Ông Hai Lúa đi Mỹ
- Thứ năm - 08/10/2015 10:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cha Piô Hậu
Bỗng từ trên loa phóng thanh, nhân viên phi trường nhắc nhở hành khách của hãng hàng không American Airlines chuẩn bị lên tàu. Ông Hai Lúa đứng bật dậy, dõng dạc đến nối đuôi với hành khách bình dân. Đuôi dài thoòng, song song với một cái đuôi ngắn tũn. Cái đuôi ngắn tũn ấy được thành hình bởi những ông VIP mặc áo vét, thắt cà vạt và những doanh nhân xách vali có nẹp inóc. Thì ra ở đâu cũng có người giàu và người nghèo. Giữa người giàu và người nghèo vẫn có một khoảng cách nào đó mà người nghèo hay người kém giàu bao giờ cũng chiếm ba phần tư dân số thế giới. Buồn ghê!
Chiếc máy bay khổng lồ Boeing 777 bắt đầu khởi động. Cô tiếp viên hàng không nhắc nhỡ lấy lệ, hướng dẫn vài động tác thao diễn, nếu máy bay gặp sự cố bất trắc. Cô tiếp viên đẹp đẽ nhưng không xinh xắn, gắn trên ve áo một logo bằng đồng của hảng hàng không AA. Hai chữ A ốm và cao đứng bên nhau tạo thành hai mỏm núi đá hùng vĩ. Giữa hai ngọn núi nhọn hoắt ấy có một con chim đại bàng hai cánh thẳng tắp, kẹp sát vào nhau, cặp mắt hau háu. Y như có một con mồi đang ngơ ngác đứng ở dưới vực thẳm. Ông Hai Lúa nhắc thầm trong họng: “Coi chừng nghe mày!” Chẳng biết ông muốn nói với con mồi hay là ông muốn dằn mặt con đại bàng. Đố ai biết được…
Ông Hai Lúa vội cài khóa an toàn khi thấy máy bay chuyển động trên sân băng. Bỗng… hẵng một cái. Thế là ông đã giã từ cánh đồng quê mà ông thuộc lòng từ bờ bọng cho đến đìa hào. Ông hiểu tánh ý của từng loài cá. Ông rành đường đi nước bước của từ con rùa cho tới con chuột… Bây giờ thì ông đang lơ lững trên không. Ngó xuống, ông chẳng thấy màu xanh bát ngát của đồng ruộng, mà chỉ thấy mây trắng, ngồn ngộn, bồng bềnh. Hết thân thương. Chỉ thấy xa lạ. Dường như ông mất hết cảm giác. Rất vô tâm. Rất vô tình…
Ông sực nhớ cách nay chừng ba thánh , ông quyết tâm đi Mỹ chuyến này để “nghe-ngó-nghĩ”. Nghe thật nhiều, thấy thật nhiều, để nghĩ cũng thật nhiều. Nghĩ nhiều về người đời và đời người. Nghĩ về một dòng lịch sử đang chảy cuồn cuộn như thác lũ. Những gì sẽ bị dòng nước cuốn đi? Những gì sẽ chìm xuống mất dạng. Bây giờ thì dường như ông hơi thất vọng. Bây giờ chỉ thấy mây và mây. Mà mây thì mãi mãi là bồng bềnh. Nổi cũng bồng bềnh. Trôi cũng bồng bềnh. Hết biết…
Ngày 15 tháng 8 máy bay cất cánh từ Sài Gòn. Ngày máy bay hạ cánh xuống San Jose thì lịch tường vẫn ghi là 15 tháng 8. Buồn cười nhỉ?
Trên cuốn nhật ký của mình, ông Hai Lúa ghi:
. Sài Gòn ngày 15 tháng 8 năm 2006. Mình rời Việt Nam đi Mỹ. Đường đi chỉ dài bằng một nửa trái đất, nhưng thời gian thì gần bằng 24 giờ. Như vậy thì mình sẽ tới nước Mỹ vào ngày 16 tháng 8 năm 2006.
. San Jose ngày 15 tháng 8 năm 2006. Ủa! Tại sao kỳ vậy?
