Nhân ngày Hiền Phụ

Nhân ngày Hiền Phụ
Ở Mỹ tháng 5 có ngày Mother’s Day, tháng 6 có ngày Father’s Day. Hai ngày lễ này khi ra đời không hề có sự sắp xếp nhưng vô tình cũng theo đúng “luật” Lady First. Lễ Mẹ trước, lễ Cha sau. Tháng trước tôi đã có bài viết về Mẹ, tháng này cũng phải viết ít dòng về Cha cho được công bằng.

Từ ngày sang Mỹ tôi thường liên lạc với cô em gái út hiện sống ở miền Hậu giang để trao đổi tin tức qua lại. Mỗi lần liên lạc, tôi hỏi thăm cô tin tức về gia đình và họ hàng ở quê nhà, còn cô em tôi thì hỏi tôi về cuộc sống của chúng tôi ở bên Mỹ. Lần gọi về Việt Nam mới đây thì có hơi khác với những lần trước một tí. Sau khi hai anh em trao đổi tin tức với nhau, cô em tôi còn kể cho tôi nghe một câu chuyện có vẻ hơi. . . ly kỳ trong dịp giỗ của bố tôi.
 
 Với giọng hào hứng cô kể lần giỗ bố tôi năm nay, chú N (người em trai của tôi hiện sống ở Nha Trang) cũng có về. Chú N đã cố ý về trước ngày giỗ để cùng mọi người trong gia đình kéo nhau đi thăm mộ, dọn dẹp, sơn quét lại, thắp nhang và đọc kinh cầu nguyện cho bố tôi tại nghĩa trang.
 
 Cô em tôi kể tiếp là ngay buổi tối hôm đi thăm mộ, thình lình có một con bướm thật to bay xẹt qua mặt cô khi cô vừa từ ngoài sân bước vào trong nhà. Bất chợt cô buột miệng kêu lên “Ông về! Ông về!” Nghe vậy chú N lúc đó đang ở nhà dưới vừa đi lên nhà trên vừa hỏi “Đâu? Đâu?”. Khi chú N lên tới nhà trên thì con bướm xuất hiện trước mặt và khi chú N đưa tay ra thì con bướm đã ngoan ngoãn đậụ vào bàn tay của chú. Đậu một chặp con bướm bay đi rồi quay trở lại. Chú N lại đưa tay ra một lần nữa và con bướm cũng lại đậu vào bàn tay của chú N. Sau lần này, chú N quả quyết “Đúng! Đúng là ông về”. Mọi người hỏi vì sao chú có thể quả quyết như vậy thì chú N cho biết khi con bướm đậu vào lòng bàn tay lần thứ hai chú cảm thấy như có một luồng điện chuyền vào người. Chú N cho đó chính là dấu chỉ về điều mà chú qủa quyết.
 
 Tôi nghe câu chuyện thấy cũng có vẻ lạ nhưng tôi chưa thể kết luận có phải thật sự bố tôi đã mượn hình con bướm để về thăm nhà nhân dịp có chú N từ xa về dự ngày giỗ của bố tôi hay không. Nhưng từ câu chuyện này tôi đã nghĩ nhiều đến bố tôi và nhớ lại từng cử chỉ, dáng điệu cũng như lời nói của bố tôi khi còn sống.
 
 Bố tôi là người nóng tình nhưng lại mau nguội. Bố tôi hơi nghiêm nhưng chung qui cũng chỉ vì muốn con cái sau này không thua kém người ta. Lúc còn nhỏ dại có mấy ai hiểu được điều này, đợi cho đến khi “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ” thì lúc đó cha mẹ không còn nữa.
 
 Dù nhà nghèo, bố tôi cố gắng cho chúng tôi ăn học. Tôi còn nhớ để khuyến khích anh em chúng tôi chịu khó học hành hầu sau này có được tương lai tốt đẹp hơn cuộc sống của bố mẹ, bố tôi thường nói “Con khôn hơn cha thì nhà có phúc”.
 
 Câu nói này có một lần gặp sự tranh cãi của chú tôi. Đúng ra cũng chẳng phải là tranh cãi mà chú tôi chỉ muốn làm rõ hơn ý nghĩa của câu nói đó. Chú tôi bảo con khôn hơn cha nhưng phải biết ở phận làm con chứ cứ tưởng mình khôn rồi coi thường cha mẹ hay người bề trên thì chẳng phải là có phúc mà là vô phúc. Bố tôi hoàn toàn đồng ý và bảo chúng tôi phải nhớ kỹ lời của chú.
 
 Nay bố tôi và chú tôi đều không còn nhưng những lời lẽ của bố tôi và lời nhấn mạnh của chú tôi hôm đó như vẫn còn văng vẳng bên tai tôi mỗi khi tôi chứng kiến một cảnh đời hoặc đọc trong trên báo chí hay xem trên phim ảnh những câu chuyện về những đứa con dám chửi cha mắng mẹ hay đối xử không ra gì với các bậc đã có công sinh thành dưỡng dục.
 
