Giòng suy tư: Một triều đại Công Giáo ở Hoa Kỳ, có nên vui mừng không?

Tòa Bạch Ốc

Tòa Bạch Ốc

Vào năm 2008 ông Biden được đề cử làm phó cho ông Obama, ngay sau đó thì Đức Giám Mục ở Scranton PA tuyên bố cấm ông rước lễ vì ông công khai chủ trương phá thai.

Các vị lãnh tụ tối cao:

Vào năm sau, nếu ông Biden thực sự nhậm chức Tổng thống Hoa kỳ thì, nhìn vào bề ngoài, tất cả các vị lãnh đạo cao nhất cuả quốc gia đều là người Công giaó.

Đứng đầu ngành Hành pháp là Tổng thống Joseph Robinette Biden Jr., con cả cuả một gia đình Công Giáo có gốc rễ từ các xứ kỳ cựu ‘toàn tòng Công gíao’ là Ái Nhĩ Lan, Anh quốc và Pháp. Trước khi vào đại học, dù cho gia cảnh lúc đó khó khăn, gia đình ông vẫn cố gắng để ông được giáo dục trong một trường Công Giáo cuả dòng Norbertines (gốc Anh và Ái nhĩ lan) là Archmere Academy ở Claymont, Delaware và cho tới nay ông vẫn luôn luôn tự hào rằng mình là một người Công Giáo đang thực hành các huấn lệnh cuả Giáo hội.

Ở ngành Lập pháp, vị chủ tịch Hạ viện là bà Nancy Patricia Pelosi cũng là một người ‘đạo gốc’ vẫn còn có ‘giây dưa rễ má’ cuả hai bên ‘nội ngoại’ với các thành phố miền Nam nước Ỳ. Bà lớn lên trong một nền giáo dục Công Giáo từ cấp tiểu học cho tới đại học (Institute of Notre Dame ở Baltimore và Trinity College ở Washington, D.C). Và cũng như ông Biden, bà luôn luôn xưng danh một cách ‘rất ồn ào’ rằng mình là một người Công Giáo ngoan đạo đang thực hành những lý tưởng cuả đạo Công Giáo.

Về Tư pháp, thì người cai quản các toà án liên bang và đứng đầu Toà Án tối cao (Chief Justice of the United States) là ông chánh án John G. Roberts, Jr. Cũng giống như ông Biden, tổ tiên cuả ông có nguồn gốc từ các xứ ‘toàn tòng Công Giáo’ Ái Nhĩ Lan, Anh quốc và Pháp. Ông lớn lên và trưởng thành trong hai trường nội trú Công Giáo là Notre Dame Elementary School và La Lumiere School ở Indiana.

Một điểm cũng nên nhấn mạnh là hiện nay, trong 9 vị thẩm phán cuả Tối Cao Pháp viện, có 6 vị là người Công Giáo.

Với một cục diện như thế, tức là cả 3 ngành Lập Pháp, Tư Pháp và Hành Pháp đều nằm gọn trong tay những người Công Giáo ‘đạo gốc’, thì chắc chắn đây phải là một ‘triều đại Công Giáo’ ở Hoa kỳ rồi!.. phải không?

Vậy thì vì lý do gì mà nhiều người Công Giáo lại không được vui?

Những điều đáng vui:

Thực ra chúng ta cũng nên vui mừng một chút bởi vì như Chuá đã nói "Bởi đó, ai xưng ta ra trước mặt thiên hạ thì ta cũng sẽ xưng họ ra trước mặt Cha ta ở trên trời “(Mathêu 10:32, 33). Tất cả các vị nói trên đã không quản ngại xưng danh hiệu ‘thiểu số Công Giáo’ của mình ra, trong một môi trường có đa số ‘bài Công Giáo’ là xứ Hoa kỳ này, thì dù cho họ có một ẩn ý gì khác nữa, sự tuyên xưng đó cũng nên được khen ngợi.

Điểm thứ 2 đáng cho chúng ta thông cảm, đó là cương lĩnh cuả hai đảng Cộng hoà và Dân chủ chỉ xứng hợp khoảng 50% với Công Giáo mà thôi. Đảng Công hoà thì chủ trương phò sự sống, phò gia đình, tự do tôn giáo, còn đảng Dân chủ thì chủ trương phò di dân, giúp đỡ thiểu số, thăng tiến nữ quyền và người đồng tính vv..Cho nên sẽ có cả hai loại đóng góp tích cực và tiêu cực, vậy thì chúng ta cũng không nên quên những diểm tốt lành cuả họ trong những cuộc đời chính trị dai dẳng nhiều chục năm trời, mặc dù đôi khi họ đã có những sai sót đáng phàn nàn.

Những điều đáng buồn:

Trưóc khi đề cập đến những điều đáng phàn nàn cuả 2 vị Công Giáo đảng Dân chủ đã nói ở trên, tưởng cũng nên nhắc lại sự kiện là nhiều vị Công Giáo Cộng hoà cũng từng bị các giám mục chỉ trích dữ dội, thí dụ như ông Jef Bush, một tân tòng, khi là Thống đốc Florida, cho phép hành quyết 21 tử tù (2015); hoặc như ông Paul Ryan, khi là Chủ tịch Hạ viện, cắt bỏ nhiều phúc lợi xã hội cho người nghèo trong ngân sách 2017. Họ đã bị ‘phản đối mãnh liệt’ bởi Hội đồng Giám mục HK, nhưng cả hai ông vẫn được các giám mục yêu quí cho đến ngày nay, vì sao? Có thể là vì cách mà họ đáp ứng lại những lời chỉ trích.