Ông Hai ngẩn tò te. Ông không thể ngờ được rằng khi không gian chuyển động thì thời gian có thể bị ngưng đọng. Chính quy luật của không gian và thời gian đã tạo nên lịch sử. Mọi văn minh của loài người có thể đi lên và lên mãi. Nhưng cũng có thể những nền văn mình ấy theo nhau sụp đổ và sụp đổ y hệt nhau.
Rời khỏi phòng đợi của phi trường San Jose, ông Hai Lúa nhìn lên bầu trời. Vẫn chỉ thấy mây bay. Không thèm nhìn lên nữa. Ông nhìn xuống đất. Đất của nước Mỹ: rộng hơn 9 triệu cây số vuông. Đất của người Mỹ ở đúng 300 triệu người. Suốt ba tháng trời, ông Hai banh mắt ra để nhìn. Nhìn không hết, ông vễnh tai lên để nghe, nghe chẳng được bao nhiêu. Nhưng về tới nhà ông hí hững kể cho bà con đồng cảnh nghe. Chuyện kể lỏn nhỏn như cứt dê.
1. Ông đi tìm người Mỹ nhưng chẳng thấy người Mỹ đâu. Cửa nhà nào cũng đóng im ỉm. Rình mãi mới thấy một ông Mỹ hé cửa bước ra. Cửa nhà sập lại. Cửa xe mở ra. Cửa xe đóng lại. Ông Mỹ ở trong ấy. Xe lăn bánh, nhập vào dòng xe. Xe chạy như dòng nước. Người ta bảo có 300 triệu người Mỹ thì có 300 triệu chiếc xe. Nhưng chỉ thấy xe mà không thấy người. Vì không thấy người nên chẳng thấy tình người.
. Có một ông hàng xóm. Tên là gì thì chẳng ai biết. Chỉ thấy ông một ngày hai lần: một lần đi ra và một lần đi vô. Rồi bẵng đi mấy ngày chẳng thấy ông đâu. Tưởng là ông đi vắng. Ai ngờ, ông đã chết. Mấy ngày sau cảnh sát mới phát giác… Ôi! Tình xóm giềng!
. Có một ông Việt kiều nuôi một con nhồng. Con nhồng hay nói. Nói mà không hiểu. Sáng nào cũng chào “Good morning”. Ông láng giềng khen “hay”, nhưng trưa chiều cũng chào “Good morning”. Nghe mãi thấy nhàm vì điếc lỗ tai, ông láng giềng gọi cảnh sát. Cảnh sát đến ra lệnh cho ông Việt kiều giết con nhồng vì nó xúc phạm đến quyền tự do của ông láng giềng. Còn nhồng chết. Ông Việt kiều tiếc hùi hụi. Tiếc con nhồng. Tiếc luôn cả cái quyền tự do nuôi nhồng.
. Con chó đực của ông Ted chui hàng rào xanh qua chơi với con chó cái của ông Tom. Chúng nó không biết tiết dục cũng không biết ngừa thai. Thế là ông Ted bị thưa ra tòa vì hai tội. Tội một, nuôi chó mà không quản lý tốt để nó đi rong, làm mất an ninh của xóm giềng. Tội hai, con chó cái của ông Tom bị mang bầu ngoài ý muốn của chủ. Chủ của nó muốn lấy giống có danh bạ rõ ràng chứ không thể tạp nham như vậy. Ông Ted thua kiện và phải bồi thường. Láng giềng không thể nói chuyện với nhau. Chỉ có “pháp” mà không có “tình”.
2. Người ta khoe với ông Hai Lúa rằng đất nước Mỹ rất chu đáo, khiến con người sống rất an tâm. Người Mỹ cũng giữ luật rất nghiêm. Khi gặp bảng stop thì dù đường vắng hoe cũng vẫn phải thắng đứng lại vài giây rồi mới rồ ga đi tiếp. Uống bia mà lái xe thì cảnh sát phạt chết bỏ. Nếu đi đâu mà muốn nhậu chết bỏ thì phải dẫn bà xả đi theo để khi về thì trao vôlăng cho bà. Nhưng luật vẫn có kẻ hở để người ta lợi dụng luật để kiếm tiền.