 Đài TVBV mới cho chiếu xong bộ phim Hồng Kông có tên “Đại gia đình”. Tôi không xem từ đầu và cũng không có thì giờ theo dõi liên tục nên chỉ biết đại khái câu chuyện nói về một gia đình có một cơ sở kinh doanh khá lớn. Gia đình này có 3 người con trai trong đó người con trưởng rất kiêu căng. Hắn tự cho mình là người tài giỏi và huyênh hoang rằng ở trong nhà chỉ có một mình hắn là có đủ tư cách để điều hành doanh nghiệp của gia đình. Nhưng người cha không tin tưởng hắn. Ông đã trao quyền điều hành doanh nghiệp cho những người con khác và có lúc đã trao quyền cho đứa cháu nội tức con trai của hắn chứ ông nhất định không trao quyền cho hắn.
 
 Hắn vô cùng căm tức người cha rồi vin vào một lỗi lầm cũ của người cha, hắn ra mặt chống đối người cha đến nỗi đã gọi cha ruột của mình bằng những ngôn từ thật khó nghe. Vợ tôi xem phim cứ bực bội về thái độ quá hỗn xược của đứa con trời đánh này. Tôi cũng đồng ý với vợ tôi. Cho dù người cha có lỗi lầm gì đi nữa, cách đối xử của hắn đối với người cha như vậy cũng không thể chấp nhận được.
 
 Về sau do sự từ chức của người con ruột của hắn và cũng chính do lời đề nghị của anh này, hắn được người cha trao cho quyền làm chủ doanh nghiệp. Khi đã nắm được quyền hành trong tay hắn dùng thủ đoạn bỉ ổi hại chết người cha già và người em để thỏa mãn lòng căm hận. Hắn còn lộng hành làm nhiều điều gian ác bất chấp tất cả, khiến mọi người căm phẫn.
 
 Người con của hắn không chịu được những việc làm vô luân, bất nghĩa của hắn đã đứng ra đương đầu với hắn quyết giành lại quyền làm chủ doanh nghiệp. Anh ta được nhiều người ủng hộ nên cuối cùng đã thành công. Vốn là con người kiêu căng lại bị thảm bại trước con mình, hắn ngông cuồng dùng súng bắn vào ngực người con ruột của mình. May mắn anh ta không chết và sau đó anh ta đã không xử tệ với hắn cho dù hắn đã phạm những tội tầy trời. Đoạn kết bộ phim đã làm chúng tôi thở phào nhẹ nhõm về cách đối xử phải đạo của anh ta.
 
 Gần đây tôi có đọc một bản tin nói về một bà mẹ ở Brazil đã mắng để sửa sai con bà mặc dầu người con đã làm đến chức bộ trưởng trong chính phủ Brazil. Bản tin cho biết vào trung tuần tháng 5 vừa qua trong dịp đến viếng thăm Brazil, ĐTC Bênêđictô 16 đã kêu gọi người dân Brazil chống lại phá thai đang lúc Jose Gomes Temporao, bộ trưởng y tế của nước này đang vận động chính phủ Brazil tổ chức trưng cầu dân ý nhằm thông qua việc hợp thức hóa việc phá thai tại quốc gia này. Phản ứng trước lời kêu gọi của ĐTC, Jose Gomes Temporao đã giận dữ tuyên bố với các phóng viên báo chí “Đức Giáo Hoàng đừng nên xen vào chuyện nội bộ của quốc gia Brazil”. Sau lời tuyên bố đó ông ta im hơi lặng tiếng không còn thấy nói gì đến việc này nữa cho đến khi Reuters hé lộ người ta mới biết ông đã bị người mẹ già của ông ta mắng “Hãy im miệng đi”.
 
 Câu chuyện này thật có ý nghĩa trong dịp mừng ngày Father’s Day. Nó cho thấy dù con cái đã trưởng thành hay đã có địa vị trong xã hội vẫn còn cần đến những lời nhắc nhở của bậc làm cha làm mẹ. Các bậc cha mẹ cần làm như bà mẹ ở Brazil là biết “mắng mỏ” đúng lúc để ngăn chặn con cái làm điều sai trái cho dù con cái có là bác sĩ, kỹ sư hay làm đến chức vụ gì đi nữa. Mặt khác những người con đôi khi cũng cần phải khuyên giải cha mẹ khi thấy cha mẹ sai. Tuy nhiên phải biết lựa lời, ăn nói từ tốn và tuyện đối kính trọng cha mẹ, không nên có những lời lẽ hoặc thái độ vô lễ với cha mẹ hoặc những kẻ bề trên.

Tác giả bài viết: Lại Thế Lãng