thành và lăng tẩm vắng lặng; và nhiều cuộc tình khác trong những dịp picnic lên đồi Thiên An, đồi Vọng Cảnh, núi Huyền Không Thượng và đi xuống những bãi biển Lăng Cô, Thuận An, …

Tác giả bài viết: Joseph Vũ Đảm Xuyên