. Cảnh sát rượt tên cướp. Tên cướp quýnh quáng lạc tay lái. Xe nhảy lên lề, tông vào một người khách hàng đang bơm xăng. Người khách ấy bị gãy chân. Ai cũng nghĩ rằng người gây tội là tên cướp, tên cướp phải bồi thường. Vậy mà không phải vậy, người phải bồi thường là ông chủ cây xăng. Hỏi tại sao thì cái lưỡi không xương của ông luật sư bên nạn nhân trả lời rằng:
+ Đúng rồi. Người phải bồi thường là thằng ăn cướp. Nhưng thằng ăn cướp không thể bồi thường được. Nó không có tiền gởi trong ngân hàng. Nó không có bất động sản. Nó chỉ có cái xe nghĩa địa mà thôi. Thế là sù.
+ Cảnh sát là một nguyên nhân khiến tên cướp gây ra tai nạn. Nhưng bắt tội cảnh sát không được. Cảnh sát không chịu bồi thường, vì họ thi hành nhiệm vụ mà.
+ Chỉ còn một người có tiền, đó là ông chủ cây xăng. Nhưng làm thế nào để bắt tội ông? Chỉ còn một cách kết tội ông. Ấy là ông bán xăng mà không tạo điều kiện bảo đảm an toàn cho khách hàng.
Ôi cái lưỡi không xương! Ôi đồng tiền!
. Ông Hai đến thăm một nhà thờ cổ. Cha xứ làm guide. Từ phòng thánh đi ra có 5 bậc cấp. Cha xứ vội nâng tay ông Hai dặn dò kỹ lưỡng: “Cha cẩn thận nha. Chính tại chỗ này, một bà đầm té trật gân. Bà kiện Hội đồng Giáo xứ. Hội đồng Giáo xứ phải bồi thường mất hai ngàn đô đấy”. Hỏi tại sao, thì luật sư bảo rằng: “Xây bậc cấp mà không làm tay vịn, nên mới gây tai nạn”. Lại cái lưỡi không xương của luật sư. Chỉ có thánh An Phong mới hiểu được điều này.
3. Ông Hai đến thăm một người quen. Bà chủ nhà gọi điện thoại cho bạn.
- Alô. Mày hả!
- Ôkê. Tại sao tao mời, mà mày không tới?
- Tính đi. Nhưng sao thấy chóng mặt quá à…
Vừa cúp điện thoại cái cốp, thì thằng cu tí nhỏng mõ phản đối:
- Tại sao mẹ nói dối? Mẹ có đau hồi nào đâu? Thằng cu tí giận dỗi. Bà mẹ cúi đầu xấu hổ.
Chỗ nào người ta cũng kể rằng: trẻ em được học đường giáo dục rất tốt. Các em không biết nói dối. Ôi nước Mỹ. Đây là điểm son của ngươi đấy. Tuyệt vời đấy!
4. Có một cặp vợ chồng già. Ông chồng là kỹ sư về hưu. Bà vợ là giáo sư về hưu. Hai ông bà sở hữu một tòa nhà trị giá một triệu đô. Bỗng họ bán đi, mua một căn nhà nhỏ trị giá một trăm ngàn đô thôi. Hỏi tại sao thì họ trả lời: “Để giúp người nghèo”.
Người Mỹ ơi! Nhà văn V. Gheorghiu gọi người là robot (con người bị cơ giới hóa). Nhưng ông Hai Lúa lại thấy trong người máy ấy có một quả tim bằng thịt. Quả tim phập phồng. Quả tim đập rộn ràng. Quả tim ấy cũng là điểm son của ngươi. Nó sẽ cứu ngươi. Và may ra nó sẽ cứu nền văn minh của ngươi khỏi sụp đổ.
5. Ông Hai Lúa rất cảm động khi thấy trên tờ đô la buộc bất cứ mệnh giá nào cũng đều có in một hàng chữ trang trọng “In God we trust!”. Cha ông người Mỹ lưu truyền cho hậu thế lòng tin tưởng của họ vào Thiên Chúa. Người Mỹ ơi! Lại một điểm son nữa dành cho ngươi! Nhưng ông Hai Lúa cảm thấy buồn buồn vì nghe tin đồn rằng có những ai đó đang vận động để Quốc hội duyệt bỏ dòng chữ quý giá ấy.
Ông Hai Lúa giã từ nước Mỹ ngày 13 tháng 11 năm 2006. Con tằm đã ăn dâu. Ăn ít quá nên chả thấy tằm nhả tơ. Đành chờ hay đành chịu. Ai mà biết được.