Ông Jef Bush thì viết rằng “thật là khó khăn khi phải vừa cố gắng sống lý tưởng Công Giáo vừa phải thi hành pháp trị…xin đừng làm cho tôi bối rối nhiều hơn là đã bối rối như bây giờ.” Còn ông Ryan, trả lời vấn đề ngân sách, cho biết “Cũng muốn lắm, nhưng tìm đâu ra tiền đây?”

Có nghiã là, cả hai người vẫn để ngỏ một cánh cửa cho sự thương thảo, nếu không là cửa vật chất thì ít ra cũng là một ‘cánh cửa lòng’.

‘Cửa lòng’ là điều mà bà Pelosi và ông Biden hình như đã không có với Giáo hội trên những vần đề giáo lý về sự sống và hôn nhân.

Về ông Biden:

Vào năm 2008 ông Biden được đề cử làm phó cho ông Obama, ngay sau đó thì Đức Giám Mục ở Scranton PA tuyên bố cấm ông rước lễ vì ông công khai chủ trương phá thai. Ông Biden làm ngơ và tiếp tục lên rước lễ tại giáo xứ Delaware. Các nhóm Công Giáo cấp tiến đã thay mặt ông biện hộ trên chính trường Scranton rằng những chương trình xã hội thì phải được đặt lên trước vấn đề phá thai.

Ông Biden từng có tật nói lắp lúc còn nhỏ, khi lớn lên cái tật ấy vẫn làm cho ông không ăn nói trôi chẩy, nhưng vì có tham vọng cho nên ông thường ‘nói ít nhưng là những điều đáng nói’ mà vì thế mà đã nhiều lần vấp phải những sơ hở trái với dự tính.

Trong lúc riêng tư, ông Obama thường than phiền như sau “Cái anh Biden này còn nói nhảm nhí cho đến bao nhiêu lần nữa đây?” ("How many times is Biden gonna say something stupid?") và những nhân viên cuả họ cũng thường nói về ông Biden với một tên lóng là “Joe nhiều bom” ("Joe bombs"). Ông thường bị giấu giếm về những chiến thuật tranh cử. Điều này làm ông phật lòng và có thể vì thế mà ông lại muốn có một sự ‘đột phá’ nào đó.

Lần tranh cử thứ 2 năm 2012, trong khi ông Obama còn vò đầu với vấn đề hôn nhân đồng tính thì ông Biden làm cho mọi người kinh ngạc khi tuyên bố trên chương trình gặp báo chí “Meet the Press” là ông “tuyệt đối thoải mái” với hôn nhân đồng tính.

Ông Obama đã từng ngần ngại phải làm phật lòng khối Công giaó, nhưng nhờ có một anh ‘Công Giáo’ là Biden đỡ đạn cho, ông ta lập tức làm ra vẻ là phải miễn cưỡng để ủng hộ ‘gà nhà’…

Ngày nay ông Biden rất hãnh diện về thành tích độc đáo này. Không rõ trong tương lai ông sẽ còn tìm kiếm thêm những ‘đột phá’ nào nữa không?

Về bà Pelosi:

Nhưng nếu ông Biden làm tổn thương giáo hội vì những sự ‘lỡ mồm lỡ miệng’ (vô tình cũng như cố ý) thì bà Pelosi lại đập phá giáo hội bằng những ‘giáo lý’ quái gở cuả riêng bà ta.

Bà ủng hộ hôn nhân đồng tính nhiều đến nỗi nhóm LGBT đánh giá những công nghiệp cuả bà với một số điểm hoàn hảo là 100%. Có nghiã là bà đã bỏ phiếu cho luật cuả họ ở mọi nơi mọi lúc.

Bà hãnh diện lắm, cho đó là vì bà đã được hưởng một nền giáo dục Công Giáo hoàn hảo: "Đạo của tôi buộc tôi - và tôi cũng thích điều đó – là phải chống lại sự phân biệt đối xử về bất kỳ sự gì ở nước ta, và tôi coi những luật cấm hôn nhân đồng tính là một hình thức phân biệt đối xử. Tôi nghĩ rằng đó cũng là vi hiến."

Bà chống lại mọi bộ luật giới hạn phá thai, chống việc hình sự hoá đưa một trẻ vị thành niên qua biên giới để phá thai, ủng hộ việc cấp ngân khoản phá thai ở nước ngoài vv..

Vào năm 2008, bà biện hộ rằng:”Giáo hội đã không có thể định nghĩa lúc nào thì sự sống bắt đầu…qua giòng lịch sử cuả giáo hội, cái thời điểm cuả sự thụ thai vẫn còn là một việc tranh cãi..”

Đức Tổng Giám Mục Hồng Y Donald Wuerl cuả Washington, D.C đã lập tức khiển trách bà là sai lầm.

Tháng 2 năm 2009 bà Pelosi đã lên toà giám mục San Francisco để gặp Đức Tổng Giám Mục George Hugh Niederauer và sau đó bà xin hội kiến với Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI để bàn về việc ấy.

Không rõ bây giờ thì ý kiến cuả bà về thụ thai là thế nào, nhưng trước đó vào tháng 1 năm 2009, trong một cuộc phỏng vấn trên ABC News, bà còn đưa thêm ý kiến rằng lý do mà bà ủng hộ các dịch vụ kế hoạch hoá gia đình là để giảm chi tiêu cho ngân quĩ cuả Tiểu bang cũng như cuả Liên bang.

...
Qua giòng lịch sử cuả giáo hội, nhiều vua chuá Công Giáo cũng từng làm cho giáo hội phải khốn đốn vì những lý thuyết viễn vông cuả họ, bây giờ là lúc mà các chính trị gia đang thay thế cho các vị vua chuá hồi trước chăng?

Tác giả bài viết: Trần Mạnh Trác